Mỹ và Australia cương quyết không thay đổi lập trường với Trung Quốc ở Biển Đông

16/02/2022 10:37

Trong buổi họp báo gần đây của Trung tâm Báo chí nước ngoài tại Washington, bà Constance Arvis, khi đó là quyền Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đã chia sẻ về báo cáo mới nhất của Mỹ nhằm bác bỏ các yêu sách phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Một bài viết trên trang tin của Viện Quan hệ Quốc tế Australia (AIIA) ngày 8/2, ông Cameron Smith, chuyên gia về các hoạt động 'vùng xám' và an ninh khu vực đã gợi ý giải pháp nhằm đẩy lùi chiến thuật của Trung Quốc ở Biển Đông.

Báo cáo mới không thay đổi lập trường của Washington với Trung Quốc ở Biển Đông

Mỹ và Australia cương quyết không thay đổi lập trường với Trung Quốc ở Biển ĐôngTàu khu trục John McCain của Mỹ đi qua Biển Đông tháng 2/2021

Phần đầu tiên của buổi họp báo, bà Constance Arvis trong vai trò quyền Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Các vấn đề đại dương, nghề cá và vùng cực cho biết, Bộ Ngoại giao Mỹ vừa công bố báo cáo số 150 về các ranh giới biển, cơ sở để các bên phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

Báo cáo 150 được xây dựng dựa trên Báo cáo 143 năm 2014 của Mỹ về các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Báo cáo nghiên cứu một cách có hệ thống các tuyên bố chủ quyền trên biển của Bắc Kinh, cho thấy những tuyên bố này không phù hợp với nhiều chuẩn mực quốc tế cũng như luật pháp quốc tế được phản ánh trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Viện cớ thực thi các yêu sách hàng hải rộng lớn phi pháp ở Biển Đông, Trung Quốc đang xâm phạm quyền tự do hàng hải của nhiều quốc gia. Mỹ một lần nữa kêu gọi Trung Quốc tuân thủ UNCLOS 1982, Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về vụ kiện của Philippines ngày 12/7/2016 và chấm dứt hành vi trái pháp luật cũng như hoạt động cưỡng chế trên Biển Đông.

Sau phần thông báo chung, bà Constance Arvis đã trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí.

Mỹ và Australia cương quyết không thay đổi lập trường với Trung Quốc ở Biển ĐôngBà Constance Arvis, Quyền phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ

Theo báo chí Nhật Bản hồi đầu tháng 1 vừa qua, các tàu của Lực lượng phòng vệ Hàng hải Nhật Bản đã tiến gần vùng biển xung quanh các đảo, bãi đá ngầm do Trung Quốc kiểm soát ở Biển Đông từ mùa Xuân năm 2021. Liệu Mỹ có ủng hộ Nhật Bản thực hiện hoạt động tự do hàng hải nhiều hơn nữa và có thể có những hoạt động tự do hàng hải chung giữa hai nước Mỹ-Nhật Bản?

Các hoạt động tự do hàng hải (FONOPs) là một phần trong chuỗi các hoạt động hòa bình, theo thông lệ nhằm thực hiện quyền tự do đi lại của mọi quốc gia, được đảm bảo trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.

FONOPs là cách mà Mỹ sát cánh cùng cộng đồng quốc tế để bảo vệ quyền tự do trên biển và Mỹ sẽ tiếp tục bay, đi lại và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.

Chúng tôi hoan nghênh các đồng minh và đối tác cũng làm như vậy.

Báo cáo mới liệu có thay đổi lập trường chính thức của Mỹ đối với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc theo bất kỳ cách nào hay không?

Câu trả lời của tôi là không.

Trong nhiều năm, chúng tôi đã khẳng định rằng các tuyên bố mà Trung Quốc đưa ra ở Biển Đông là bất hợp pháp và không phù hợp với luật pháp quốc tế. Báo cáo này thực sự chỉ là đánh giá thêm về những lập luận mới mà Trung Quốc đưa ra nhưng chúng tôi tiếp tục không đồng ý. Chúng tôi đang khẳng định lại những gì chúng tôi đã lập luận trước đây.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden có ủng hộ việc tham gia UNCLOS 1982, và nếu có thì sẽ làm gì để thuyết phục Quốc hội Mỹ phê chuẩn việc này?

Giống như các chính quyền trước đây, cả Đảng Cộng hòa và Dân chủ ủng hộ việc tham gia UNCLOS 1982.

Trong nhiều thập kỷ, Mỹ đã khẳng định rằng các điều khoản của Công ước liên quan đến việc sử dụng đại dương truyền thống, phản ánh thông lệ quốc tế có giá trị ràng buộc đối với tất cả các quốc gia, bao gồm cả Mỹ.

Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ mạnh mẽ những lợi ích của Mỹ và chúng tôi tin rằng những lợi ích này sẽ được phục vụ tốt nhất bằng cách tuân thủ rộng rãi luật biển quốc tế, như được phản ánh trong Công ước.

Chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty và cá nhân Trung Quốc liên quan đến các hoạt động phi pháp ở Biển Đông. Tôi cũng đang tự hỏi liệu rằng chính quyền Tổng thống Biden có làm điều tương tự nếu cần thiết hay không.

Và nếu có thể bổ sung những phản ứng của Mỹ theo một cách khác thì tôi muốn nói tới việc chúng tôi đang thực hiện một số hành động để tiếp tục đẩy lùi các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Báo cáo mới của chúng tôi là cơ sở rất quan trọng để đồng minh và các đối tác có thể tham khảo để bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Chúng ta sẽ tiếp tục các hoạt động tự do hàng hải, tiếp tục kêu gọi Trung Quốc thay đổi hành vi của mình và ngừng các hoạt động cưỡng chế, trái với luật pháp quốc tế.

Trong quá trình soạn thảo báo cáo nêu trên, nhóm tác giả có bất kỳ lo ngại hay đề cập nào về các hoạt động của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương hay không?

Các báo cáo của chúng tôi rất ngắn gọn về các khu vực mà chúng tôi đề cập. Vì vậy, báo cáo của chúng tôi, ở thời điểm này, chỉ tập trung vào khu vực Biển Đông.

Về các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ sẽ nỗ lực đảo ngược hiện trạng này như thế nào?

Tôi muốn nhấn mạnh một điều mà chắc chắn các bạn đã nghe rồi nhưng tôi vẫn muốn nhắc lại vì nó đáng để nhắc lại - chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, được phản ánh trong UNCLOS 1982. Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tuân thủ Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế năm 2016 về Biển Đông và kêu gọi Trung Quốc chấm dứt các hoạt động trái pháp luật, cưỡng chế ở Biển Đông, trong đó có việc xây các đảo nhân tạo.

Phải cương quyết đẩy lùi chiến thuật nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông

Mỹ và Australia cương quyết không thay đổi lập trường với Trung Quốc ở Biển ĐôngĐội tàu của Trung Quốc dàn hàng ở Biển Đông

Trong bài viết trên trang tin của Viện Quan hệ Quốc tế Australia (AIIA) ngày 8/2, ông Cameron Smith cho rằng, Trung Quốc ngày càng sử dụng nhiều hoạt động “vùng xám” ở Biển Đông nhằm làm suy yếu quản trị quốc tế và cấu trúc liên minh của Mỹ trong khu vực. Điều cần thiết là các nhà hoạch định chính sách của Mỹ và khu vực phải đối đầu với sự quyết đoán của Trung Quốc.

Các cuộc xâm nhập khu vực Đá Ba Đầu hồi đầu năm 2021 cho thấy Bắc Kinh gia tăng chiến thuật “vùng xám”.

Hoạt động của lực lượng dân quân biển Trung Quốc, được Lầu Năm Góc gọi là dân quân biển thuộc Các lực lương vũ trang nhân dân Trung Quốc (PAFMM), dường như đang gia tăng và cho thấy một Trung Quốc quyết đoán hơn trong lĩnh vực hàng hải.

Theo chuyên gia Smith, điều này đặt ra một thách thức nghiêm trọng đối với lợi ích của Australia và Mỹ, cũng như chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia trong khu vực quanh Biển Đông.

Trung Quốc sử dụng PAFMM để khẳng định các tuyên bố chủ quyền phi pháp của nước này thông qua chiến thuật “vùng xám”, một dạng xung đột tìm cách duy trì hạn chế leo thang hoặc các ngưỡng ranh giới đỏ cơ bản để tránh xung đột theo cách thông thường.

Nhà nghiên cứu tại AIIA gợi ý, có một cách mà Mỹ và các đối tác trong khu vực có thể đẩy lùi các hoạt động “vùng xám” của Trung Quốc là thông qua việc xây dựng lực lượng bảo vệ bờ biển quốc gia, được đào tạo để thực thi quản trị hàng hải quốc tế ở Biển Đông.

Lực lượng bảo vệ bờ biển có thể cung cấp khả năng ứng phó đầu tiên và bảo đảm tính hợp pháp trong thực thi pháp luật.

Đồng thời, các quốc gia cũng nên thúc đẩy các hành động đa phương trong việc duy trì quản trị hàng hải ở Biển Đông.

Việc xây dựng khả năng răn đe mạnh mẽ hơn trong khu vực không chỉ đòi hỏi một cách tiếp cận sáng tạo mà còn cần sự hợp tác giữa các quốc gia nhằm đẩy lùi chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc./.

(Q.Đ tổng hợp)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Mỹ và Australia cương quyết không thay đổi lập trường với Trung Quốc ở Biển Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO