Theo New York Post, sáng sớm 7/8, Angelina Tran, 21 tuổi, tỉnh dậy khi nghe thấy tiếng xô xát trong nhà ở khu Beacon Hill, thành phố Seattle, Mỹ.
Theo cáo buộc, người cha dượng tên Nghiep Kein Chau, 54 tuổi, đã đấm mẹ của Angelina ít nhất 15 lần trong bếp. Nữ sinh nhanh chóng lao tới ngăn cản, cũng bị Chau tấn công.
Cuối cùng, người mẹ thoát được và gọi 911 trong khi Angelina giữ Chau lại, cố ngăn ông ta đuổi theo mẹ mình.
Cả hai giằng co rồi ngã xuống sàn, Chau chộp lấy con dao rồi đâm Angelina tổng cộng 107 nhát chí mạng. Theo hồ sơ của công tố viên, trong cơn thịnh nộ, người đàn ông nhiều lần dừng đâm chém nạn nhân, để thay quần áo và lấy một con dao khác.
Camera an ninh tại nhà đã ghi lại được cảnh Chau tìm kiếm mẹ của Angelina sau khi bà trốn trong phòng ngủ và cố gọi cảnh sát.
Khoảng 5h cùng ngày, cảnh sát đến hiện trường, chứng kiến người mẹ "vô cùng đau khổ", với những vết thương ứa máu trên mặt. Ở tầng trên, họ tìm thấy thi thể của nữ sinh trong nhà bếp.
Cảnh sát phát hiện Chau vẫn cầm con dao và dính máu trên quần áo. "Tôi đã giết người", người đàn ông thừa nhận.
Theo tài liệu của tòa án, Chau và mẹ của Angelina đã ở bên nhau 19 năm, mới kết hôn năm ngoái. Ông ta khai với cảnh sát rằng "cãi vã" rồi hành hung vợ vì nghĩ rằng bà ấy sẽ ly hôn và lấy tiền của mình.
Chau cũng cho biết bản thân trở nên tức giận khi Angelina lao vào can ngăn. Đối tượng nói sẽ giết vợ nếu tìm thấy bà ấy trước khi cảnh sát đến.
Sau đó, cảnh sát nhận được lệnh khám xét và thu giữ nhiều bằng chứng trong căn nhà, bao gồm cả đoạn phim an ninh về vụ tấn công.
Chau bị buộc tội giết người và cố ý giết người, bị giam giữ với số tiền bảo lãnh 5 triệu USD, sau khi các công tố viên lập luận ông ta là một kẻ có nguy cơ bỏ trốn và là mối nguy hiểm cho cộng đồng.
Phiên tòa dự kiến diễn ra hôm 23/8 đã được lùi lại đến ngày 31/8.
Trong khi đó, bạn bè và người thân của Angelina đã thành lập một quỹ để tưởng nhớ cô.
"Chúng tôi vô cùng đau buồn và thương tiếc trước sự ra đi của Angelina Tran. Cô ấy như một viên ngọc quý và nụ cười rạng rỡ của cô là nguồn năng lượng vô tận. Chúng tôi tin rằng Angelina sẽ muốn chúng tôi đứng vững và giữ nụ cười rạng rỡ", theo bài đăng của chiến dịch gây quỹ.
Mọi khoản quyên góp sẽ được chuyển đến một tổ chức phi lợi nhuận, nhằm giúp đỡ những người già - đúng như tinh thần và mong muốn của Angelina khi còn sống về việc tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của những người cao tuổi.
Victor Balta, người phát ngôn của Đại học Washington, nói với HuffPost trong một email rằng nhà trường "sốc và đau buồn" trước cái chết của nữ sinh viên.
"Trái tim của chúng tôi hướng về gia đình và những người thân yêu của Angelina", Balta nói.
Julie Kientz, giáo sư Đại học Washington nhận xét Angelina là một sinh viên "đáng kinh ngạc" và đam mê nghiên cứu.
"Angelina đã tham gia và hoạt động tích cực trong một số nhóm nghiên cứu. Các giảng viên của em ấy chia sẻ với tôi rằng đó là một sinh viên xuất sắc và rất nhiệt tình với việc nghiên cứu. Tôi sẽ rất nhớ nữ sinh này", Kientz nói.
Tiến sĩ Deirdre Bowen, Giám đốc Trung tâm Luật Gia đình tại Đại học Seattle, cho biết khi một thành viên can thiệp và ngăn chặn bạo lực gia đình, thường sẽ bị đe dọa nghiêm trọng về tính mạng. Và sự ra đi của nữ sinh 21 tuổi như một hồi chuông cảnh tỉnh về vấn nạn này.
Thống kê của Tạp chí Y tế Công cộng Mỹ chỉ rõ 20% số vụ giết người xảy ra do bạo lực gia đình không liên quan kẻ ngược đãi mà do bên thứ 3 can thiệp.
"Hồ sơ tòa án cho thấy sự can thiệp của Angelina đã giúp mẹ cô trốn sang phòng ngủ gần đó và gọi 911. Trong thời gian đó, nữ sinh đã bị tấn công nhiều lần. Đó là một câu chuyện tàn khốc về mức độ khủng khiếp của bạo lực gia đình", Bowen nói.