Nadal - vẻ đẹp vĩnh cửu sau con số 21

Bình An (tổng hợp)| 31/01/2022 12:12

Vượt qua Medvedev vô địch Australian Open để thiết lập mốc vĩ đại 21 Grand Slam, nhưng với Nadal, vẻ đẹp không nằm ở cột mốc hay con số.

Nhóm “Big 3” thống trị quần vợt thế giới gần hai thập niên qua, mỗi người một vẻ. Roger Federer là đại diện cho vẻ đẹp của kỹ thuật, hào hoa và lịch thiệp. Djokovic là hình ảnh của chiến binh dũng mãnh và có phần thô lỗ, cục cằn. Còn Nadal là biểu tượng của lì lợm, thể chất bền bỉ, ý chí mạnh mẽ, đức nhẫn nại. Ai hay hơn là cuộc tranh cãi vô vọng.

6730.jpg
Bức ảnh đầu tiên Nadal đưa lên trang cá nhân sau khi vô địch Australian Open.

Sau khi nhận cúp, Nadal quay sang nói với Medvedev: “tôi biết đó là một thời khắc khó khăn. Daniil, bạn luôn là một nhà vô địch đáng nể. Tôi đã từng đứng ở vị trí này vài lần ở giải này nên tôi hiểu động lực để tiến lên (Nadal từng 4 lần thua chung kết AO - VB) và tôi sẽ không nghi ngờ gì bạn sẽ có chiếc cúp này vài lần. Đây là một trong những trận đấu cảm xúc nhất trong sự nghiệp quần vợt của tôi và rất vinh dự được đứng cùng bạn ở đây”.

Như mọi khi, Nadal luôn rất lịch thiệp khi nói về thành công hay kể cả bại tướng của mình. Tay vợt 35 tuổi nhắc lại điều anh đã nói nhiều lần ở giải này: "Tôi không biết phải nói gì. Sự thật là một tháng rưỡi trước, tôi không biết liệu mình có thể trở lại thi đấu hay không. Các bạn không biết là tôi đã đấu tranh nhiều như thế nào để có mặt tai đây. Sự cổ vũ mà tôi nhận được trong ba tuần ở đây, sẽ luôn đọng trong tim. Tôi không giải thích được cảm xúc lúc này”.

fkw0tmwxeaq7wrw.jpg
Sau 5 set giằng co, Nadal đã chiến thắng bằng tất cả sức lực, ý chí và niềm tin.

Trong trận chung kết Grand Slam thứ 29 trong sự nghiệp, Nadal đã vô cùng vất vả trước một Medvedev đầy sức trẻ và trưởng thành. Tuổi 35 với sự rệu rã về thể lực ngày càng thể hiện rõ đã khiến Nadal luôn phải thi đấu rất khó khăn. Ít nhất hai lần ở giải này, trước Shapovalov và Matteo Berettini, “Vua sân đất nện” phải dùng đến mưu mẹo và kinh nghiệm của mình mới vượt qua vào phút chót.

Và cũng như vậy trước Medvedev, Nadal nhẫn nại “nhặt” từng điểm một và khi đối thủ người Nga nhận ra thì con nước đã dâng đến ngang ngực. Tỉ số được cân bằng 2-2 và ván quyết định thứ 5 đã viết nên lịch sử: Grand Slam thứ 21 cho Nadal.

3743.jpg
Chính Nadal cũng không tin vào khả năng của mình trước khi giải diễn ra.

Kỷ lục 21 Grand Slam, vượt qua Djokovic lẫn Federer, tự thân đã nói lên tất cả về Nadal, dù có thời điểm anh tụt lại phía sau so với hai “kình địch” và nỗi hồ nghi về một cuộc đào thải trước sự vươn lên của những nhân tố như Medvedev, Zverev, Tsitsipas… Nhưng Nadal vẫn ở đó, không mất đi đâu.

Theo bảng xếp hạng ATP công bố ngày 3/1, Nadal tiếp nằm trong Top 10 tay vợt nam hàng đầu, qua đó nâng tổng số lần lên 850 tuần, vượt qua Jimmy Connors (817 tuần), Andre Agassi (747), Novak Djokovic (715), và chỉ kém kỷ lục 968 tuần của Roger Federer. Điều đáng nói là Nadal đã không chơi một trận ATP Tour nào kể từ tháng 8/2021, sau khi dính chấn thương bàn chân ở Citi Open. Con số 850 đó kéo dài hơn 16 năm, tức gần 6000 ngày, dài hơn đệ nhất lẫn đệ nhị thế chiến và nội chiến nước Mỹ.

fkw8cjixeaqmtm0.jpg
Cột mốc 21 Grand Slam đưa Nadal vào lịch sử quần vợt thế giới.

Nadal còn mang trong mình vẻ đẹp vĩnh cửu của tinh thần lao động. Đã có thời điểm anh bị đánh bật xuống tận hạng 10 như năm 2015,  cả những tay vợt “nửa nạc nửa mỡ” như Nick Kyrgios, Murray hay Feliciano Lopez cũng có thể làm khó anh. Và khi đó, người ta mới thấy Nadal chịu bất công rất lớn khi truyền thông thế giới có sự thiên lệch rõ rệt với Djokovic và nhất là Federer, những người luôn thu hút tình cảm của khán giả. Nhưng mỗi lần bị đánh giá thấp như thế người ta lại thấy ý chí vô cùng mạnh mẽ của tay vợt này.

Chuyên gia Jon Wertheim của Tờ Sport Illustrated từng cất công lý giải sự vươn lên của Nadal trong một bài phỏng vấn cách đây 2 năm và ông tìm được câu trả lời: tất cả từ sự nghi ngờ bản thân. “Tôi nghĩ rằng việc tự nghi ngờ bản thân là rất tốt, vì khi ấy tôi cảm thấy như mình được cảnh báo vậy. Quần vợt là môn thể thao mà mọi thứ có thể thay đổi rất nhanh”.Nadal luôn vắt mình trên sân tập. Kiểu như Ronaldo trong bóng đá. Nếu biết tay vợt nào đó tập đánh tay trái 500 lần thì anh phải tập đến 700 hoặc gấp đôi.

fkwz6j3xwaypcnz.jpg
Các danh hiệu của Nadal qua các thời kỳ.

Hết lần này đến lần khác, Nadal thất bại rồi lại đứng lên và trở lại. Càng lớn tuổi, sự ngờ vực cho anh lại tăng dần sau mỗi trận thua.  Nhưng ở Australian Open năm nay, anh đã vượt qua áp lực tuổi tác của mình bằng mưu mẹo và kinh nghiệm dày dặn. Khán giả yêu thích Federer bởi sự hào hoa và toàn diện nhưng không thể phủ nhận nét đẹp riêng của Nadal là tính hiệu quả và tinh thần mạnh mẽ.

fkxhkacwqae7y63.jpg
Trọn bộ danh hiệu Grand Slam của Nadal qua các thời kỳ.

Trên sân, phong cách của Rafa rất tàn nhẫn. Anh thích giằng co, "vờn" cho đối thủ kiệt sức rồi kết liễu, như cách chiến thắng sức trẻ của Shapovalov, Berettini và Medvedev trong giải năm nay. Cái hay của một tay vợt già dặn như Nadal là ở chỗ đó. Bí quyết rất đơn giản: “Tôi sống có kỷ luật, dám thay đổi và biết rõ điều mình sẽ làm tiếp theo. Bản thân cũng sống cho hiện tại, sẵn sàng xử lý khó khăn khi chúng tới".

Chính Nadal cũng nghi ngờ khả năng của mình ở Australian Open năm nay. Lạ một điều cứ khi người ta càng đặt dấu hỏi thì Nadal lại hóa giải dễ dàng. Thế nên ở tuổi 35, đừng vội nghĩ mọi thứ đã kết thúc và 21 Grand Slam có thể chưa phải là mức cuối cùng của tay vợt này.

Theo Guardian, Sky Sport
Copy Link
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nadal - vẻ đẹp vĩnh cửu sau con số 21
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO