Theo RIA, giờ đây các công ty Mỹ đang sử dụng các giải pháp thay thế dầu Nga. Trong khi, các thương nhân thành công trong việc che giấu nguồn gốc của hydrocacbon để bảo toàn nguồn cung cấp, thì các nhà sản xuất trong nước vẫn đi trước một bước trong các lệnh trừng phạt.
Dòng chảy vẫn tiếp tục
Mỹ đã bị cấm nhập khẩu hydrocacbon của Nga kể từ tháng 4. Nhưng vào tháng 5, các tàu chở dầu đã đến các cảng New York và New Jersey, có lẽ đây là dầu của Nga.
Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Saudia Arabia. (Ảnh: AP) |
Theo Wall Street Journal, các chủ hàng và nhà chế biến giấu nguồn gốc của chúng nhưng lại cung cấp ra thị trường thế giới. Do đó, các bang New York và New Jersey đã nhận được một phần nhiên liệu được sản xuất từ nguyên liệu thô của Nga.
Tại Mỹ, các con tàu đi qua kênh đào Suez và Đại Tây Dương từ các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ. Theo các tài liệu vận chuyển và phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA) có trụ sở tại Helsinki, các công ty này là những người mua lớn các hydrocacbon của Nga.
Bằng những cách đường vòng, nhiên liệu đã đến châu Âu. Hồi tháng 4, theo thông tin của Bloomberg, các nước Liên minh châu Âu (EU) mua cái gọi là “hỗn hợp dầu của Latvia”, trong đó thành phần gồm gần 50% từ dầu mỏ Nga. Công ty dầu khí đa quốc gia Shell không coi đây là hành vi vi phạm lệnh trừng phạt.
Ấn Độ là “cầu nối”
Vào tháng 4, châu Á lần đầu tiên vượt châu Âu về lượng mua hydrocacbon từ Nga. Theo đó, Ấn Độ đã mua một lượng lớn kể từ tháng 2, với khoảng 62,5 triệu thùng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Đồng thời, kể từ đầu mùa xuân, nguồn cung cấp các sản phẩm dầu mỏ từ Ấn Độ sang châu Âu đã tăng 30% và sang Mỹ là 43%.
Do đó, khi nhận được nguyên liệu thô từ Nga với mức chiết khấu cao (hiện nay là khoảng 20% với dầu Ural được bán với giá 89-92 USD/thùng), Ấn Độ kiếm được khoản lãi lớn khi bán lại chúng cho Brussels và Washington.
Được biết, những người mua tài nguyên chính ở Ấn Độ là các nhà máy lọc dầu tư nhân bởi vì nhà nước thường mua theo hợp đồng hàng năm.
Kênh truyền hình NDTV lưu ý rằng, trong khi các công ty phương Tây “đoạn tuyệt” dầu của Nga thì các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ như Reliance Industries và Nayara Energy đã nổi lên như những nhà nhập khẩu lớn nhất trong năm nay.
Nga cảnh báo quyết định cấm vận dầu mỏ của EU có thể gây mất ổn định thị trường năng lượng toàn cầu. (Ảnh: RIA) |
Các nhà máy lọc dầu không giấu giếm thực tế là đang kiếm được lợi nhuận lớn do giảm doanh số bán hàng trong nước và sự gia tăng mạnh mẽ của xuất khẩu nhiên liệu, bao gồm cả sang châu Âu.
“Chúng tôi đang đạt được mức lợi nhuận hơn 30 USD/thùng”, NDTV dẫn lời đại diện của một trong những nhà máy cho biết.
Nắm bắt cơ hội
Theo các chuyên gia, trên thực tế người châu Á đã tận dụng tình thế này khi họ tích trữ dầu với giá hợp lý và bán lại có lãi. Tuy nhiên, Nga không có gì để mất ở đây, bởi vì dầu phải được bán, nếu không sẽ phải giảm sản lượng. Và điều này sẽ dẫn đến việc đóng băng các giếng khi chúng được kích hoạt lại sau đó, cũng như sẽ kéo theo những khoản chi phí khổng lồ. Hơn nữa, trong bối cảnh báo giá cao kỷ lục, doanh thu từ xuất khẩu năng lượng đã tăng gấp rưỡi.
“Giá cả bây giờ cao đến mức chúng tôi có thể đủ khả năng giảm giá và bỏ qua xuất khẩu. Ngoài ra, chi phí sẽ tiếp tục tăng. Trước hết, do thiếu hụt nghiêm trọng tàu chở dầu. Phương Tây có thể mua dầu ở đâu bây giờ? Khi còn lại là ở châu Mỹ Latinh, châu Phi và Trung Đông. Nhưng hydrocacbon chỉ được vận chuyển từ đó bằng đường biển trong các tàu chở dầu. Giá thuê tàu hiện đã tăng 50%, lên mức cao kỷ lục trong một thập kỷ”, chuyên gia công nghiệp Leonid Khazanov cho biết.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát chú ý đến thực tế là nguồn cung của Ấn Độ đang bị đe dọa. Delhi xuất khẩu rất nhiều sản phẩm dầu mỏ, bao gồm cả xăng. Do Australia, Mỹ và châu Âu áp đặt lệnh cấm mua nhiên liệu từ Nga, theo tờ Economic Times của Ấn Độ, các sản phẩm dầu do các nước khác sản xuất từ dầu của Nga cũng có thể bị trừng phạt.
Ở một mức độ nào đó, phương Tây sẽ bắt đầu yêu cầu từ các nhà xuất khẩu Ấn Độ một báo cáo chi tiết về xuất xứ của nguyên liệu thô. Tuy nhiên, các chuyên gia chắc chắn rằng việc tìm ra “dấu vết Nga” là điều vô cùng khó khăn.
“Các tài liệu có thể được soạn thảo để phương Tây không phát hiện ra bất cứ điều gì. Cách đơn giản nhất: chúng tôi đổ đầy dầu ESPO của Nga vào các tàu chở dầu, tiếp cận tàu từ Ấn Độ tại đây đã có dầu từ Trung Đông. Sau đó đổ theo một tỷ lệ nhất định: 70% của Saudi Arabia và 30% của Nga. Và chúng tôi gửi hỗn hợp này đến Ấn Độ. Hãy thử kiểm tra”, ông Khazanov cho biết thêm.
Cũng theo giới chuyên gia, châu Âu không thể chuyển đổi trong một sớm một chiều sang hydrocacbon, họ cần phải xây dựng lại nhà máy lọc dầu, sẽ mất từ 2-4 năm. Trong thời gian này, tình trạng thiếu nhiên liệu trầm trọng có thể bùng phát khiến nền kinh tế EU sụp đổ. Do đó, người châu Âu sẽ phải “nhắm mắt làm ngơ không biết hỗn hợp dầu này là gì và xuất xứ từ đâu”.
Thanh Bình (lược dịch)