"Chúng tôi hiểu rằng Tổng lãnh sự Trung Quốc (tại New York) đã kết thúc đợt luân chuyển thường lệ vào tháng 8 và do đó đã bị luân chuyển khỏi vị trí này, nhưng không bị trục xuất", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Matthew Miller cho biết ngày 4/9.
Người phát ngôn này nói thêm: "Khi nói đến tình trạng của một thành viên cụ thể của một cơ quan đại diện nước ngoài, các bạn nên liên hệ trực tiếp với đại diện của quốc gia đó. Tuy nhiên, tôi khẳng định, không có hành động trục xuất nào ở đây".
Mặt khác, ông Miller nhấn mạnh: "Tuy nhiên, sự can thiệp của nước ngoài, bao gồm các nỗ lực gây ảnh hưởng thông qua hoạt động bí mật, là những hoạt động mà chúng tôi xác định rất nghiêm trọng".
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington hiện chưa bình luận.
Trước đó, tại một sự kiện ngày 4/9, Thống đốc New York Kathy Hochul cho biết bà đã thông báo cho Tổng lãnh sự Trung Quốc về việc muốn trục xuất Tổng lãnh sự Hoàng Bình sau khi trao đổi với Bộ Ngoại giao Mỹ theo yêu cầu của Ngoại trưởng Antony Blinken.
Tuy vậy, một người phát ngôn của Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại New York khẳng định, ông Hoàng Bình vẫn đang "đảm nhiệm công việc như bình thường".
Khi được đề nghị nói rõ ràng thực hư liệu ông Hoàng Bình có bị trục xuất hay không, bà Hochul cho hay: "Tôi chỉ biết họ không còn đảm nhiệm chức vụ nữa. Đó là tất cả những gì tôi biết".
Thông tin liên quan đến tình trạng của ông Hoàng Bình nhận được sự chú ý sau khi Linda Sun, cựu trợ lý của thống đốc New York, bị buộc tội làm gián điệp cho Trung Quốc.
Sun làm việc trong chính quyền bang trong khoảng 15 năm và từng giữ chức phó chánh văn phòng của Thống đốc Hochul trước khi bị sa thải do bị cáo buộc có hành vi sai trái. Bà Hochul gọi các hành động của Sun là "phản bội sự tin tưởng của chính quyền bang".
Theo các công tố viên, Sun đã thúc đẩy các chính sách có lợi cho Trung Quốc trong thời gian làm việc trong chính quyền New York. Đổi lại, chi nhánh công ty của chồng bà tại Trung Quốc được ưu đãi hơn. Hai vợ chồng họ đều không nhận tội và được đóng tiền bảo lãnh tại ngoại.