Mỹ cấm nhập dầu khí từ Nga
Tổng thống Mỹ Joe Biden đêm 8/3 (giờ Việt Nam) đã công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu và các loại năng lượng khác từ Nga như một biện pháp cô lập nền kinh tế Nga trong bối cảnh Nga vẫn tấn công Ukraine trên diện rộng.
Chính quyền ông Joe Biden đang đàm phán với lãnh đạo lưỡng viện Mỹ nhằm đẩy nhanh bỏ phiếu dự luật này.
Theo Bloomberg, nhập khẩu dầu thô từ Nga (nhà sản xuất dầu khí lớn thứ ba trên thế giới) chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số dầu thô nhập vào Mỹ, khoảng 1-3% trong các năm trước (2019-2020). Mỹ là nhà sản xuất dầu khí số 1 trên thế giới và lượng dầu nước này nhập khẩu thêm phần lớn đến từ Canada (trên 60%), Mexico và Saudi Arabia.
Mỹ chi gấn tỷ USD nhập khẩu dầu Nga. |
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tính cả các sản phẩm hóa dầu, lượng nhập khẩu từ Nga cũng chỉ chiếm khoảng 8% tổng lượng nhập khẩu nhiên liệu dạng lỏng vào Mỹ trong năm 2021.
Nước Anh cũng tuyên bố sẽ loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu và các sản phẩm dầu của Nga vào cuối năm 2022, khi sự phụ thuộc không nhiều. Việc tìm kiếm các nhà cung cấp dầu thay thế sẽ dễ dàng hơn so với khí đốt. Trong khi đó, theo Barrons, Nga chỉ cung cấp ít hơn 4% lượng khí đốt cho Anh trong 2021. Hầu hết lượng khí nước Anh dùng nguồn trong nước và nhập từ Na Uy. Còn Mỹ không nhập khẩu khí đốt của Nga.
Sự phụ thuộc của nước Mỹ vào dầu và khí Nga nói chung là không lớn và việc Mỹ ngừng nhập khẩu dầu của Nga sẽ được thay thế bởi các nguồn cung khác. Lệnh cấm được các cử tri và nhà lập pháp Mỹ ủng hộ mạnh mẽ.
Tuy nhiên, quyết định này ngay lập tức tác động mạnh tới giá dầu trên thế giới. Giá dầu thô WTI đầu giờ sáng 9/3 (giờ Việt Nam) tăng vọt lên gần 127 USD/thùng, trong khi dầu Brent lên trên ngưỡng 131 USD/thùng, tăng thêm 7% so với phiên liền trước. Giá dầu đã tăng gần gấp đôi so với đầu tháng 12.
Giá dầu WTI tăng mạnh. |
Giá dầu đã tăng hơn 30% kể từ khi Mỹ và phương Tây áp đặt một loạt lệnh trừng phạt vào Nga, khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga cũng chậm lại trước lệnh cấm do các thương nhân tìm cách tránh né ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt trong tương lai.
Giá dầu tăng ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu, không loại trừ Mỹ. Chính quyền ông Joe Biden đang đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có lạm phát. Lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga có thể khiến lạm phát tại Mỹ, vốn đang ở mức cao nhất trong 40 năm qua (7,5% trong tháng 1) chưa phải là đỉnh.
Giá xăng dầu tại Mỹ được dự báo sẽ tăng vọt. Người dân nước này phải chi trả giá xăng cao kỷ lục, 4,18 USD/gallon (3,78 lít). Trong khi đó, trên Dailymail, các chuyên gia cảnh báo nước Anh đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có kể từ những năm 1970. Mỗi hộ gia đình sẽ chứng kiến hóa đơn tăng thêm khoảng 1.200 bảng Anh.
Trước đó, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cảnh báo chính sách cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga có thể khiến giá dầu tăng lên đến 300 USD/thùng.
Nga đứng thứ 3 trên thế giới về sản xuất dầu thô. |
Phương Tây chia rẽ
Tổng thống Biden cho hay Mỹ đưa ra quyết định này sau khi tham vấn với các nước đồng minh và đối tác trên khắp thế giới, đặc biệt tại châu Âu. Phương Tây đưa ra chiến lược dài hạn nhằm giảm sự phụ thuộc vào Nga.
Dù vậy, các nước EU, vốn phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ và khí đốt Nga, không tham gia biện pháp cấm vận dầu khí Nga.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết Đức và cả châu Âu cần tiếp tục nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga vì đây là điều cần thiết cho an ninh năng lượng của lục địa này. Hiện nguồn cung cấp năng lượng phục vụ sưởi ấm, đi lại, cung cấp điện và cho các ngành công nghiệp của châu Âu không thể được đảm bảo bằng bất kỳ cách nào khác.
Đức hiện phụ thuộc hơn 55% vào khí đốt từ Nga. Nga cung ứng hơn 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, 46% nhu cầu than đá và 27% dầu mỏ.
Theo Gazprom, trong năm 2020, tập đoàn này xuất khẩu gần 136 tỷ mét khối khí sang châu Âu, trong đó Đức (45,8 tỷ m3), Ý (20,8 tỷ m3), Áo (13,2 tỷ m3), Thổ Nhĩ Kỳ (16,4 tỷ m3) và Pháp (12,4 tỷ m3) là những nước mua chủ yếu.
Châu Âu phụ thuộc nặng nề vào khí đốt của Nga. |
Ông Scholz cho rằng, việc thay thế năng lượng từ Nga không thể xảy ra chỉ sau một đêm. Trong tương lai, Đức sẽ xây thêm nhà chưa khí hóa lỏng nhằm dần hạn chế sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng thừa nhận, EU hiện tại vẫn phụ thuộc Nga về dầu khí.
Sau khi cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra, Chính quyền ông Biden đã cố gắng kêu gọi các nhà lãnh đạo Iran, Saudi Arabia và Venezuela tăng thêm sản lượng dầu thay vì thúc đẩy sản xuất trong nước. Tuy nhiên, cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân với Iran gần đây không có tín hiệu tích cực. Saudi Arabia cũng bác bỏ các yêu cầu của Mỹ về việc tăng sản lượng để giảm giá dầu.
Mỹ gần đây xem xét nới lỏng các biện pháp trừng phạt dầu mỏ đối với Venezuela. Đây vốn là nhà cung cấp dầu quan trọng của Mỹ, nhưng chủ yếu bán dầu cho Trung Quốc.
Những lệnh trừng phạt của phương Tây tác động tiêu cực lên nền kinh tế Nga, với đồng rúp giảm 50% kể từ chiến sự nổ ra đồng thời cũng gây nhiều tác động tiêu cực lên nền kinh tế thế giới và có thể khiến cán cân quyền lực thế giới thay đổi.
Theo Bloomberg, Trung Quốc tính mua cổ phần trong các công ty dầu mỏ như tập đoàn khí đốt Gazprom, hãng sản xuất nhôm United Co. Rusal International và hàng hóa Nga, khi giá cổ phiếu sụt giảm. Bắc Kinh sẽ tập trung vào an ninh năng lượng và an ninh lương thực.
Nga cũng chuyển từ SWIFT sang Hệ thống thanh toán Liên ngân hàng Xuyên biên giới (CIPS) của Trung Quốc, sau khi một số ngân hàng Nga bị cấm tham gia hệ thống tài chính lớn nhất thế giới này. CIPS được Bắc Kinh thành lập năm 2015, nhằm quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.
M. Hà