"Bộ tư lệnh phương Bắc (NORTHCOM) đề xuất kết thúc chiến dịch tìm kiếm ở bang Alaska và hồ Huron, do các lực lượng không phát hiện được mảnh vỡ nào từ những vật thể bị bắn rơi ngày 10 và 12/2", Lầu Năm Góc ngày 17/2 ra thông cáo cho biết.
NORTHCOM nói rằng trong chiến dịch tìm kiếm xác hai vật thể bay bị bắn rơi, họ đã sử dụng hàng loạt khí tài như cảm biến trên không và trên mặt nước, cũng như máy rà quét ngầm, nhưng không đem lại kết quả. Lệnh phong tỏa vùng trời và vùng nước ở hai khu vực cũng được dỡ bỏ.
Quân đội Mỹ ngày 10-12/2 liên tiếp bắn hạ ba vật thể bay không xác định ở bang Alaska, hồ Huron và không phận Canada.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby tuần trước nói rằng nước này chưa xác định được ba vật thể lạ bị bắn rơi là gì, cũng như nguồn gốc và cách thức hoạt động của chúng. Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 16/2 nhận định ba vật thể bay bị bắn hạ có thể là khí cầu liên quan tới các công ty tư nhân, hội nhóm giải trí hoặc nghiên cứu.
Hội Khí cầu Bottlecap ở Bắc Illinois (NIBBB) thông báo họ bị mất dấu khí cầu Pico mang theo máy truyền phát tín hiệu cỡ nhỏ trị giá khoảng 12 USD vào ngày tiêm kích F-22 Mỹ hạ một vật thể bay chưa xác định trên vùng lãnh thổ Yukon của Canada, giáp với bang Alaska. Hiện chưa rõ mối liên quan giữa khí cầu của NIBBB với vật thể bay bị bắn hạ.
Giới chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng có nhiều lý do khiến quân đội không thể tìm thấy mảnh vỡ của vật thể.
"Quan chức Lầu Năm Góc và các phi công tiêm kích mô tả các vật thể này có kích thước chỉ bằng một chiếc ôtô cỡ nhỏ. Những vật thể như vậy rất khó tìm, ngay cả khi chúng rơi trong trạng thái nguyên vẹn. Mọi chuyện còn khó hơn nhiều nếu nó bị tên lửa đối không AIM-9X phá hủy", chuyên gia quân sự Tyler Rogoway cho biết trên chuyên trang War Zone.
Tên lửa đối không tầm ngắn AIM-9X được trang bị đầu nổ văng mảnh dạng vành khăn nặng 9,4 kg, có khả năng tạo ra hàng trăm mảnh titan với nhiệt lượng cao để phá hủy hoặc xé rách mục tiêu. Ngay cả khi không kích nổ, quả đạn dài 3 m, nặng hơn 85 kg và tốc độ bay gần 3.000 km/h cũng có động năng rất lớn, đủ sức phá hủy hoàn toàn những mục tiêu nhỏ như các vật thể ở Alaska và Canada.
Các vật thể này bị bắn hạ ở độ cao 6.100-12.000 m, khiến mảnh vỡ có thể phân tán trên diện tích rất rộng ở các khu vực hẻo lánh. Nếu rơi xuống đất, mảnh vụn có thể mắc trên cành cây trong những khu rừng rậm hoặc bị địa hình che khuất. Với mục tiêu rơi xuống hồ Huron, nó có nguy cơ chìm hoặc bị nước cuốn, cũng như lẫn với những loại rác đã xuất hiện từ trước.
Theo VNEXPRESS