Trọng tâm của cuộc đua mới là công nghệ lượng tử, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh kinh tế trung và dài hạn. Mỹ là nước tiên phong nhiều công nghệ khác nhau song khi nói tới lượng tử, Trung Quốc lại dẫn đầu. Hợp tác với các đồng minh như Nhật Bản sẽ là chìa khóa để chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden duy trì sức cạnh tranh của mình trong lĩnh vực này.
Hướng dẫn an ninh quốc gia tạm thời của chính quyền Biden đưa ra hôm 3/3 nêu “Mỹ phải tái đầu tư để duy trì lợi thế khoa học, công nghệ và một lần nữa dẫn đầu, làm việc bên cạnh các đối tác để thiết lập quy định và thực hành mới”. Hướng dẫn chỉ ra điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ có tác động sâu rộng đến nền kinh tế, quân sự và tuyển dụng cũng như nỗ lực cải thiện bình đẳng.
Hôm 5/3, Trung Quốc thông báo tăng chi phí đầu tư R&D trung bình thêm 7% mỗi năm trong kế hoạch 5 năm, bắt đầu từ 2021, trong đó AI, bán dẫn và công nghệ lượng tử là các lĩnh vực quan trọng.
Điện toán lượng tử sẽ cách mạng hóa phát triển vật liệu công nghiệp và dược phẩm cũng như AI. Công nghệ cũng có khả năng phá vỡ mã hóa Internet. Phát triển công nghệ lượng tử có thể dẫn tới năng lực phá vỡ thông tin liên lạc Internet của các nước khác.
Theo phân tích các bằng sáng chế liên quan tới công nghệ lượng tử của Valuenex, IBM đang đứng đầu với 140 bằng sáng chế phần cứng máy tính lượng tử. Microsoft xếp thứ ba với 81 bằng sáng chế, Google đứng thứ tư với 65. Mỹ cũng đi trước các nước khác về công nghệ phần mềm.
Song xét tới liên lạc lượng tử và mật mã, Trung Quốc lại đứng thứ nhất. Nói về những bằng sáng chế liên quan tới phần cứng trong lĩnh vực này, chẳng hạn thiết bị trao đổi photon, Huawei đứng thứ hai với 100 bằng sáng chế, Đại học Bưu chính Viễn thông Bắc Kinh đứng thứ tư với 84 bằng sáng chế. Các công ty Trung Quốc cũng nắm giữ nhiều bằng sáng chế phần mềm.
Tính theo quốc gia, Trung Quốc có hơn 3.000 bằng sáng chế công nghệ lượng tử, gấp đôi Mỹ.
Dường như Trung Quốc bắt đầu tập trung vào liên lạc lượng tử và mật mã từ vụ Edward Snowden năm 2013. Năm 2016, Trung Quốc phóng thành công Micius, vệ tinh khoa học lượng tử thí nghiệm đầu tiên trên thế giới. Năm 2018, Trung tâm An ninh Mỹ mới công bố báo cáo viết: “Trung Quốc rõ ràng khao khát dẫn đầu cuộc cách mạng lượng tử”.
Theo Masahide Sasaki, một thành viên của Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông quốc gia Nhật Bản, những nhà nghiên cứu Trung Quốc trẻ tuổi theo học tại phương tây đã quay về và đóng góp cho tiến trình công nghệ lượng tử bùng nổ của quê nhà.
Mỹ đang tìm cách bắt kịp Trung Quốc thông qua tăng ngân sách đầu tư. Chính phủ Mỹ cũng đặt mục tiêu phát triển “Internet lượng tử”, thế hệ Internet mới cho phép truyền thông siêu bảo mật.
Trong khi đó, tháng 1/2021, Trung Quốc thông báo đã xây dựng mạng lưới liên lạc lượng tử có phạm vi 4.600km, kết nối vệ tinh với các địa điểm trên mặt đất.
Nhật Bản nắm trong tay nhiều công nghệ liên lạc và mã hóa hơn Mỹ. Toshiba, NEC và NTT nắm giữ gần 10% bằng sáng chế phần cứng. Tokyo muốn hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực này. Một quan chức chính phủ chia sẻ với Nikkei rằng muốn mau chóng làm việc với chính quyền Biden.
Cái bắt tay Mỹ - Nhật có thể là chìa khóa xác định kết quả cuộc đấu tranh ngôi vị bá chủ công nghệ toàn cầu.