Mỹ - Đức bắt tay sản xuất máy bay F-35

21/02/2023 09:57

Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Rheinmetall của Đức vừa ký thỏa thuận với tập đoàn sản xuất vũ khí Lockheed Martin và Northrop Grumman của Mỹ để trở thành “nhà cung cấp chiến lược” các bộ phận thân giữa máy bay chiến đấu F-35.

Với thỏa thuận này, một dây chuyền lắp ráp tích hợp cho các bộ phận phần trung tâm thân máy bay F-35 sẽ sớm được thiết lập ở Đức.

Jens Lehmann, thành viên Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Liên bang Đức nhận định việc Rheinmetall có thể tham gia vào quá trình sản xuất F-35 đồng nghĩa các bộ phận của hạm đội toàn cầu này sẽ được đóng dấu made in Germany. Đây là minh chứng rõ ràng về năng lực ngành công nghiệp quốc phòng Đức. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner hoan nghênh thỏa thuận hợp tác sản xuất nêu trên, coi đây là dấu hiệu tốt cho quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz xuất hiện gần chiếc F-35 trưng bày tại Triển lãm hàng không vũ trụ quốc tế (ILA) 2022. Ảnh: Defense News

F-35 là một trong những máy bay chiến đấu hiện đại nhất thế giới, với hình dáng và công nghệ tàng hình rất khó bị radar phát hiện. Khả năng hoạt động đa nhiệm khiến F-35 trở thành mẫu máy bay phổ biến đối với nhiều đồng minh và đối tác của Mỹ ở châu Âu. F-35 có thể tấn công trên không cũng như tấn công mặt đất, có khả năng thực hiện nhiệm vụ tình báo, giám sát và trinh sát giúp tăng hiệu quả của các đơn vị không quân, hải quân và mặt đất bằng cách cung cấp dữ liệu chiến trường có giá trị trong thời gian thực.

Tháng 12-2022, Đức đã quyết định ký thỏa thuận mua 35 máy bay F-35 để thay thế phi đội Tornado như một phần của chương trình hiện đại hóa quân đội sau thời điểm bước ngoặt liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine. Trước đó, các nước: Anh, Italy, Hà Lan, Na Uy và Ba Lan đều đã đặt hàng máy bay này.

Theo Global Business Press, trên toàn thế giới có 890 chiếc F-35 hoạt động, với hơn 1.870 phi công và 13.500 kỹ thuật viên được đào tạo về loại máy bay này. F-35 có mặt tại 27 căn cứ trên toàn thế giới, với 9 quốc gia vận hành F-35 trên lãnh thổ của họ và 17 quốc gia đã đặt mua máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, chủ yếu là các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Các nhà phân tích cho rằng thành công của F-35 ở thị trường châu Âu có được là nhờ khả năng tương tác cao của chiến đấu cơ tấn công hỗn hợp này với các đồng minh và đối tác, đặc biệt là trong NATO, cộng với lộ trình nâng cấp được bảo đảm. Nhưng họ cũng lưu ý rằng, hơn bất cứ điều gì, chiến đấu cơ tiên tiến này đã tới châu Âu đúng thời điểm, khi nhiều quốc gia đang muốn làm mới đội bay của họ vào cuối thập kỷ này.

Đối với Đức, F-35 rất quan trọng trong trường hợp thực hiện chương trình "chia sẻ hạt nhân" của NATO. Vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ được triển khai trên lãnh thổ Đức (cùng Bỉ, Hà Lan, Italy và Thổ Nhĩ Kỳ), sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Washington vẫn không rút chúng về nước.

Là một phần của thỏa thuận, các quốc gia thuộc NATO có nghĩa vụ duy trì những phi đội máy bay có khả năng vận chuyển vũ khí hạt nhân của Mỹ trong trường hợp xảy ra khủng hoảng hoặc chiến tranh. Cho đến nay, những máy bay Tornado của Đức đang thực hiện nhiệm vụ này, nhưng các máy bay cũ sẽ được thay thế trong những năm tới.

Theo trang 19FortyFive, việc lựa chọn F-35 để nâng cấp phi đội máy bay chiến đấu sẽ cho phép Berlin tiếp tục tham gia cơ chế "chia sẻ hạt nhân", hay nói cách khác là chương trình răn đe của NATO. Bên cạnh đó, sở hữu F-35 còn giúp tăng cường khả năng phối hợp tốt hơn giữa Đức với các lực lượng của Mỹ và đồng minh trong những chiến dịch tuần tra, diễn tập chung trong tương lai. Theo kế hoạch, quân đội Đức sẽ nhận 8 chiếc F-35A Lightning II đầu tiên vào năm 2026.

F-35 được kỳ vọng sẽ trở thành xương sống của không quân NATO trong nhiều thập kỷ tới. Tuy nhiên, theo Air & Space Forces Magazine, vấn đề đối với F-35 là giá thành sản xuất cao. Việc loại các công ty Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35 đã gây ra những vấn đề nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng, dẫn đến lo ngại về nguồn cung và tăng chi phí.

Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, đơn đặt hàng ngày một nhiều, số lượng giao hàng hằng năm có chiều hướng giảm. Ông Mike Shoemaker, Phó chủ tịch phụ trách chăm sóc khách hàng F-35 của Lockheed Martin cho rằng, việc sản xuất các bộ phận thân giữa máy bay F-35 ở Đức sẽ rất quan trọng để đáp ứng nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng đối với loại máy bay này.

NGỌC HÂN

Theo www.qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/my-duc-bat-tay-san-xuat-may-bay-f-35-719563
Copy Link
https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/my-duc-bat-tay-san-xuat-may-bay-f-35-719563
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Mỹ - Đức bắt tay sản xuất máy bay F-35
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO