Mỹ ‘đau đầu’ với tình trạng thiếu hụt kỹ sư bán dẫn

17/12/2022 15:52

Mỹ đang đối mặt bài toán thiếu hụt lao động bán dẫn tay nghề cao trong bối cảnh cuộc chạy đua công nghệ đang ngày càng gay gắt

Vấn đề lao động là vấn đề lớn đe doạ tới khả năng chiến thắng trong cuộc chiến công nghệ với Trung Quốc. Các đại gia sản xuất chip hàng đầu như TSMC, Samsung hay Intel đều đang cố gắng mở rộng sản xuất, nâng cao khả năng linh hoạt của chuỗi cung ứng. Thế nhưng, tăng trưởng sẽ không thể xảy ra nếu không có đủ kỹ sư để thiết kế, chế tạo, kiểm tra vi xử lý, cũng như các vai trò cần thiết khác.

Gần đây, một nhóm du khách bất thường đã được nhìn thấy tại phòng thí nghiệm của Đại học Purdue, gồm20 giám đốc điều hành của những công ty bán dẫn lớn nhất thế giới. Các nhà lãnh đạo công nghệ của lĩnh vực đang nóng nhất hiện nay đã có mặt tại thị trấn nhỏ ven sông Wabash này để cùng tìm lời giải cho bài toán lớn nhất đối với họ nói riêng, và cả nền kinh tế nước Mỹ nói chung: sự thiếu hụt kỹ sư đến mức tuyệt vọng.

“Vỡ trận” nhu cầu lao động bán dẫn tay nghề cao

Theo một số ước tính, nước Mỹ cần ít nhất 50.000 kỹ sư bán dẫn mới trong vòng 5 năm tới để lấp đầy các công ty mới và phòng nghiên cứu mà các công ty đã dốc tiền xây dựng theo Đạo luật Vi xử lý và Khoa học được Quốc hội nước này thông qua.

Chẳng hạn, Intel đang xây dựng các nhà máy tại Arizona, Ohio và Đức. Gã khổng lồ bán dẫn dự kiến cần khoảng 3.000 kỹ sư tại mỗi địa điểm, ít nhất là trong giai đoạn đầu của các dự án. Điều này đồng nghĩa công ty của Mỹ phải tìm được ít nhất 9.000 kỹ sư vào thời điểm các công trình hoàn tất trong vài năm tới.

Mỹ cần ít nhất 50.000 kỹ sư bán dẫn trong vòng 5 năm tới

TSMC sẽ tuyển thêm 1.600 vị trí mới cho nhà máy đúc chip tiên tiến cũng đang được xây dựng tại Arizona. Ở Texas, Samsung dự kiến khánh thành xưởng sản xuất mới vào năm 2024, với nhu cầu hơn 2.000 kỹ sư. Ngoài ra, còn nhiều tên tuổi khác của làng đúc vi xử lý cũng đang xây dựng cơ sở mới tại Mỹ và các nơi trên thế giới.

Trong khi đó, con số 50.000 kỹ sư vượt xa khỏi số lượng thực tế tốt nghiệp hiện tại trên toàn quốc. Chưa kể, trong số các sinh viên ra trường, còn được phân bổ thực hiện các ưu tiên khác của Nhà Trắng, chẳng hạn như lĩnh vực sản xuất ô tô điện và nghiên cứu công nghệ để giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào nguyên liệu hoá thạch.

“Đây thờng xuyên là một trong những ưu tiên, nếu không muốn nói là hàng đầu, dài hạn của các công ty bán dẫn”, Mung Chiang, Chủ tịch và cựu trưởng khoa kỹ thuật của Đại học Purdue, cho biết. Khi bắt tay vào việc mở rộng sản xuất, các công ty quan tâm đến vấn đề kinh tế, làm thế nào để xây dựng nhà máy, nhu cầu khách hàng hay sự cạnh tranh. Nhưng rồi, về trung và dài hạn, câu hỏi làm sao có được hệ thống nhân tài dồi dào sẽ xuất hiện.

Tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng đã đánh động đến cả những quan chức cấp cao chính quyền liên bang. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo, người giám sát chương trình trợ cấp chip, các quan chức Bộ Quốc phòng đang liên tục tìm tới những cơ sở đào tạo như Purdue để tìm cách tháo gỡ bài toán lao động.

“Chúng tôi nhận thấy nhu cầu đáng kể trong việc mở rộng quy trình đào tạo đáp ứng các mục tiêu của chính quyền về vi xử lý, sản xuất xe điện và các khoản đầu tư sản xuất công nghệ cao khác”, trích thông báo của Bộ Thương mại. Do đó, “các chương trình đào tạo từ trung học cho tới tiến sỹ, sẽ mang lại lợi ích cho người lao động và tăng cường khả năng cạnh tranh toàn cầu của Mỹ”.

Phối hợp khu vực công - tư có là lời giải?

Tình trạng thiếu kỹ sư từ lâu đã ảnh hưởng đến ngành công nghiệp Mỹ, khi các đại gia như Google, Apple và những công ty khác luôn phàn nàn về quy định hạn chế nhập cư khiến họ khó tìm kiếm tài năng. Các công ty này đã dành nhiều năm thúc đẩy mở rộng chương trình thị thực H1B cho lao động nước ngoài tay nghề cao, nhưng kết quả đến nay không đáng kể.

Trong khi đó, ngành công nghiệp bán dẫn đang đối mặt với những trở ngại bắt nguồn từ việc sản xuất vi xử lý rời rạc kéo dài đã nhiều thập kỷ. Khi việc sản xuất chuyển dịch sang châu Á, rất ít sinh viên Mỹ theo học các chuyên ngành kỹ thuật bán dẫn. Đồng thời, sự trỗi dậy của mạng xã hội và các công ty phần mềm đã thu hút các sinh viên, nơi thường có mức lương khởi điểm cao hơn so với kỹ sư phần cứng.

Bên cạnh đó, tỷ lệ kỹ sư tại Mỹ thất nghiệp tương đối thấp so với các ngành nghề khác, càng tạo ra sự cạnh tranh gay gắt trong tuyển dụng lao động. Mark Lundstrom, Trưởng khoa kỹ thuật Purdue cho biết có thể bắt gặp quảng cáo tìm kiếm kỹ sư ở khắp mọi nơi. “Tuyển sinh kỹ sư và khoa học máy tính của trường cũng tăng lên, nhưng nhu cầu với chuyên ngành này vẫn rất lớn”.

Để giải quyết thách thức này, các sáng kiến về giáo dục đã được đưa ra cả ở trong khối công và tư tại Mỹ. Bên cạnh khoản tiền 200 triệu USD cung cấp cho đào tạo lực lượng lao động được phân bổ theo Đạo luật Vi xử lý và Khoa học, các tập đoàn, doanh nghiệp trong ngành cũng đang rốt ráo đầu tư cho giáo dục.

Intel đã thành lập quỹ 100 triệu USD thúc đẩy cải thiện đào tạo và nghiên cứu kỹ thuật bán dẫn, xây dựng Chương trình Nghiên cứu và Giáo dục với trọng tâm là “trải nghiệm thực tế” về đổi mới bán dẫn. “Chúng tôi cần những tài năng tốt nhất hiện có. Đó là lý do Intel đang đầu tư vào các chương trình giáo dục và nghiên cứu tại Ohio cũng như toàn nước Mỹ”, Keyvan Esfarjani, Giám đốc hoạt động toàn cầu công ty cho biết.

IBM, Samsung Austin Semiconductor, Học viện bán dẫn Mỹ, cũng như các cơ sở đào tạo Đại học khác như Stanford, đồng loạt công bố các khoản đầu tư cho chương trình giáo dục ngay từ cấp trung học để giúp học sinh nâng cao kỹ năng, tích luỹ kinh nghiệm và khám phá cơ hội việc làm trong lĩnh vực bán dẫn.

Nước Mỹ đang đứng trước bài toán và mục tiêu rõ ràng nhằm phát triển và đa dạng hoá nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, lĩnh vực có thể là then chốt trong cuộc chiến công nghệ đang diễn ra hiện nay.

Thế Vinh

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Mỹ ‘đau đầu’ với tình trạng thiếu hụt kỹ sư bán dẫn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO