Mỹ 'bắt bài' Trung Quốc, nêu bật phương châm 3 'từ khóa'

Phương Hà| 27/05/2022 20:28

Bài phát biểu dài 45 phút của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cho thấy đầy đủ cách tiếp cận mới của chính quyền Tổng thống Biden trong quan hệ với Trung Quốc.

Những trọng tâm trong chiến lược mới của Mỹ đối với Trung Quốc
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có bài phát biểu dài 45 phút phác thảo cách tiếp cận của chính quyền Mỹ đối với Trung Quốc. (Nguồn: CNN)

Những cách tiếp cận chính

Ngày 26/5, trong bài phát biểu dài 45 phút phác thảo cách tiếp cận của chính quyền Mỹ đối với Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố chính quyền Washington hiện nay không tìm cách đẩy Bắc Kinh ra khỏi nền kinh tế toàn cầu, nhưng muốn Trung Quốc tuân thủ các quy tắc quốc tế.

Ông Blinken khẳng định Washington sẽ không ngăn cản Bắc Kinh phát triển kinh tế nhưng sẽ bảo vệ luật pháp và thể chế quốc tế, duy trì hòa bình và an ninh cũng như tạo điều kiện cho các quốc gia (bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc) cùng tồn tại.

Phát biểu tại Đại học George Washington, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ nêu rõ: “Trung Quốc là quốc gia duy nhất có ý định định hình lại trật tự quốc tế và ngày càng có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để làm điều đó. Tuy nhiên, Mỹ không tìm kiếm một cuộc xung đột hay một cuộc chiến tranh Lạnh mới. Ngược lại, chúng tôi quyết tâm tránh cả hai”.

Quan hệ Mỹ-Trung Quốc xuống đến mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump và càng trở nên tồi tệ hơn dưới thời Tổng thống Joe Biden.

Ngoại trưởng Blinken: “Trung Quốc là quốc gia duy nhất có ý định định hình lại trật tự quốc tế và ngày càng có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để làm điều đó. Tuy nhiên, Mỹ không tìm kiếm một cuộc xung đột hay một cuộc chiến tranh Lạnh mới. Ngược lại, chúng tôi quyết tâm tránh cả hai”

Cho đến nay, Tổng thống Biden vẫn giữ nguyên mức thuế quan mà người tiền nhiệm áp đặt đối với hàng hóa Trung Quốc, đồng thời theo đuổi mối quan hệ chặt chẽ hơn với các đồng minh, đối tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh.

Bài phát biểu của ông Blinken trùng với thời điểm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bắt đầu chuyến công du tới các quốc đảo Thái Bình Dương – một mặt trận ngày càng căng thẳng trong cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Bắc Kinh và Washington.

Ngoại trưởng Blinken khẳng định Mỹ coi Trung Quốc là “thách thức lâu dài nghiêm trọng nhất đối với trật tự quốc tế” và sẽ vẫn tập trung vào Bắc Kinh dù đang diễn ra xung đột Nga-Ukraine.

Trong bài phát biểu, Ngoại trưởng Mỹ đã vạch rõ các đường nét của chiến lược Trung Quốc, trong đó tập trung vào khả năng cạnh tranh của Mỹ và liên kết với các đồng minh và đối tác để ứng phó với Trung Quốc.

Ông Blinken cho biết chính quyền Tổng thống Biden sẵn sàng tăng cường liên lạc trực tiếp với Bắc Kinh về nhiều vấn đề và sẽ “phản ứng tích cực” nếu các quan chức Trung Quốc có hành động để giải quyết các quan ngại.

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Blinken cũng nhắc đến sự cần thiết và tiềm năng hợp tác với Trung Quốc để giải quyết các thách thức toàn cầu.

Đây có lẽ là sự thay đổi rõ rệt nhất so với chính quyền cựu Tổng thống Trump. Ngoại trưởng Mỹ hối thúc Bắc Kinh hợp tác trong các vấn đề toàn cầu, bao gồm cả vấn đề Triều Tiên, bất chấp những khác biệt giữa hai bên.

Người đứng đầu ngành Ngoại giao Mỹ cũng cho biết Washington “vẫn sẵn sàng thảo luận trực tiếp với Bắc Kinh về trách nhiệm tương ứng của chúng tôi với tư cách là những cường quốc hạt nhân”. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Triều Tiên đã thực hiện 17 vụ thử tên lửa kể từ đầu năm nay, bao gồm ít nhất 4 vụ thử nghiệm được cho là tên lửa đạn đạo liên lục địa.

“Đầu tư, liên kết, cạnh tranh”

Ban đầu, bài phát biểu của Ngoại trưởng Blinken dự kiến được đưa ra vào ngày 5/5, nhưng phải dời lại sau khi ông Blinken có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.

Trong thời gian đó, một loạt sự kiện đã diễn ra ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm: chuyến công du của Tổng thống Biden tới Hàn Quốc và Nhật Bản, Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ và công bố Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; Ngoại trưởng Trung Quốc bắt đầu chuyến công du tới các quốc đảo Thái Bình Dương.

Nhất quán với các động thái chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của chính quyền cho đến nay, bài phát biểu tập trung vào việc xây dựng năng lực của Mỹ ở trong nước và củng cố các liên minh ở nước ngoài.

Cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc là phần cuối cùng của bài phát biểu, trong đó ông nói có thể tóm gọn trong 3 từ “đầu tư, liên kết, cạnh tranh”.

Ngoại trưởng Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Biden sẽ đầu tư vào nền tảng sức mạnh trong nước, gắn kết các nỗ lực của Mỹ với mạng lưới đồng minh và đối tác, và cuối cùng là khai thác cả hai “công cụ” quan trọng này để cạnh tranh với Trung Quốc nhằm bảo vệ lợi ích của Mỹ và các đồng minh, cũng như xây dựng tầm nhìn cho tương lai.

Điều thú vị là ông Blinken không chỉ nhắc đến nhu cầu “duy trì” và “bảo vệ” “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”, mà còn nhấn mạnh sự cần thiết của việc “cải tổ”, “hiện đại hóa” trật tự quốc tế đó, “để đảm bảo trật tự đó đại diện cho lợi ích, giá trị, hy vọng của tất cả các quốc gia lớn và nhỏ, ở mọi khu vực”.

Khác với các bài phát biểu về chính sách trước đây của người tiền nhiệm Mike Pompeo, Ngoại trưởng Blinken dường như đã điều chỉnh để cố gắng tránh leo thang căng thẳng với Trung Quốc.

Ông cũng trấn an các nước khác rằng “đây không phải là việc buộc các quốc gia phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc”.

Ngoại trưởng Blinken nói thêm: “Ở mỗi bước, chúng tôi đều tham khảo ý kiến các đối tác, lắng nghe họ, ghi nhận mối quan tâm của họ, xây dựng các giải pháp giải quyết những thách thức và ưu tiên riêng của họ”.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Mỹ 'bắt bài' Trung Quốc, nêu bật phương châm 3 'từ khóa'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO