Bộ Tài chính Mỹ ngày 29/6 tuyên bố Bộ trưởng Tài chính nước này Janet Yellen đã thảo luận với người đồng cấp Ấn Độ Nirmala Sitharaman về lợi ích chung giữa Mỹ và Ấn Độ trong việc thực thi thuế tối thiểu toàn cầu.
Trong tuyên bố được đưa ra sau cuộc điện đàm giữa bộ trưởng tài chính hai nước, Bộ Tài chính Mỹ nêu rõ: "Bộ trưởng (Janet Yellen) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ đối tác với Ấn Độ trong khuôn khổ Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cũng như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) để nắm bắt cơ hội có một không hai để tái thiết hệ thống thuế quốc tế nhằm trợ giúp nền kinh tế toàn cầu phát triển mạnh mẽ."
Cải cách thuế doanh nghiệp toàn cầu là một trong những chương trình nghị sự chính của cuộc họp giữa 139 quốc gia thành viên OECD, diễn ra trong hai ngày 30/6-1/7 tới. Tại cuộc họp, OECD dự kiến thảo luận để tìm kiếm sự đồng thuận giữa 139 quốc gia thành viên về thỏa thuận thuế trên. Sau đó, cần có thêm các cuộc thảo luận tại hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 tổ chức tại Italy vào ngày 9-10/7.
Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) trong hội nghị thượng đỉnh mới đây đã thông qua một thỏa thuận mang tính lịch sử về cải cách hệ thống thuế doanh nghiệp toàn cầu. Thỏa thuận này được cho là sẽ chấm dứt “cuộc đua giảm thuế” doanh nghiệp giữa các nước, với một trụ cột là mức thuế doanh nghiệp tối thiểu thực tế.
Theo thỏa thuận này, các quốc gia nơi công ty đặt trụ sở chính thu thuế doanh nghiệp ít nhất 15% trên lợi nhuận của các công ty này trên toàn thế giới.
Trụ cột thứ hai là cho phép các quốc gia mà doanh nghiệp không đặt trụ sở vẫn được đánh thuế trên một phần lợi nhuận của doanh nghiệp, áp dụng với 100 doanh nghiệp đa quốc gia có lợi nhuận lớn nhất thế giới, ví dụ như Google, Facebook hay Apple./.