Mỹ phát triển nhiều vũ khí siêu thanh mới

17/07/2021 10:16

Phát triển các dự án vũ khí siêu thanh là một trong những ưu tiên chính và là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Lầu Năm Góc trong giai đoạn sắp tới, trước những bước phát triển mới trong lĩnh vực này từ các đối thủ cạnh tranh.

Tuần trước, Phi đội thử nghiệm 780, có trụ sở tại Căn cứ Không quân Eglin (bang Florida), đã tiến hành thử nghiệm đầu đạn phân mảnh có sức nổ cao của tên lửa siêu thanh AGM-183A.

Các cuộc thử nghiệm không được thực hiện trong hành trình bay, mà diễn ra trên mặt đất. Đầu đạn được kích nổ để kiểm tra xung lực và tầm bắn của các mảnh vỡ. Theo Không quân Mỹ, mục tiêu chính của vụ thử là thu thập các dữ liệu về độ phân mảnh của đầu đạn, nhằm nghiên cứu các đặc điểm chính xác về tác động sau vụ nổ.

Mặc dù đây là vụ thử đầu đạn nổ được thực hiện lần đầu tiên, song gần đây các thử nghiệm vũ khí siêu thanh khác thường xuyên diễn ra ở Mỹ. Tuy nhiên, chúng thường kết thúc với kết quả không khả quan.

Tập trung 3 lĩnh vực trọng tâm

Nỗ lực phát triển vũ khí siêu thanh của Mỹ gần đây có thể được đánh giá tổng quan thông qua bài phát biểu năm 2020 của giám đốc phát triển siêu thanh (thuộc đơn vị nghiên cứu và phát triển của Lầu Năm Góc) Michael White, tại một sự kiện của Viện Nghiên cứu sáng tạo về lĩnh vực quốc phòng và dân sự.

Theo ông Michael White, phát triển tiềm năng vũ khí siêu thanh là một trong những ưu tiên chính và là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Lầu Năm Góc, trong bối cảnh có những bước phát triển mới nhất trong lĩnh vực này từ các đối thủ cạnh tranh của Mỹ.

Mô phỏng Vũ khí phản ứng nhanh AGM-183A phóng từ máy bay ném bom B-52. Ảnh: Lockheed Martin.

Ông White cũng lưu ý rằng, bắt đầu từ chu kỳ ngân sách của năm tài chính 2022, Bộ Quốc phòng Mỹ có kế hoạch chuyển giao các nguyên mẫu vũ khí siêu thanh cho quân đội, với mục đích sớm chuyển đổi sang giai đoạn mua sắm hàng loạt và triển khai các hệ thống này.

Trong đó, dự thảo ngân sách cho năm 2022 quy định, kinh phí được phân bổ cho vũ khí siêu thanh sẽ chủ yếu được tập trung cho 3 lĩnh vực: Phát triển và chế tạo ra thế hệ tên lửa đánh chặn mới, hệ thống tấn công và triển khai các trạm theo dõi không gian.

Về vấn đề đánh chặn tên lửa siêu thanh, Giám đốc Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ  John Hill nhấn mạnh, đây là một bài toán rất khó. Bởi vì, sau khi phóng, đạn bay với tốc độ siêu âm trực tiếp đến mục tiêu, tăng tốc đến các giá trị chưa từng có và đánh trúng đối tượng đã chọn.

Không một tên lửa đánh chặn nào của Mỹ có thể làm được điều gì chính xác trong tình huống như vậy, vì tốc độ cực lớn của vũ khí siêu thanh. Tuy nhiên, ông Hill cho biết, các nhà thiết kế đã có hướng giải pháp, nhưng vẫn cần được thử nghiệm để xác định mức độ thành công.

Theo đó, các chuyên gia nhận thấy rằng, trong quá trình bay đạn tới mục tiêu, có một thời điểm lý tưởng để đánh chặn. Đó là khoảnh khắc khi tên lửa siêu thanh thay đổi quỹ đạo để di chuyển tới mục tiêu.

Để thực hiện điều này, dự kiến hai vệ tinh sẽ được phóng lên không gian, để theo dõi hoạt động phóng các loại vũ khí siêu thanh từ quỹ đạo. Điều này là cần thiết để tính toán đường bay chính xác của tên lửa siêu thanh. Từ đó, Mỹ sẽ có một hệ thống theo dõi giám sát đường bay của tên lửa, và sẽ cung cấp ngay lập tức thông tin về quỹ đạo chuyển động của tên lửa khi nó chuyển hướng.

Ngoài ra, một tên lửa chống tên lửa sẽ được tạo ra, nhằm mục đích đánh chặn vũ khí siêu thanh vào đúng thời điểm dự định. Để khởi động hệ thống, Mỹ dự định sử dụng hệ thống Aegis trên biển, vốn đang được hiện đại hóa. Hệ thống này sẽ được lắp đặt một trạm radar mới nhất, có khả năng theo dõi các mối đe dọa siêu âm.

Theo giám đốc Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ, các cuộc thử nghiệm của hệ thống Aegis sau khi hiện đại hóa cho thấy, tên lửa đánh chặn vũ khí siêu thanh có thể xuất hiện sớm hơn nhiều so với dự kiến năm 2030. Mặc dù trước đó, Lầu Năm Góc lưu ý về khả năng sẽ không thể hoàn thành được trong thời hạn 10 năm tới.

Lầu Năm Góc sau đó đã nêu chi tiết hơn về triển vọng tạo ra tên lửa siêu thanh tấn công. Một trong số vũ khí đó sẽ là tên lửa AGM-183A, thuộc dự án Vũ khí phản ứng nhanh phóng trên không (Air-Launched Rapid Response Weapon-ARRW), sẽ được trang bị cho Không quân Mỹ. Tên lửa hành trình siêu thanh này sẽ được phóng từ máy bay. Tầm bắn của tên lửa sẽ đạt mức 1.600 km.

Theo các nhà phát triển, đầu đạn tên lửa có khả năng đạt tốc độ 20 Mach. Hơn nữa, đầu đạn có thể thuộc nhiều loại, bao gồm cả hạt nhân. Phương tiện chuyên chở được chọn là máy bay ném bom B-52H, có thể mang 4 tên lửa trên một giá treo bên ngoài (2 tên lửa trên mỗi trụ). Ngoài ra, các máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer, B-2 Spirit, cũng như B-21 Raider cũng có thể được sử dụng. Theo kế hoạch, mức độ sẵn sàng chiến đấu ban đầu của hệ thống vũ khí này có thể đạt được vào mùa thu năm 2022.

Nhiều dự án vũ khí siêu thanh mới

Hiện nay, Lực lượng Mặt đất Hoa Kỳ đang thực hiện chương trình Vũ khí siêu thanh tầm xa, viết tắt là LRHW (Long-Range Hypersonic Weapon). Đó là một loại tên lửa đạn đạo tầm trung, phóng chất rắn với đầu đạn dẫn đường siêu thanh C-HGB. Theo các đặc tính được công bố, tốc độ đầu đạn vượt quá 5 Mach. Phạm vi tấn công ước tính của LRHW sẽ là 2.250 km.

Tên lửa sẽ được đặt trong 2 thùng chứa, di chuyển bằng máy kéo 8 bánh Oshkosh M983A4. Bệ phóng sơ-mi rơ-moóc M870 là dòng cải tiến cho hệ thống tên lửa phòng không Patriot. Để kiểm soát hỏa lực, hệ thống sẽ sử dụng Tổ hợp Dữ liệu Chiến thuật Pháo binh Tiên tiến AFATDS phiên bản 7.0. Theo đó, LRHW sẽ bao gồm 4 bệ phóng thùng kép và một xe điều khiển hỏa lực.

Chương trình Vũ khí siêu thanh tầm xa LRHW của quân đội Mỹ. Ảnh: Lockheed Martin.

Các chuyến bay thử nghiệm được lên kế hoạch cho tài khóa năm 2021–2023. Đợt bắn đạn thật diễn ra trong năm tài khóa 2023 và hoàn thành chương trình vào quý 4 năm tài khóa 2024.

Trong khi đó, Hải quân Mỹ đang phát triển chương trình “Conventional Prompt Strike”, nhằm mục đích tạo ra một tên lửa có chứa đầu đạn siêu thanh lướt (C-HGB) và một phương tiện phóng 2 tầng. Tên lửa dự kiến sẽ được triển khai trên tàu ngầm lớp Virginia vào năm tài khóa 2028.

Ngoài ra, Cơ quan chỉ đạo các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến của Lầu Năm Góc (DARPA) cũng đang điều hành một số chương trình vũ khí siêu thanh. Đặc biệt, cùng với Không quân Mỹ, cơ quan này đang thực hiện dự án Tactical Boost Glide (TBG) - một thiết bị bay siêu thanh với tốc độ 7 Mach.

Nó được thiết kế cho một hệ thống siêu âm trong không gian. Theo đó, phương án tích hợp TBG với hệ thống phóng thẳng đứng của Hải quân Mỹ và với hệ thống tên lửa đất đối không của Lục quân Mỹ cũng đang được xem xét.

Ngoài ra còn có một chương trình - Khái niệm vũ khí siêu âm không gian (Hypersonic Airbreathing Weapon Concept -HAWC). Dự án được thiết kế nhằm tạo ra một tên lửa có kích thước nhỏ hơn các hệ thống siêu thanh, với đầu đạn lượn. Theo đó, nó sẽ dễ dàng tích hợp hơn và có thể hoạt động từ nhiều nền tảng hơn.

Đối với hướng phát triển không gian thứ ba trong lĩnh vực chế tạo vũ khí siêu thanh, Lầu Năm Góc có kế hoạch thực hiện 2 chương trình vệ tinh: Dự án Đánh giá khả năng hủy diệt từ không gian (SKA) và Dự án Cảm biến theo dõi tên lửa đạn đạo và siêu thanh không gian (HBTSS) .

Dự án SKA sử dụng cảm biến hồng ngoại trên các vệ tinh thương mại để xác định khả năng thành công của tên lửa đánh chặn trong việc tiêu diệt tên lửa đạn đạo đang bay hay không. Quân đội Mỹ hy vọng sẽ hoàn thành việc tích hợp SKA với hệ thống phòng thủ tên lửa vào năm 2022.

Hệ thống vệ tinh HBTSS là một thành phần mới của Nhóm phòng thủ Quỹ đạo Trái Đất tầng thấp (P-LEO) của Bộ Quốc phòng Mỹ, vốn đang được xây dựng với sự hợp tác của Cơ quan phát triển không gian và Lực lượng không gian Hoa Kỳ, nhằm đánh bại các vũ khí siêu thanh.

Theo khái niệm mới của Lầu Năm Góc, vệ tinh theo dõi SDA, nằm gần bề mặt Trái Đất, sẽ phát hiện các vụ phóng tên lửa siêu thanh và theo dõi đường bay của chúng, cho đến khi hệ thống HBTSS “bắt” được kẻ thù bằng thiết bị cảm biến và đưa ra quyết định tiêu diệt bằng tên lửa đánh chặn.

Theo các chuyên gia, tình hình thực tế về vũ khí siêu thanh của Hoa Kỳ rất khác so với các kế hoạch đã phát triển. Điều này cũng được chỉ ra trong một báo cáo do Văn phòng ngân sách quốc hội Hoa Kỳ công bố vào tháng 3 vừa qua. Báo cáo thừa nhận rằng, Hoa Kỳ chưa có đủ công nghệ tiên tiến để tạo ra vũ khí siêu thanh. Về các chương trình triển khai, chúng có thể được thực hiện với độ trễ lớn so với kế hoạch đề ra.

MINH TUẤN (Theo Redstar.ru)

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Mỹ phát triển nhiều vũ khí siêu thanh mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO