Năm 2023 là 'mùa đông' của startup và khởi nghiệp

13/01/2024 16:10

Theo Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam năm 2023 do BambuUP thực hiện, 9 tháng đầu năm 2023, số vụ đầu tư vào các startup Việt giảm 40% về số lượng và 13% về giá trị.

Năm khó khăn của các startup công nghệ

Năm 2023 tiếp tục là một năm nhiều sóng gió và khó khăn của kinh tế thế giới. Đây là một trong những giai đoạn mà kinh tế toàn cầu ảm đạm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2007-2008.

Số liệu tổng hợp từ StartupBlink, Crunchbase, CBInsights cho thấy, tính đến tháng 8/2023, tổng vốn đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp toàn cầu trị giá 187,6 tỷ USD, giảm 46.4% so với cùng kỳ năm 2022. Trung bình mỗi tháng 23,4 tỷ USD được đầu tư cho startup, sụt giảm rõ rệt so với 37 tỷ USD/tháng của năm 2022.

Năm 2023 cũng đánh dấu sự suy giảm của các hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu. Số lượng kỳ lân mới xuất hiện trung bình hằng tháng cũng ở mức thấp nhất trong vòng hơn 4 năm qua.

bao cao doi moi sang tao mo 3.jpg
Thống kê về số lượng kỳ lân công nghệ mới trong các năm từ 2021-2023.

Với số liệu từ Do Ventures cung cấp, Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam năm 2023 do BambuUP thực hiện đã  mang đến bức tranh tổng quan về đầu tư công nghệ tại Việt Nam năm vừa qua.

Theo đó, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm, hoạt động đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam tiếp tục chững lại, đánh dấu mức giảm 2 năm liên tiếp kể từ năm 2021.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị các thương vụ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam giảm 13%, đạt tổng cộng 427 triệu USD. Xu hướng này thể hiện rõ ràng hơn khi chỉ có 56 giao dịch được ghi nhận, giảm 40% về số lượng thương vụ. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2018.

Số thương vụ đầu tư vào startup đã giảm đáng kể ở quy mô gọi vốn nhỏ và trung bình. Các thương vụ rót vốn dưới 500.000 USD chứng kiến mức giảm lên tới 50%. Với quy mô 10-50 triệu USD, số lượng thương vụ đầu tư có giảm nhưng không đáng kể và vẫn duy trì ở mức cao hơn so với giai đoạn trước năm 2022.

Theo bà Đỗ Hoàng Uyên Vy, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Do Ventures: “Trong bối cảnh thách thức hiện nay, việc gọi vốn ngày càng trở nên khó khăn khi các nhà đầu tư rất thận trọng với quyết định giải ngân”.

Khi đánh giá một công ty, nhà đầu tư sẽ quan tâm nhiều hơn đến bài toán đơn vị kinh tế (unit economics) thay vì tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, đặc biệt với các công ty ở giai đoạn đầu. Vì vậy, các startup cần có sự thích ứng và chuyển hướng sang mô hình tăng trưởng bền vững để có thể vượt qua giai đoạn biến động hiện tại”, bà Vy nói.

Những điểm sáng của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam

Chia sẻ thêm, bà Nguyễn Hương Quỳnh, CEO BambuUP cho hay, năm vừa qua có thể xem là một “mùa đông” của lĩnh vực khởi nghiệp, khi số lượng kỳ lân công nghệ giảm mạnh và số vốn đổ vào thị trường khởi nghiệp cũng ít hơn. Tuy nhiên, những kỳ lân, startup liên quan đến trí tuệ nhân tạo lại chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ.

CEO BambuUP cũng đưa ra nhận định: “Số lượng doanh nghiệp mới tại Việt Nam tăng trưởng khoảng 2%, nhưng số doanh nghiệp rút khỏi thị trường lại tăng đến 20%. Điều này cho thấy đây là một thời kỳ khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Do vậy, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam thực sự cần một cú hích trong giai đoạn này”.

bao cao doi moi sang tao mo 1.jpg

Bên cạnh những khó khăn chung của tình hình thế giới, Việt Nam vẫn có không ít điểm sáng. Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023 (GII 2023) do Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) công bố cho thấy, Việt Nam tăng 2 bậc so với năm 2022, đạt xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế.

Việt Nam hiện duy trì vị trí thứ 2 về đổi mới sáng tạo trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp, xếp sau Ấn Độ. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp sau Singapore (thứ 5), Malaysia (thứ 36) và Thái Lan (thứ 43). Theo WIPO, Việt Nam là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.

Tuy vậy, việc đầu tư vốn cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong năm 2023 vẫn chưa được cải thiện. Mức đầu tư vào R&D so với GDP của Việt Nam vẫn còn thấp và có xu hướng giảm.

bao cao doi moi sang tao mo 2.jpg
Sự thay đổi về xếp hạng đầu tư cho R&D trên GDP của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam từ năm 2021 đến năm 2023. Nguồn: Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới.

Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2023 cho thấy, tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu, phát triển so với GDP của Việt Nam hiện ở mức 0,4%, thấp hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á.

Việt Nam xếp hạng 66 toàn cầu về chỉ số này, giảm 7 bậc so với năm ngoái và thấp hơn cả năm 2021. Trong khi đó, các nước trong khu vực đã có sự gia tăng vốn đầu tư vào hoạt động này như Thái Lan (1,3%), Singapore (2.2%), Malaysia (1%). Chỉ số này cũng cho thấy sự tương đồng giữa việc đầu tư vào R&D của một quốc gia so với mức độ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của quốc gia đó.

Theo đánh giá của BambuUP, trong năm 2023, các startup Việt Nam không có sự thay đổi quá nhiều. Tuy nhiên, có một điểm tích cực là các doanh nghiệp Việt dường như quan tâm hơn tới đổi mới sáng tạo mở, mong muốn hợp tác với các đối tác bên ngoài nhằm thúc đẩy marketing và bán hàng hiệu quả hơn.

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/nam-2023-la-mua-dong-cua-startup-va-khoi-nghiep-2238453.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/nam-2023-la-mua-dong-cua-startup-va-khoi-nghiep-2238453.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Năm 2023 là 'mùa đông' của startup và khởi nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO