Mỹ, Trung Quốc mong muốn gì từ cuộc gặp thượng đỉnh song phương?

15/11/2023 11:29

Một năm sau cuộc hội đàm ở Indonesia, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp trực tiếp lần nữa nhằm ổn định quan hệ song phương, trong bối cảnh địa chính trị thế giới nhiều căng thẳng.

Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến diễn ra vào 15/11, bên lề Tuần lễ cấp cao APEC tại San Francisco, bang California, Mỹ. Cuộc tiếp xúc là đỉnh điểm của nhiều tháng đối thoại cấp thấp hơn vào mùa hè, trong đó Washington đã cử nhiều quan chức đến Trung Quốc và Bắc Kinh cũng gửi phái viên đến Mỹ.

joe biden tap can binh.jpg
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc tiếp xúc bên lề hội nghị G20 ở Bali, Indonesia tháng 11/2022. Ảnh: Reuters

Theo cây bút bình luận Amy Hawkins của báo The Guardian, việc nhà lãnh đạo Trung Quốc thăm Mỹ lần đầu tiên sau 6 năm thể hiện thiện chí của Bắc Kinh. Trong lịch trình hoạt động đã công bố, ông Tập dự kiến sẽ đến dự và phát biểu tại tiệc tối do Ủy ban quốc gia về quan hệ Mỹ - Trung và Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Trung tổ chức.

Bài phát biểu tại sự kiện này được tin là sẽ nhấn mạnh mối quan tâm của Chủ tịch Trung Quốc đối với việc thu hút đầu tư nước ngoài, sau 3 năm Bắc Kinh triển khai chính sách “Không Covid-19” nghiêm ngặt phòng chống đại dịch và khi tốc độ phát triển của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang có dấu hiệu chững lại. Động thái diễn ra khi Mỹ đã giáng nhiều đòn trừng phạt vào các công ty Trung Quốc.

Các biện pháp hạn chế sâu rộng của Washington đối với việc xuất khẩu công nghệ tiên tiến sang Trung Quốc sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 16/11, một ngày sau cuộc gặp giữa 2 nguyên thủ. Những quy định thắt chặt kiểm soát này được đưa ra hồi năm ngoái, nhằm cắt đứt khả năng tiếp cận của Trung Quốc với các chất bán dẫn tinh vi nhất, vốn cần thiết để phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) tân tiến.

“Về vấn đề chuỗi cung ứng, nếu Mỹ tiếp tục hạn chế vi xử lý cao cấp của Trung Quốc, điều đó chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực đến sự phát triển ngành công nghiệp điện tử của Trung Quốc”, Shen Dingli, một học giả về quan hệ quốc tế ở Thượng Hải nhận định.

Bắc Kinh đã cực lực phản đối việc Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump và chính quyền ông Biden áp thuế đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trị giá khoảng 370 tỷ USD. Bắc Kinh cáo buộc hàng rào thuế quan và trừng phạt của Mỹ nhằm mục đích kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, đồng thời yêu cầu Washington dỡ bỏ các biện pháp đó.

Lần này, ông Tập có thể sẽ tìm kiếm sự đảm bảo từ ông Biden rằng Mỹ sẽ không dồn thêm gánh nặng nào vào Trung Quốc hay bắt đầu một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Tại cuộc gặp lãnh đạo Nhà Trắng ở Bali, Indonesia tháng 11/2022, người đứng đầu Bắc Kinh đã nhấn mạnh đến việc hai bên cần “tìm ra hướng đi đúng đắn cho quan hệ song phương trong tương lai", “giữ cho cạnh tranh và bất đồng không biến thành xung đột”.

Theo giới quan sát, về phần mình, ông Biden dự kiến sẽ bảo vệ việc Mỹ mở rộng kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn. Ông đồng thời sẽ trấn an ông Tập rằng, Washington không cố gắng tiến hành cuộc chiến kinh tế với Bắc Kinh.

“Mỹ không mong muốn tách khỏi Trung Quốc. Sự tách biệt hoàn toàn giữa các nền kinh tế của chúng ta sẽ là thảm họa kinh tế cho cả hai nước và thế giới. Chúng tôi tìm kiếm một mối quan hệ kinh tế lành mạnh với Trung Quốc để mang lại lợi ích cho cả hai nước theo thời gian”, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nói với Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong khi họ gặp nhau tuần trước.

Chính quyền Biden cũng bày tỏ mong muốn khôi phục liên lạc giữa quân đội của 2 nước để ngăn chặn “những tình huống bất ngờ”. Hoạt động này đã bị đình chỉ năm ngoái, sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc đó - Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan (Trung Quốc) bất chấp cảnh báo của Bắc Kinh.

Dư luận đang kỳ vọng về sự cải thiện quan hệ song phương sau khi căng thẳng giữa hai nước có dấu hiệu leo thang vì vụ quân đội Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu Trung Quốc trên bầu trời Nam Carolina hồi tháng 2 năm nay.

Trong tháng này, Mỹ và Trung Quốc đã đàm phán về kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Bộ Ngoại giao Mỹ mô tả các cuộc thương lượng này là “thẳng thắn” và “mang tính xây dựng”.

Theo Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc, các đặc phái viên về khí hậu của Mỹ và nước này gần đây cũng tổ chức đàm phán tại California, dẫn đến “kết quả tích cực”. Thông tin chi tiết về thỏa thuận khí hậu mới giữa hai nước dự kiến được công bố tại hội nghị APEC lần này.

Cùng với 26 nước khác, Mỹ và Trung Quốc đầu tháng 11 đã ký kết “Tuyên bố Bletchley” nhằm thúc đẩy các nỗ lực phối hợp toàn cầu để đảm bảo an toàn trong lĩnh vực AI. Hai bên còn để ngỏ khả năng thảo luận về các vấn đề quan tâm chung như phòng chống ma túy, cứu hộ, cứu nạn…

Ngoài ra, trong bối cảnh địa chính trị thế giới đầy bất ổn, Tổng thống Mỹ nhiều khả năng sẽ cố gắng “xóa bỏ hiểu lầm, thu hẹp bất đồng” với Trung Quốc về các vấn đề “nóng” hiện nay như xung đột Nga – Ukraine, giao tranh Israel – Hamas ở Dải Gaza...

“Mục đích của cuộc gặp thượng đỉnh này là để chứng tỏ, họ biết thế giới muốn sự ổn định và họ sẽ ngồi cạnh nhau, rồi đưa ra một số tuyên bố tích cực”, Oriana Skylar Mastro, một chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc bình luận tại một cuộc hội thảo ở Đại học Stanford (Mỹ) tuần trước.

Theo trang Nikkei, hầu hết các nhà phân tích nhất trí rằng, sự ổn định trong quan hệ với Mỹ sẽ giúp ích cho kinh tế Trung Quốc, vốn vẫn phụ thuộc nhiều vào hoạt động thương mại với thế giới bên ngoài. Trong khi, việc cải thiện quan hệ với Trung Quốc sẽ giúp ông Biden giành thêm lợi thế khi bước vào năm bầu cử 2024.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Mỹ, Trung Quốc mong muốn gì từ cuộc gặp thượng đỉnh song phương?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO