Cuộc họp có sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành trong đào tạo luật, đại diện các cơ quan/doanh nghiệp hiện đang là thành viên Hội đồng Khoa Luật, Hội đồng cố vấn của Khoa, cựu sinh viên, đại diện Phòng Đào tạo, Phòng Đảm bảo chất lượng đào tạo, Phòng Tuyển sinh và Truyền thông và cán bộ, giảng viên Khoa Luật.
Sau khi trao đổi góp ý, 100% thành viên tham dự đồng ý thông qua chương trình đào tạo 2 ngành Luật và Luật Kinh tế khóa 27.
Khoa Luật – Trường Đại học Văn Lang hiện có khoảng 1.300 sinh viên theo học 2 ngành: Luật và Luật Kinh tế thuộc 4 khóa. Cả hai ngành đào tạo trên đều là những lĩnh vực đào tạo có vị trí then chốt của trường.
Sau khi tốt nghiệp, các cử nhân Luật Kinh tế và cử nhân Luật của Trường Đại học Văn Lang có thể làm việc tốt trong các cơ quan Nhà nước, hệ thống cơ quan Tư pháp như: Tòa án, Kiểm sát, Thi hành án; làm việc trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp như Trọng tài thương mại, văn phòng luật sư, công ty luật, văn phòng công chứng, thừa phát lại, công ty Thẩm định giá, đấu giá, quản tài viên; làm chuyên viên pháp lý, hành chính, nhân sự trong các công ty, tập đoàn kinh tế Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân; làm việc cho tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp trong phạm vi cả nước; Các cử nhân Luật có thể học thêm các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên biệt bổ sung, thi lấy chứng chỉ, trải qua tập sự để trở thành luật sư, công chứng viên, được xem xét theo quy trình để bổ nhiệm làm thẩm phán, kiểm sát viên.
Từ tháng 1-2021, Trường Đại học Văn Lang đã được Bộ GD-ĐT cho phép tuyển sinh đào tạo Thạc sĩ Luật Kinh tế, trở thành trường đại học tư thục đầu tiên trong hệ thống giáo dục đại học ở khu vực phía Nam được giao nhiệm vụ đào tạo Thạc sĩ Luật Kinh tế, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới, hết sức mạnh mẽ của Khoa Luật, Trường Đại học Văn Lang.
Chương trình đào tạo Thạc sĩ Luật Kinh tế được xây dựng theo định hướng ứng dụng, trên cơ sở tham khảo chọn lọc các chương trình đào tạo của các đại học có uy tín cao ở cả trong nước và quốc tế, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn hội nhập quốc tế và kỷ nguyên số.