Trong thông cáo ngày 17/2, lục quân Mỹ cho biết công ty vũ khí General Dynamics Ordnance & Tactical Systems và American Ordnance sẽ cạnh tranh để giành từng đơn hàng riêng lẻ trong hợp đồng cung cấp đạn pháo 155 mm trị giá 993,7 triệu USD. Mục tiêu của thương vụ là chế tạo thêm 12.000-20.000 viên đạn mỗi tháng.
Trước đó hai ngày, lục quân Mỹ trao 522 triệu USD tiền đặt hàng đạn pháo 155 mm viện trợ Ukraine cho hai công ty vũ khí Northrop Grumman Systems và Global Military Products. Đợt giao hàng dự kiến bắt đầu từ tháng 3, nguồn tiền đến từ quỹ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine của Lầu Năm Góc.
Lục quân Mỹ thông báo chi hơn 1,5 tỷ USD cho hai thương vụ đạn pháo sau khi NATO thừa nhận tốc độ tiêu thụ đạn của Ukraine vượt xa năng lực sản xuất hiện tại của liên minh và vắt kiệt kho dự trữ của nhiều thành viên.
Ukraine và Nga sử dụng lượng lớn đạn pháo từ khi chiến sự bùng phát cuối tháng 2/2022. Một quan chức Mỹ cuối tháng 11/2022 ước tính Nga bắn khoảng 20.000 viên đạn pháo mỗi ngày, còn Ukraine khai hỏa 4.000-7.000 viên, thấp hơn đối phương song vẫn nhiều hơn khả năng sản xuất của các công ty vũ khí phương Tây.
Các nước thành viên NATO viện trợ hàng tỷ USD vũ khí cho Ukraine từ khi chiến sự bắt đầu tháng 2/2022, trong đó Mỹ dẫn dầu với tổng hỗ trợ hơn 29,3 tỷ USD. Giới chuyên gia phương Tây đánh giá chiến sự Nga - Ukraine đã bước vào giai đoạn tiêu hao, khiến các thành viên NATO chật vật để có đủ vũ khí nhằm củng cố năng lực quốc phòng của họ lẫn hỗ trợ Kiev.
Không quốc gia thành viên NATO nào ngoài Mỹ có kho vũ khí lớn cho trận đấu pháo quy mô lớn như chiến sự Nga - Ukraine, cũng như không có năng lực công nghiệp đủ để tạo nguồn dự trữ lớn như vậy. Một số chuyên gia cảnh báo ngay cả khi chiến sự Nga - Ukraine kết thúc sớm, châu Âu cần tới 15 năm để bổ sung kho dự trữ vũ khí với tốc độ hiện tại.
Theo VNEXPRESS