Mỹ "cân não" viện trợ HIMARS cho Ukraine trước lằn ranh đỏ của Nga

Đức Hoàng| 26/07/2022 19:24

Giới quan sát đặt ra câu hỏi, vì sao Mỹ và Ukraine đều cho rằng hệ thống hỏa lực HIMARS hiệu quả trên chiến trường, nhưng Washington vẫn viện trợ tương đối "nhỏ giọt" cho Kiev hệ thống này.

Mỹ cân não viện trợ HIMARS cho Ukraine trước lằn ranh đỏ của Nga - 1

Một tổ hợp HIMARS của Mỹ (Ảnh: Wiki).

Trao đổi với Washington Post, các quân nhân Ukraine đang chiến đấu ở Izyum, đông nam Kharkov nói rằng, nếu Kiev được trang bị thêm các hệ thống vũ khí tinh vi từ phương Tây như HIMARS, nỗ lực đối phó Nga có thể sẽ được rút ngắn.

Theo Bohdan Dmytruk, một tiểu đoàn trưởng trong Lữ đoàn cơ giới số 93 của Ukraine, kể từ khi HIMARS do Mỹ viện trợ bắt đầu tấn công vào các kho đạn của Moscow trong khu vực, nhịp độ pháo kích của Moscow "giảm 10 lần" so với trước đó.

Trong khi đó, theo Washington Post, chính phủ Mỹ vẫn đang chuyển HIMARS cho Ukraine với tốc độ khá "nhỏ giọt" để xem các quân nhân Kiev vận hành ra sao cũng như Moscow đối phó thế nào với các vũ khí. Tuy nhiên, với những binh sĩ Ukraine trên chiến trường, tâm lý nói chung là sốt ruột trước việc Mỹ bàn giao "nhỏ giọt" HIMARS.

Mỹ cuối tuần trước tuyên bố sẽ viện trợ thêm cho Ukraine 4 hệ thống HIMARS, nâng tổng số tổ hợp này lên 16. Anh và Đức mỗi nước đã gửi hoặc hứa gửi 3 hệ thống hỏa lực phóng loạt tầm xa tương tự. Nhưng các quân nhân Ukraine cho rằng, điều họ cần lúc này là tốc độ chuyển HIMARS phải nhanh hơn và hỏa lực trên HIMARS phải có tầm tấn công xa hơn.

Chính phủ Ukraine nhiều lần cho biết họ hàng chục, thậm chí hàng trăm hệ thống HIMARS để tạo bước ngoặt trên chiến trường. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov tuần trước nói rằng, để phản công hiệu quả trên các mặt trận, họ cần ít nhất 10 tổ hợp HIMARS với các hỏa lực có tầm xa hơn.

Trong những tháng qua, quy mô của nỗ lực hỗ trợ cho Ukraine được mô tả là khổng lồ với 50 nước tham gia. Mỹ dẫn đầu nỗ lực này với lượng tiền và vũ khí viện trợ cao nhất. Với Mỹ, việc đối đầu Nga trên một mặt trận quy mô lớn như vậy đặt ra hàng loạt thách thức trong nỗ lực điều phối các lô vũ khí, đảm bảo chúng được phân phối phù hợp với nhu cầu trên thực địa và được đưa tới đúng địa chỉ.

Trung tâm "đầu não" của nỗ lực điều phối này được đặt ở Bộ Tư lệnh Châu Âu của Mỹ ở Stuttgart, Đức. Danh sách việc cần làm rất dài và phức tạp khi với hàng loạt các hạng mục, ví dụ như: Xe tăng Na Uy cần cải tiến để phù hợp với đạn dược quyên góp từ một nước khác. Những chiếc xe tăng cũ kỹ của Tây Ban Nha, sản xuất tại Đức, cần được tân trang lại sau nhiều năm cất giữ. Có những tuyến đường hậu cần được lập kế hoạch và luôn luôn có những yêu cầu mới của Ukraine để xem xét.

Mọi sự tập trung đang dồn vào HIMARS, khi vũ khí này trong thời gian qua được xem đã giúp Ukraine giảm bớt thế áp đảo về pháo binh của Nga trên chiến trường.

Tính toán của Mỹ

Theo Washington Post, mối lo ngại hàng đầu của giới chức Mỹ là họ cần phải hành động sao cho không gây ra rủi ro kéo cường quốc hạt nhân Nga vào cuộc một cuộc đối đầu với NATO.

Moscow đã nhiều lần nêu rõ "lằn ranh đỏ" của họ chính là vũ khí Mỹ cung cấp cho Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga. Mỹ cũng thừa nhận chưa có ý định sẽ cấp cho HIMARS dòng tên lửa có tầm tấn công 300km vì lo ngại "bùng phát Thế chiến III".

Tầm tấn công của hỏa lực trên HIMARS mà Mỹ viện trợ cho Ukraine không đủ để vươn tới khu vực miền Đông mà Nga đang kiểm soát từ tiền tuyến với Kiev. Tuy nhiên, Mỹ nhận định rằng, với các vũ khí hiện tại, Ukraine vẫn đủ để lập ra dàn hỏa lực trên chiến trường gồm các vũ khí với tầm tấn công theo từng lớp khác nhau.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết, các vũ khí tinh vi như HIMARS viện trợ cho Ukraine không phải là dòng khí tài "cứ mở hộp là lấy ra dùng được ngay". Cho tới nay, khoảng 200 quân nhân Ukraine được đào tạo ở nước ngoài về cách sử dụng và bảo trì HIMARS.

"Nếu chỉ cung cấp thiết bị không là chưa đủ. Chúng tôi cần phải giao cả thiết bị, phụ tùng thay thế", ông Austin cho biết.

Ngoài ra, một trong những lo ngại khác của Mỹ chính là nếu họ tiếp tục đổ ồ ạt HIMARS cho Ukraine, Washington sẽ cạn kiệt vũ khí bảo vệ cho an ninh của chính mình. Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2020 nói nước này có 410 hệ thống HIMARS. Nếu đáp ứng nhu cầu của Ukraine rằng họ cần 100 hệ thống HIMARS, đây sẽ là bài toán lớn về cả vũ khí, đạn dược, phụ tùng thay thế, nhân lực mà Mỹ có thể khó đáp ứng trong tương lai gần.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Mỹ "cân não" viện trợ HIMARS cho Ukraine trước lằn ranh đỏ của Nga
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO