Đặc phái viên của Mỹ về Iran Rob Malley. (Nguồn: AFP) |
Phát biểu tại một phiên điều trần trước Quốc hội, ông Rob Malley nói: “Chúng tôi hy vọng sẽ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA)".
Tuy nhiên, "nếu chúng tôi không đạt được thỏa thuận, các vị sẽ chứng kiến việc tiếp tục thực thi và siết chặt các lệnh trừng phạt, cũng như hành động tăng cường với các đồng minh và đối tác về vấn đề này”.
Bên cạnh đó, ông Malley đưa ra nhận định tiêu cực về khả năng đạt được một thỏa thuận: “Tính đến ngày hôm nay, tỷ lệ đàm phán thành công thấp hơn tỷ lệ thất bại và đó là do Iran đòi hỏi quá mức mà chúng tôi sẽ không khuất phục”.
Trước đó, hôm 19/5, Ngoại trưởng Iran Amir Abdollahian cho rằng, việc đạt được một thỏa thuận hạt nhân trong các cuộc đàm phán ở Vienna (Áo) là hoàn toàn khả thi, tùy thuộc vào hành động của Mỹ.
Năm 2015, Iran ký JCPOA với các cường quốc gồm Nga, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp và Đức. Tuy nhiên, tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump rút Washington ra khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran. Tehran đã đáp trả bằng việc từ bỏ một số cam kết trong thỏa thuận.
Trong một diễn biến khác liên quan, cùng ngày, Mỹ đã áp đặt các lệnh cấm vận đối với một mạng lưới buôn lậu dầu mỏ và rửa tiền quốc tế dưới sự lãnh đạo của các quan chức của lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC-QF).
Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc mạng lưới này đã hỗ trợ hoạt động bán dầu mỏ của Iran trị giá hàng trăm triệu USD cho IRGC-QF và phong trào Hezbollah tại Lebanon.
Thông báo của bộ này cho hay, mạng lưới trên là một phần thiết yếu của hoạt động bán dầu mỏ của Iran.