Mỹ-Hàn tập trận, tia hy vọng đối thoại liên Triều 'vụt tắt'

Thu Hiền| 12/08/2021 20:09

Baoquocte.vn. Trước những tín hiệu tập trận Mỹ-Hàn Quốc, Triều Tiên đã bắt đầu phát đi những thông điệp phản đối, coi Seoul là 'kẻ phản bội' và khẳng định hành động của Washington là 'thù địch'.

Mỹ-Hàn tập trận, tia hy vọng đối thoại liên Triều 'vụt tắt'
Mỹ-Hàn đã thống nhất các kế hoạch tập trận trong tháng 8. (Nguồn: The Defence Post)

Hành động không được hoan nghênh

Giới chức Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đã không trả lời các cuộc điện thoại từ Seoul sau khi em gái Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố Seoul phải trả giá khi tổ chức các cuộc tập trận quân sự với Washington.

Thông thường hai miền Triều Tiên sẽ liên lạc với nhau qua đường dây nóng 2 lần một ngày, tuy nhiên, Bộ Thống nhất và Quốc phòng Hàn Quốc cho biết Bình Nhưỡng đã không bắt máy từ ngày 10/8.

Theo truyền thông địa phương, Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu cuộc tập trận sơ bộ cũng từ ngày 10/8, tiếp đó, các cuộc tập trận mô phỏng trên máy tính chính thức diễn ra từ ngày 16-26/8.

Ngày 9/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, ông chưa đưa ra bất kỳ phản hồi cụ thể nào về các tuyên bố của Triều Tiên, song nhấn mạnh các cuộc tập trận mang tính chất "hoàn toàn phòng thủ", nhấn mạnh Mỹ "không có ý định thù địch" với Triều Tiên nhưng vẫn cam kết đảm bảo an ninh của Hàn Quốc.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Martin Meiners cho biết "các hoạt động đào tạo kết hợp" là một quyết định song phương với Seoul và “mọi quyết định đều được đưa ra với sự đồng thuận”.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc từ chối bình luận về các cuộc tập trận sơ bộ và cho biết hai nước vẫn thảo luận về thời gian, quy mô và phương pháp tiến hành cuộc diễn tập. Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, không suy đoán về ý định của Triều Tiên nhưng sẽ chuẩn bị cho tất cả các khả năng.

Bà Kim Yo-jong, em gái của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un, trước đó nói rằng Triều Tiên sẽ tăng cường khả năng tấn công phủ đầu. Trong một tuyên bố được truyền thông Triều Tiên đăng tải, bà nhấn mạnh các cuộc tập trận mới của Mỹ với Hàn Quốc là “biểu hiện sinh động nhất về chính sách thù địch của Mỹ” đối với Triều Tiên, đồng thời là “một hành động gây hại không được hoan nghênh và phải trả một cái giá đắt”.

Bà Kim Yo-jong cáo buộc Hàn Quốc “phản bội” vì tiếp tục các cuộc tập trận ngay sau khi Triều Tiên đồng ý khôi phục đường dây nóng vào cuối tháng 7, đồng thời chỉ trích các hành động quân sự của Mỹ càng phơi bày những gì Washington nói về ngoại giao chỉ là "vỏ bọc". Bà nhấn mạnh, hòa bình chỉ có thể đến khi Mỹ giải tán lực lượng đồn trú ở Seoul.

Đôi bên thăm dò

Chính phủ của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho rằng thỏa thuận ngày 27/7 để khôi phục các hoạt động liên lạc xuyên biên giới, vốn bị cắt đứt trong hơn một năm, như bước ngoặt trong đối thoại với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.

Tuy nhiên, việc Triều Tiên không trả lời cuộc gọi đường dây nóng trong 2 ngày liên tiếp và phớt lờ các cuộc gọi thường xuyên được lên lịch qua đường dây liên lạc quân sự cho thấy những lạc quan có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

Sự thay đổi của Triều Tiên dường như là nhằm khích lệ mong muốn cải thiện mối quan hệ của Tổng thống Moon Jae-in trước khi ông rời nhiệm sở vào năm tới, để ông ủng hộ việc nới lỏng các lệnh trừng phạt và khoét sâu rạn nứt giữa hai đồng minh Mỹ-Hàn.

Hơn 70 nhà lập pháp từ lực lượng tiến bộ của Tổng thống Moon Jae-in đã đưa ra một tuyên bố chung hồi tuần trước kêu gọi Seoul hoãn các cuộc tập trận để giữ cho quan hệ liên Triều đi đúng hướng.

Giáo sư Yang Moo-jin, làm việc tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên tại Seoul cho rằng Bình Nhưỡng có thể đang thăm dò để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán trong tương lai với Hàn Quốc và Mỹ.

Ông nói: “Dù bà Kim Yo-jong đề cập tới những ‘hành vi phản bội’, song giọng điệu của bà ấy khá kiềm chế, không đe dọa cụ thể, điều không hề giống với trước đây”.

Bà Rachel Minyong Lee, thành viên trang mạng North 38 (chuyên về Triều Tiên) cho rằng, nếu Mỹ-Hàn tiếp tục có những động thái tập trận rầm rộ, Bình Nhưỡng có thể gia tăng áp lực thông qua các động thái như phóng tên lửa tầm ngắn, đóng cửa văn phòng quản lý quan hệ với Seoul và thậm chí bắn tên lửa tầm xa hơn.

Triều Tiên từng tiến hành 2 vụ thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn hồi tháng 3/2021, lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức, song khá hạn chế các kiểu khiêu khích mà họ sử dụng khi cựu Tổng thống Barack Obama và Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ, bao gồm các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa tầm xa.

Theo ông Daniel Pinkston, giảng viên Quan hệ quốc tế tại Đại học Troy ở Seoul và là cựu phiên dịch viên tiếng Hàn Quốc cho Lực lượng Không quân Mỹ, các cuộc tập trận chủ yếu nhằm mục đích giúp quân đội Seoul chuẩn bị cho các tình huống bất ngờ và đảm bảo an ninh tại khu vực.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Mỹ-Hàn tập trận, tia hy vọng đối thoại liên Triều 'vụt tắt'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO