Năm 2022, kênh đầu tư nào sẽ 'hút' tiền?

04/01/2022 07:35

Các chuyên gia kinh tế dự báo, năm 2022, lãi suất duy trì ở mức thấp, thị trường vàng không quá biến động và kênh đầu tư “hút” dòng tiền nhiều nhất vẫn là bất động sản, chứng khoán.

Vàng, USD, gửi tiết kiệm: Bảo toàn vốn

Trong phiên giao dịch đầu năm mới 2022, giá vàng SJC tiếp tục tăng, tiến gần hơn mốc 62 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn vẫn giữ vững mốc 53 triệu đồng/lượng. Chuyên gia thế giới dự báo năm 2022, giá vàng trong nước sẽ không biến động nhiều. Các nhà phân tích tại ngân hàng J.P.Morgan của Mỹ dự báo, giá vàng có thể dao động quanh mức 1.520 USD/ounce vào quý IV/2022.

Hiện tại, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới 10 triệu đồng/lượng. Khoảng chênh lệch giữa giá mua vào - bán ra khá cao (khoảng 400.000 - 900.000 đồng/lượng tuỳ thời điểm). Đây là nguyên nhân khiến thị trường vàng được dự báo sẽ bình ổn trong năm 2022.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, trong điều kiện nền kinh tế khó khăn vì dịch COVID-19 như hiện nay, cần thận trọng và xem xét bố trí nguồn vốn hợp lý. Trong các gói hỗ trợ sắp tới, nên hạn chế việc đổ tiền vào bất động sản, mà cần tập trung bố trí nguồn vốn cho lĩnh vực kinh doanh, sản xuất.

Năm 2022, lãi suất tiền gửi ngân hàng được dự báo vẫn duy trì ở mức thấp, với việc cầu tín dụng phục hồi nhưng chưa trở lại như trước dịch. NHNN mới đây tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng giảm thêm lãi suất cho vay trong năm 2022, khiến mặt bằng lãi suất tiền gửi khó tăng mạnh trong năm nay.

TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, năm 2022, lãi suất huy động có thể tăng nhẹ do áp lực lạm phát khi nhu cầu vốn tăng sau khi nền kinh tế phục hồi. Lãi suất điều hành (tái cấp vốn) của NHNN hiện nay là 4%. Theo ông Lực, mức này không nên giảm nữa, nếu không muốn đánh tín hiệu lãi suất tiền gửi giảm, ảnh hưởng tới tiền gửi trong dân cư.

Thực tế năm 2021, người dân đã gửi tiền ngân hàng ít đi và chuyển một phần lớn sang đầu tư chứng khoán, bất động sản... Còn lãi suất cho vay hiện nay ở mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua và cũng không phải là điểm nghẽn vì tín dụng vẫn tăng.

Nhóm phân tích của Công ty chứng khoán Bảo Việt nhận định: “Lãi suất huy động thấp nhất lịch sử có thể là nguyên nhân khiến tiền gửi từ khu vực dân cư tiếp tục tăng chậm lại (10 tháng đầu năm chỉ tăng hơn 3% trong khi trung bình cùng kỳ các năm gần đây tăng trên 10)”.

Trên thị trường tiền tệ, giá USD tương đối ổn định nhờ dự trữ ngoại hối ổn định, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam vẫn tăng trong bối cảnh dịch bệnh và việc ngân hàng duy trì lãi suất gửi USD ở mức 0%.

Năm 2022, kênh đầu tư nào sẽ 'hút' tiền? ảnh 1
Chứng khoán được dự báo sẽ tiếp tục hút dòng tiền trong năm 2022. Ảnh: Như Ý

Dòng tiền vẫn chảy vào chứng khoán

Bất chấp đại dịch COVID-19, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ cả về điểm số, thanh khoản và số lượng nhà đầu tư tham gia, ghi nhận nhiều kỷ lục. Năm 2021, VN-Index tăng 35,7%, đứng thứ 6 trong số các năm tăng điểm mạnh nhất lịch sử. Giá 463/1724 cổ phiếu tăng hơn 100% trong năm qua.

Tính cuối năm 2021, vốn hóa thị trường đạt 7.729 nghìn tỷ đồng, tương đương 122,8% GDP năm 2020 và 92% GDP năm 2021. Theo Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm 2020 - 2025, Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025, vốn hóa của chứng khoán tương đương 120% GDP vào năm 2025. Như vậy, với mức vốn hóa trên, mục tiêu của đề án đã hoàn thành trước 4 năm.

TTCK tăng trưởng nhanh, nên xuất hiện nhiều ý kiến lo ngại, chứng khoán có phần tăng nóng, lệch pha với kinh tế thực. Tăng trưởng kinh tế năm 2021 ở mức 2,58%, nhưng chứng khoán tăng tới 35%. Năm 2021, nhiều cổ phiếu tăng giá 100-400% như CMS, CEO, VTH, SDA, VKC, DZM, TC6… chỉ trong một tháng, dù kết quả kinh doanh không nổi bật. Cổ phiếu mệnh giá “trà đá” gần như bị xoá sổ.

Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhận định, năm 2021, TTCK tăng trưởng vượt xa mọi dự đoán của cơ quan quản lý, nhưng không quá bất thường. Không riêng Việt Nam, nhà đầu tư chứng khoán toàn cầu có xu hướng kỳ vọng vào sức bật của nền kinh tế sau khủng hoảng do COVID-19.

Nhận định về cơ hội, triển vọng TTCK năm 2022, nhiều công ty chứng khoán chung quan điểm, VN-Index sẽ vượt 1.500 điểm và tiến xa hơn nữa. Sự chú ý của giới phân tích đầu tư đổ dồn vào các ngành kỳ vọng hưởng lợi từ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế, bao gồm ngân hàng, bất động sản, xây dựng, bán lẻ, thị trường, đồ uống...

“Sắp tới chúng ta sẽ nhìn thấy sự quay trở lại của cổ phiếu cơ bản, tức là những ngành tốt, doanh nghiệp tốt sẽ trở lại dẫn dắt thị trường. Theo chu kỳ tâm lý, sau thời gian tìm đến cổ phiếu có tỷ suất sinh lời cao, đây là thời điểm nhà đầu tư đi tìm những cổ phiếu an toàn để bảo toàn lợi nhuận tích luỹ được trước đó”, TS Quách Mạnh Hào, Đại học Lincoln (Anh) nhận định.

Bất động sản: Vẫn hút tiền

Một trong những kênh đầu tư được dự báo tiếp tục “hút” mạnh dòng tiền là bất động sản. Năm 2021 dù bị tác động nặng nề của dịch COVID-19 nhưng thị trường bất động sản vẫn nóng từ Bắc đến Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, năm 2022, thị trường sẽ tiếp tục “nóng” nhờ tín hiệu lạc quan của kinh tế vĩ mô, đầu tư công và nhu cầu về nhà ở của người dân vẫn còn rất lớn.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, cho biết, sau khi giãn cách được nới lỏng, nhu cầu tìm kiếm bất động sản tăng trở lại. Loại hình chung cư sẽ có sự ổn định, phục hồi tốt trong năm 2022. Đặc biệt, loại hình chung cư cho thuê có sự quan tâm tăng trở lại, sẽ giúp mặt bằng giá tăng.

Phân khúc nhà riêng, nhà phố bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch, tuy nhiên với chính sách tốt, kiểm dịch tốt, cộng với quy định về “hộ chiếu vắc xin” giúp đi lại thuận tiện hơn, mức độ quan tâm phân khúc này sẽ cao hơn. Dự báo mặt bằng giá sẽ ổn định, nhưng sẽ tăng ở một số khu vực nhất định. Phân khúc đất nền tiếp tục nhận được sự quan tâm tốt, mặt bằng giá tăng, nhất là ở khu vực có quy hoạch, dự án đầu tư công được đẩy mạnh.

TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, phân tích, năm 2022-2023, việc kiểm soát dịch bệnh của các nước trên thế giới và Việt Nam cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế còn khó khăn, nguồn tiền trong nền kinh tế vẫn còn.

Do đó, đầu tư vào chứng khoán và bất động sản đặc biệt là nhà ở sẽ là chiều hướng của sóng đi lên trong thời gian này. Thị trường nhà ở khó có thể giảm bởi nguồn cung trên thị trường thời gian qua rất thiếu ở nhiều phân khúc; đặc biệt là phân khúc giá trị vừa phải và trung cấp.

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/nam-2022-kenh-dau-tu-nao-se-hut-tien-post1406682.tpo
Copy Link
https://tienphong.vn/nam-2022-kenh-dau-tu-nao-se-hut-tien-post1406682.tpo
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Năm 2022, kênh đầu tư nào sẽ 'hút' tiền?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO