Trẻ em cần được vui chơi và hưởng điều kiện chăm sóc tốt nhất (Ảnh: CDC Mỹ)
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ cho biết những tiến triển trong nghiên cứu phát hiện sớm bệnh tự kỷ tại nước này đã bị "xóa sạch" do gián đoạn liên quan dịch COVID-19.
Rối loạn phổ tự kỷ là một khuyết tật phát triển do sự suy giảm trong tương tác xã hội và việc lặp đi lặp lại những hành vi có thể làm giảm tương tác xã hội, giao tiếp và tham gia vào các hoạt động hằng ngày của trẻ.
Việc phát hiện và can thiệp sớm rất quan trọng trong quá trình điều trị trẻ tự kỷ, do 3 năm đầu đời được xem là "giai đoạn vàng" trong quá trình chữa trị căn bệnh này.
Trong một thông báo, Giám đốc Trung tâm Quốc gia về dị tật bẩm sinh và phát triển khuyết tật tại CDC Mỹ, Tiến sỹ Karen Remley nhấn mạnh các gián đoạn trong việc kết nối giữa dịch vụ y tế và các trẻ tự kỷ có thể dẫn đến hệ lụy lâu dài.
Hai nội dung nghiên cứu phát hiện sớm bệnh tự kỷ đã được đăng tải trong báo cáo hằng tuần về tỷ lệ tử vong và bệnh tật của CDC Mỹ.
Nội dung báo cáo được xây dựng dựa trên một đánh giá dữ liệu lâm sàng và giáo dục trong 11 cộng đồng đa sắc tộc và chênh lệch xã hội khác nhau tại Mỹ.
Trong một báo cáo, các nhà nghiên cứu đã so sánh tỷ lệ nhận biết bệnh tự kỷ đối với trẻ 4 tuổi năm 2020 với tỷ lệ nhận biết ở trẻ 8 tuổi năm 2016. Trong 3 tháng đầu năm 2020, các trẻ 4 tuổi trong nghiên cứu đã tiếp nhận nhiều đánh giá và dịch vụ y tế liên quan bệnh tự kỷ.
Tuy nhiên, khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Mỹ vào tháng 3/2020, các dịch vụ nhận biết sớm bệnh tự kỷ bị gián đoạn nghiêm trọng.
Tác giả nghiên cứu Kelly Shaw cho biết dường như các tiến triển trong nghiên cứu đã bị "xóa sổ" hoàn toàn do ảnh hưởng của đại dịch.
Nhà khoa học này đã hy vọng nghiên cứu sẽ giúp các cộng đồng nâng cao nhận thức về những ảnh hưởng của bệnh tự kỷ, và nỗ lực hơn để phát hiện và hỗ trợ dịch vụ đối với các trẻ mắc bệnh.
Trong báo cáo còn lại tập trung vào tỷ lệ tự kỷ trẻ em 8 tuổi, lần đầu tiên các nhà nghiên cứu ghi nhận tỷ lệ mắc chứng tự kỷ ở trẻ em châu Á, gốc Phi và gốc Tây Ban Nha cao hơn so với các trẻ em da trắng.
Nhìn chung, tỷ lệ trẻ 8 tuổi mắc chứng tự kỷ ở Mỹ tăng từ 2,3% trong năm 2018 lên 2,8% trong năm 2020. Những tỷ lệ tăng này phần lớn phản ánh sự phát triển trong khả năng phát hiện sớm bệnh tự kỷ ở trẻ em.
Theo chuyên gia tham gia nghiên cứu Matthew Maenner, kết quả cho thấy nỗ lực trong quá trình phát hiện sớm trẻ tự kỷ đã vượt qua mọi ranh giới về sắc tộc. Trước đây, số lượng trẻ tự kỷ là người da trắng luôn cao hơn trẻ thuộc sắc tộc khác.
Ông Maenner cho biết nghiên cứu cũng ghi nhận khác biệt đáng kể trong việc phát hiện sớm chứng tự kỷ ở các trẻ sinh sống ở những khu dân cư thu nhập thấp so với khu vực thu nhập cao. Trước đây, các trẻ đến từ khu dân cư giàu có được chẩn đoán sớm bệnh tự kỷ hơn, nhưng điều này giờ đã thay đổi./.