Mỹ gửi bom chùm đến Ukraine, Nga phản ứng ra sao?

16/07/2023 09:43

Nga đã có những phản ứng mạnh trước việc Mỹ gửi loại vũ khí gây tranh cãi như bom chùm tới Ukraine.

Bom chùm là gì? Mỹ đã gửi loại bom chùm nào cho Ukraine?

Theo The Independent, "bom chùm" là loại bom/đạn không đối đất hoặc đất đối đất, bao gồm nhiều quả bom bi cỡ nhỏ được chứa trong bom mẹ. Về cơ bản, bom chùm giống như một thùng chứa, được dùng để phát tán một lượng lớn thiết bị nổ ra một khu vực rộng lớn. So với các loại bom thông thường, bom chùm có diện tích phả hủy lớn hơn khoảng 5 lần.

Ngoài sức sát thương lớn, nguyên nhân chính khiến bom chùm bị cấm tại nhiều quốc gia là do những hậu quả lâu dài mà vũ khí này gây ra. Những quả bom nhỏ hơn bị rải xuống có thể không phát nổ ngay lập tức, mà sẽ nằm yên trong lòng đất một thời gian dài. Điều này tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn với dân thường, ngay cả khi cuộc xung đột đã kết thúc.

Vào năm 2008, 123 quốc gia đã ký Công ước Oslo về chống bom chùm. Nhiều quốc gia như Đức, Tây Ban Nha và Canada đã phản đối việc Mỹ gửi loại vũ khí này tới Ukraine.

Bom chùm DPICM M864 của Mỹ. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Theo Reuters, Mỹ sẽ gửi tới Ukraine loại bom chùm DPICM 155mm. Tùy theo phiên bản, một quả bom DPICM sẽ chứa 88 hoặc 72 quả bom nhỏ bên trong. Đây là loại bom đất đối đất, có khả năng xuyên giáp và đặc biệt hiệu quả khi đối đầu với bộ binh.

Một số quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ, loại bom được gửi tới Ukraine sẽ có "tỷ lệ lép thấp" - tức khả năng các quả bom nhỏ không phát nổ sẽ giảm đi, nhằm giảm thiểu những nguy cơ ngoài ý muốn. Hiện Mỹ chưa tiết lộ cụ thể về số lượng bom chùm được gửi tới Ukraine.

Phản ứng của Nga

Ngay khi Mỹ xác nhận gửi bom chùm cho Ukraine, Nga đã nhanh chóng đưa ra những động thái đáp trả. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu khẳng định, "Moscow sẽ sử dụng loại vũ khí tương tự trong chiến dịch quân sự đặc biệt".

"Nga cũng có một lượng lớn bom chùm sẵn sàng hoạt động. Chúng hiệu quả hơn nhiều so với loại bom của Mỹ", ông Shoigu cho biết.

Binh lính Ukraine kiểm tra một quả bom chùm. Ảnh: NYT

Giống với ông Shoigu, Bộ Ngoại giao Nga và Điện Kremlin cũng nói rằng Moscow sẽ sử dụng các loại vũ khí tương đương với bom chùm để ứng phó với động thái của Ukraine.

Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cảnh báo, việc Mỹ gửi bom chùm cho Ukraine đã vượt qua các hành vi khiêu khích thông thường, đẩy nhân loại tới gần hơn với một cuộc thế chiến.

Bom chùm có đem lại khác biệt cho Ukraine?

Tờ The New York Times dẫn lời các chuyên gia quân sự cho rằng, bom chùm sẽ không tạo ra "lợi ích tức thì" cho cuộc phản công của Kiev, mà chỉ giúp cho quân đội Ukraine kéo dài thời gian tác chiến trong tình trạng thiếu thốn đạn dược.

"Sức ảnh hưởng của bom chùm là rất khiêm tốn. Tác động thực sự sẽ được cảm nhận vào cuối năm khi Ukraine có nhiều đạn dược hơn", ông Jack Watling, chuyên gia của Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh nói.

Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Colin Kahl cũng nhấn mạnh, "bom chùm không phải là viên đạn bạc" để giải quyết mọi vấn đề trên tiền tuyến. Tuy vậy, loại vũ khí này sẽ cho phép Ukraine duy trì cuộc chiến pháo binh trong tương lai gần.

Bom chùm nguy hiểm thế nào?Theo báo chí nước ngoài, các lực lượng quân sự của cả Nga và Ukraine đều đã sử dụng bom, đạn chùm.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Mỹ gửi bom chùm đến Ukraine, Nga phản ứng ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO