Mỹ tiến hành FONOP tại Biển Đông: Ba thông điệp lớn

Đỗ Hoàng| 14/07/2021 08:30

Baoquocte.vn. Ngày 12/7, Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ tuyên bố tàu khu trục USS Benfold đã thực hiện hoạt động tự do hàng hải (FONOP) trong cùng ngày tại quần đảo Hoàng Sa, Biển Đông. Xét về tuyên bố đi kèm, thời điểm và công cụ thực hiện, FONOP Biển Đông lần này của Mỹ có một số nét đáng chú ý.

Những nét đáng chú ý đằng sau FONOP mới nhất của Mỹ tại Hoàng Sa
Tàu USS Benfold thực hiện FONOP tại Biển Đông. (Nguồn: Hải quân Mỹ)

Tuyên bố của Hạm đội 7

Tuyên bố của Mỹ nêu rõ 2 mục tiêu của FONOP lần này.

Thứ nhất, Mỹ cho rằng, các bên yêu sách đang giới hạn quyền “qua lại vô hại” khi yêu cầu tàu nước ngoài phải được cho phép hoặc thông báo trước khi đi qua vùng lãnh hải của Hoàng Sa.

Thứ hai, FONOP của Mỹ thách thức việc Trung Quốc vẽ đường cơ sở thẳng bao quanh Hoàng Sa. Đoạn dài nhất trong tuyên bố của Hạm đội 7 giải thích quan điểm này của Washington, khẳng định hành động của Bắc Kinh là vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Đáng chú ý, phần cuối của Tuyên bố (chiếm gần 1/3 độ dài) khẳng định các phát ngôn từ phía Trung Quốc về FONOP của tàu USS Benfold là sai sự thật.

Mỹ cũng nhấn mạnh động thái này đã tuân thủ luật quốc tế và những gì Trung Quốc nói sẽ không ngăn cản hiện diện trên biển và trên không của cường quốc số 1 thế giới tại những khu vực luật quốc tế cho phép.

Không dừng lại ở đó, Mỹ khẳng định các phát ngôn của Trung Quốc là động thái mới nhất trong một “chuỗi hành động” nhằm “xuyên tạc” hoạt động hàng hải hợp pháp của Mỹ và củng cố những yêu sách “thái quá” làm tổn hại cho các nước láng giềng Đông Nam Á tại Biển Đông.

Ba nét đáng chú ý

Việc triển khai và thông báo FONOP lần này của Mỹ có 3 điểm đáng chú ý.

Thứ nhất, Mỹ đã chủ động hơn trong định hướng dư luận về hoạt động FONOP.

Từ năm 2017, khi Mỹ bắt đầu tăng tần suất các FONOP tại Biển Đông, Trung Quốc cũng bắt đầu đăng tải các thông tin rằng Trung Quốc phải “đuổi” hoặc “trục xuất” tàu Mỹ.

Năm 2020, Trung Quốc lần đầu tiên đưa thông tin này cùng ngày FONOP của Mỹ được thực thi. Trong những trường hợp này, Mỹ ít có các động thái công khai đáp trả.

Đến năm 2020, Bộ Quốc phòng Mỹ đã có những phản biện, nhưng thông tin thường đưa ra sau khi Trung Quốc đã phát ngôn một thời gian.

Cụ thể, với FONOP ngày 28/4/2020 tại Hoàng Sa, Bộ Quốc phòng Trung Quốc trong cùng ngày đã tuyên bố “đuổi” tàu USS Barry của Mỹ.

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 1/5/2020 mới phủ nhận phát ngôn trên và khẳng định lực lượng của Trung Quốc không làm ảnh hưởng đến hoạt động của mình.

Tương tự, ngày 22/12/2020, Trung Quốc tuyên bố trục xuất tàu USS John McCain của Mỹ khi tàu này thực thi FONOP tại Trường Sa cùng ngày. Hải quân Mỹ sau một ngày mới phản bác thông tin từ phía Trung Quốc.

Với 2 hoạt động FONOP gần nhất vào ngày 20/5 và 12/7, Chiến khu Nam bộ của quân đội Trung Quốc cũng ra thông báo “đuổi” tàu chiến Mỹ ra khỏi “vùng biển của Trung Quốc”.

Tuy nhiên, khác với những lần trước, Hạm đội 7 đã nhanh chóng ra tuyên bố để bác bỏ mọi thông tin phía Trung Quốc, trong đó, tuyên bố ngày 12/7 được ra gần như cùng một lúc với tuyên bố từ phía Trung Quốc.

Mỹ cũng không nói rõ phát ngôn của Trung Quốc cụ thể là gì để tránh lặp lại thông tin sai lệch. Điều này cho thấy Mỹ đã nhanh nhạy hơn trước trong công tác thông tin - tuyên truyền, tránh để dư luận bị “nhiễu” hay hiểu lầm do thông tin phía Trung Quốc đưa ra.

Động thái này cũng phù hợp với hai xu hướng Mỹ đang theo đuổi.

Một là, Mỹ chú trọng hơn vào các thách thức từ “chiến tranh thông tin” và “chiến tranh dư luận” của Trung Quốc.

Báo cáo về Sức mạnh Quân sự của Bộ Quốc phòng Mỹ trong những năm gần đây, cụ thể là 2018, 2019 và 2020, đã bắt đầu nhắc đến các khái niệm này.

Hai là, Mỹ có xu hướng công khai các FONOP.

Trước thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ thường “âm thầm” tiến hành FONOP tại nhiều vùng biển trên thế giới.

Đến khi thời chính quyền của Tổng thống Obama, khi bắt đầu triển khai FONOP tại Biển Đông, Mỹ cũng tỏ ra kín tiếng khi Nhà Trắng từng chỉ thị Bộ Quốc phòng không công khai FONOP năm 2015, hoặc chỉ đăng thông báo ngắn gọn nhằm ngầm truyền thông điệp: FONOP chỉ là hoạt động thông thường của Mỹ và không nhắm vào một quốc gia cụ thể.

Trái lại, chính quyền của Tổng thống Joe Biden cho đến thời điểm này đều đưa ra tuyên bố rõ ràng với mỗi FONOP, trong đó nhấn mạnh những yêu sách của Trung Quốc mà Mỹ muốn thách thức.

Thứ hai, thời điểm tiến hành FONOP lần này trùng vào ngày kỷ niệm 5 năm Phán quyết Biển Đông năm 2016 của Tòa Trọng tài PCA.

Một ngày trước khi triển khai FONOP, Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã ra tuyên bố kỷ niệm 5 năm Phán quyết, khẳng định kết luận của Phán quyết là ràng buộc, yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông là không có cơ sở pháp lý và Biển Đông là nơi gặp thách thức về trật tự an ninh biển lớn nhất thế giới.

Không chỉ là công cụ trên thực địa, FONOP lần này có thể coi như hành động đi kèm với tuyên bố của Ngoại trưởng để thể hiện ủng hộ và cam kết thực thi Phán quyết của Mỹ, bất chấp việc Trung Quốc luôn bác bỏ giá trị của văn bản.

Đây cũng là tinh thần của Tuyên bố Biển Đông hồi tháng 7/2020 của chính quyền Donald Trump tiền nhiệm mà chính quyền của Tổng thống Biden hiện vẫn đang theo đuổi.

Ngoài ra, đây cũng là FONOP thứ tư của chính quyền Tổng thống Biden tại Biển Đông.

Nếu so sánh, số lượng FONOP trong năm 2021 đến thời điểm này đã bằng tổng số lượng FONOP của chính quyền Donald Trump tiền nhiệm trong năm đầu tiên (4 cuộc) và xấp xỉ số lượng FONOP của chính quyền Donald Trump trong khoảng thời gian tương tự năm cuối cùng (5 cuộc).

Việc Mỹ duy trì tần suất FONOP đều đặn cho thấy cam kết của Washington với Biển Đông và luật quốc tế tại khu vực là không biến chuyển, dù bộ máy chính trị Mỹ có trải qua nhiều thay đổi.

Thứ ba, đây là FONOP đầu tiên của Mỹ dùng tàu USS Benfold.

USS Benfold là tàu khu trục đã từng 9 lần đoạt giải Battle E - giải thưởng về hiệu quả trong chiến trận của quân đội Mỹ, cùng nhiều giải thưởng danh giá khác.

Điều này có thể cho thấy, về khả năng tác chiến, tàu USS Benfold được đánh giá cao hơn tàu USS Russell từng chỉ 1 lần đoạt giải Battle E.

Tàu USS Russell vốn thi hành FONOP Biển Đông ngày 5/2 vừa qua và rời Hạm đội 7 vào tháng 5 vừa rồi.

Bên cạnh đó, 4 FONOP đến nay của chính quyền Tổng thống Biden được tiến hành bởi 4 tàu khác nhau.

Mặc dù việc Mỹ thay đổi tàu thực hiện FONOP Biển Đông không có gì mới vì các tàu Mỹ thường luân phiên giữa các Hạm đội, sự thay đổi này cũng khẳng định rằng, Hạm đội 7 vẫn duy trì được tính linh hoạt trên thực địa.

Đây là điều cần ghi nhớ trong bối cảnh có nhiều ý kiến cho rằng, Hạm đội 7 sẽ giảm tính linh hoạt trên đáng kể khi Mỹ rút tàu sân bay duy nhất (USS Ronald Reagan) để đến Afghanistan hỗ trợ việc rút quân.

Như vậy, với FONOP Biển Đông lần này, Mỹ có thể truyền tải thông điệp: vừa khẳng định cam kết với luật quốc tế và Phán quyết 2016 nhân dịp kỉ niệm 5 năm Phán quyết, vừa cho thấy thái độ chủ động trong công tác thông tin - tuyên truyền và vừa biểu hiện sức mạnh của Mỹ trên thực địa.

Do đó, có thể coi FONOP hiện nay là công cụ đa chức năng để Mỹ triển khai chính sách trong vấn đề Biển Đông thay vì công cụ pháp lý hay quân sự đơn thuần.

Theo baoquocte.vn
https://baoquocte.vn/my-tien-hanh-fonop-tai-bien-dong-ba-thong-diep-lon-151279.html
Copy Link
https://baoquocte.vn/my-tien-hanh-fonop-tai-bien-dong-ba-thong-diep-lon-151279.html
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Mỹ tiến hành FONOP tại Biển Đông: Ba thông điệp lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO