Một phút trước nửa đêm ngày 31/8, Mỹ hoàn tất quá trình rút quân khỏi Afghanistan. (Nguồn: Getty Images) |
Sau nhiều ngày im ắng kể từ khi Taliban nắm quyền kiểm soát Kabul, cuối tuần qua, Đặc phái viên của Mỹ tại Afghanistan Zalmay Khalilzad đăng loạt tweet ca ngợi cam kết của Taliban về bảo đảm cho người dân Afghanistan rời đất nước, ngay cả khi quân đội Mỹ đã rút quân: “Đây là tuyên bố tích cực. Chúng tôi, cùng đồng minh và cộng đồng quốc tế sẽ chứng kiến những cam kết này của họ.”
Bình luận của ông Khalilzad cho thấy hợp tác kỳ lạ, mong manh và không kém phần căng thẳng giữa Taliban và Mỹ, đồng thời phản ánh sách lược của Washington trong tận dụng “sự công nhận của cộng đồng quốc tế” để gây ảnh hưởng tới lực lượng này.
Hợp tác bất đắc dĩ
Trong vài tuần sau khi chính quyền ông Ashraf Ghani sụp đổ, Mỹ và đồng minh, dù từng đánh giá thấp Taliban, giờ đã phải hợp tác với lực lượng này để bảo đảm cho công dân và hàng chục nghìn đồng minh tại Afghanistan tới sân bay ở Kabul an toàn.
Sự hợp tác bất đắc dĩ này được thể hiện rõ nét khi Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns tới Kabul tuần trước và gặp gỡ thủ lĩnh Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar. Mối liên hệ này là đã giúp hơn 114.000 người, theo thống kê của Nhà Trắng, rời Kabul hai tuần sau khi Taliban chiếm đóng thành phố.
Một quan chức Ấn Độ tham gia tổ chức các chuyến bay sơ tán cho biết: “Chúng ta cần chấp nhận thực tế là Taliban nắm quyền ngoài sân bay Kabul, từ đó hợp tác với họ để đưa người rời khỏi đây. Đó là ưu tiên của mọi quốc gia ở thời điểm hiện tại”.
Dù khẳng định Mỹ không tin tưởng hay coi Taliban là bạn, song Thư ký báo chí Jen Psaki cũng nhấn mạnh rằng “hợp tác là cần thiết trong nỗ lực sơ tán hiện nay của chúng ta.”
“Chúng ta cần chấp nhận thực tế là Taliban nắm quyền ngoài sân bay Kabul và hợp tác với họ để đưa người rời khỏi đây. Đó là ưu tiên của mọi quốc gia ở thời điểm hiện tại”. |
Thêm vào đó, dù giới chức Mỹ khẳng định khó thể tiếp tục duy trì hiện diện ngoại giao tại Afghanistan ngay sau khi Lầu Năm Góc rút quân, một số nhà phân tích cho rằng Washington vẫn sẵn sàng hợp tác chống khủng bố với chính quyền của Taliban.
Ông Rudra Chaudhuri, giảng viên cao cấp Khoa Chiến tranh học tại Đại học King’s College ở London (Anh) nhận định: “Mối quan hệ lâu dài của hai bên trong vài tháng hay vài năm tới sẽ được định hình bởi chính sách chống khủng bố, nhằm bảo đảm rằng lãnh thổ Afghanistan sẽ không trở thành bàn đạp để tấn công Mỹ và phương Tây”.
Ít nhất, đến thời điểm hiện tại, quân đội Mỹ và lãnh đạo Taliban đã cho thấy sự hợp tác ăn ý trong quá trình sơ tán. Trả lời phóng viên vài tiếng sau khi vụ tấn công cảm tử tại sân bay khiến 100 người Afghanistan và 13 binh sỹ Mỹ thiệt mạng, Tướng Kenneth McKenzie, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM), thừa nhận Washington đã sử dụng Taliban “nhằm bảo vệ cho chúng ta nhiều nhất có thể”.
Mặt khác, Mỹ cũng chia sẻ thông tin với Taliban và thảo luận về mở rộng bán kính an ninh xung quanh sân bay và đóng cửa một số tuyến đường: “Chúng tôi đã hợp tác từ ngày 14/8 và dường như Taliban đã ngăn chặn được một số đợt tấn công lớn…”
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hoài nghi về khả năng hợp tác với Taliban sau khi Mỹ rút quân. (Nguồn: Reuters) |
Trông chờ biểu hiện
Tuy nhiên, hợp tác song phương sau khi Mỹ rút quân khỏi Kabul là câu chuyện khác.
Không có quốc gia phương Tây nào công nhận chính quyền của Taliban tại Afghanistan giai đoạn 1996-2001 và lực lượng này chưa từng có đại diện tại Liên hợp quốc.
Theo giới chức Mỹ và quốc gia khác, quan hệ tương lai với Afghanistan thời Taliban sẽ phụ thuộc vào chính phủ mới, dự kiến được công bố tuần này. Ngày 30/8, nhóm G7, tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ đã họp thảo luận tình hình Afghanistan.
Một bài kiểm tra quan trọng khác nằm ở cách Taliban thực hiện cam kết cho công dân nước ngoài và người Afghanistan có nguyện vọng rời Kabul khi Mỹ rút quân.
Cuối cùng, các quốc gia sẽ theo dõi xem liệu Taliban có triển khai thỏa thuận tháng 2/2020 với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump về triệt phá khủng bố trên lãnh thổ Afghanistan và bảo đảm thành tựu về quyền cơ bản và tự do cho phụ nữ hay không.
Phát biểu ngày 29/8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhận định: “Chúng tôi chưa hứa hẹn gì với Taliban cả. Quan điểm của Mỹ, cũng như nhiều quốc gia khác về vấn đề này là rõ ràng. Nếu Taliban mong muốn thiết lập quan hệ với phần còn lại của thế giới, lực lượng này cần đáp ứng các kỳ vọng và mong mỏi của cộng đồng quốc tế.”
Tương tự, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nhận định rằng xét ảnh hưởng của Mỹ với “hệ thống tài chính quốc tế, hệ thống dự trữ và tài nguyên”, Taliban rõ ràng có nhiều động lực để hợp tác với Washington. Tuy nhiên, ông không loại trừ khả năng Mỹ triển khai không kích Taliban một khi công dân nước này bị đe dọa.
“Chúng tôi không hứa hẹn gì với Taliban cả. Quan điểm của Mỹ, cũng như nhiều quốc gia khác về vấn đề này là rõ ràng. Nếu Taliban mong muốn thiết lập quan hệ với phần còn lại của thế giới, lực lượng này cần đáp ứng kỳ vọng và mong mỏi của cộng đồng quốc tế”. (Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken) |
Thêm vào đó, vụ đánh bom cảm tử vừa qua tại sân bay Kabul đã đặt ra câu hỏi rằng liệu lãnh đạo Taliban có thực sự mong muốn và có đủ năng lực để ngăn quốc gia này trở thành một trung tâm mới của khủng bố hay không. Năng lực tình báo của Mỹ tại Afghanistan sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng một khi thiếu vắng nhân lực trên mặt đất.
Cuối cùng, ngay cả khi Taliban hợp tác chống khủng bố, Washington cũng sẽ không công nhận ngay chính phủ mới của Afghanistan ở thời điểm hiện tại khi thiếu sự ủng hộ của đồng minh châu Âu, vốn vẫn bất an trước sự trở lại của Taliban tại Kabul.
Ông Rudra Chaudhuri nhận định: “Cộng đồng quốc tế giờ chỉ còn hai lá bài là các gói hỗ trợ phát triển cùng công nhận ngoại giao và họ chắc chắn sẽ không hạ bài sớm”.