Mỹ thúc giục Nhật Bản, Hà Lan 'mạnh tay' hơn nữa với bán dẫn Trung Quốc

20/06/2024 07:20

Mỹ đang tìm kiếm một thoả thuận với các đồng minh nhằm bổ sung 11 công ty bán dẫn Trung Quốc vào danh sách cấm vận, cũng như mở rộng danh mục thiết bị hạn chế xuất khẩu.

Nguồn tin của Yahoo News cho biết một quan chức Mỹ sẽ tới Nhật Bản sau cuộc gặp với Chính phủ Hà Lan để thúc đẩy các lệnh cấm vận mạnh mẽ hơn nữa đối với lĩnh vực bán dẫn tiên tiến của Trung Quốc.

Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói nước này phản đối việc Mỹ tham gia đối đầu và “ép buộc các nước khác đàn áp ngành công nghiệp bán dẫn”.

“Hành vi này cản trở nghiêm trọng sự phát triển của ngành bán dẫn toàn cầu và cuối cùng sẽ gây phản tác dụng”, trích tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh.

us_china_chips.jpg
Mỹ kêu gọi đồng minh siết chặt xuất khẩu bán dẫn hơn nữa với Trung Quốc. Ảnh: tbsnews

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Hà Lan xác nhận họ đã có cuộc họp với phía Mỹ vào đầu tuần này. Bộ Công nghiệp Nhật Bản cũng cho hay, những thảo luận với đồng minh đã diễn ra, song từ chối bình luận về các hoạt động ngoại giao.

Mỹ lần đầu tiên áp đặt hạn chế xuất khẩu vào năm 2022 đối với các lô hàng chip tiên tiến và thiết bị sản xuất bán dẫn của Nvidia và Lam Research sang thị trường Trung Quốc.

Đến tháng 7/2023, để đáp ứng chính sách từ phía Washington, Tokyo áp đặt lệnh hạn chế xuất khẩu 23 loại thiết bị, máy móc bán dẫn từ các nhà sản xuất như Nikon và Tokyo Electron.

Tiếp đến, Chính phủ Hà Lan bắt đầu quản lý ASML - công ty sản xuất độc quyền máy khắc tia cực tím sâu (DUV). Washington cũng tuyên bố quyền tài phán đối với các hệ thống của công ty Hà Lan do có chứa bộ phận, thành phần và công nghệ nguồn gốc từ Mỹ. ASML là nhà sản xuất thiết bị chip lớn nhất thế giới tính theo doanh thu và vốn hóa thị trường.

Các nguồn tin cho hay, Mỹ đang thúc giục các đồng minh bổ sung thêm 11 nhà máy sản xuất chip của Trung Quốc vào danh sách hạn chế. Danh sách hiện tại có 5 nhà máy, gồm SMIC - nhà sản xuất chip lớn nhất đại lục. Ngoài ra, Mỹ cũng có thể hướng đến kiểm soát các thiết bị đúc chip bổ sung.

Hồi tháng 4, các quan chức Mỹ thúc đẩy Hà Lan ngăn chặn ASML bảo trì một số thiết bị đúc chip ở Trung Quốc. Theo quy định của Washington, các công ty Mỹ bị cấm bảo trì thiết bị của các nhà máy tiên tiến tại đại lục. Tuy nhiên, hợp đồng dịch vụ của ASML vẫn còn hiệu lực, trong khi chính phủ Hà Lan chỉ có thể điều chỉnh những nội dung này trong phạm vi lãnh thổ của họ.

Về phía ASML, công ty nói rằng họ vẫn có thể bảo trì hầu hết các thiết bị trị giá hàng tỷ euro đã bán cho Trung Quốc mà không cần tới các phụ tùng thay thế có nguồn gốc từ Mỹ.

Năm ngoái, "gã khổng lồ" viễn thông Trung Quốc Huawei bất ngờ ra mắt chiếc smartphone chạy trên con chip tiên tiến, bất chấp các lệnh cấm vận nghiêm ngặt của Washington.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Mỹ thúc giục Nhật Bản, Hà Lan 'mạnh tay' hơn nữa với bán dẫn Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO