TP - Cuối năm, nhiều lao động tại TPHCM lâm cảnh thất nghiệp do công ty không có đơn hàng. Họ tìm việc làm tạm để có tiền lo Tết.

Có việc là vui

Chiều 25/12, khi nhiều người xúng xính quần áo đẹp đi chơi lễ Giáng sinh, tại xóm trọ công nhân ở 24A, Hồ Học Lãm (phường 16, quận 8), một nhóm nữ công nhân cặm cụi cạo vỏ gừng. Họ đều là công nhân Công ty TNHH Tỷ Hùng ở TPHCM (gia công giày xuất khẩu) bị sa thải đầu tháng 12 do doanh nghiệp không còn đơn hàng.

Cứ 6 giờ sáng, họ đi nhận gừng rồi 7 giờ bắt đầu “vào ca”, tới 14 giờ giao cho chủ. Với mỗi ký gừng thành phẩm, họ được trả công 4.000 đồng, trung bình làm được 100kg/ngày, thu nhập 400.000 đồng chia đều cho 4 chị em.

Chị Nguyễn Thị Kiều (37 tuổi, quê Đồng Tháp) tâm sự, ngày cuối làm việc, chị được nhận khoảng 15 triệu đồng là lương công ty trả thưởng tháng 13 và thêm 1 tháng lương cơ bản. “Số tiền đó tôi chi tiêu tằn tiện để trả tiền phòng trọ, lo cho con ăn học. Hơn nữa tôi đang mang bầu nên rất cần tiền lúc sinh nở.

Tranh thủ cuối năm, có người giao mối cạo vỏ gừng Tết này nên mình rủ mấy chị em cùng làm, kiếm ít đồng cũng đủ tiền ăn qua ngày. Ráng làm rồi qua Tết tính tiếp”, chị Kiều vừa nói vừa nhìn xuống bụng đã lùm lùm, cố nén tiếng thở dài.

Mưu sinh áp Tết ảnh 1
Nhóm công nhân thất nghiệp cạo vỏ gừng kiếm sống ảnh: U.P

Thoăn thoắt cạo sạch vỏ từng củ gừng bằng vỏ lon tự chế, chị Kim Thị Bui (36 tuổi, quê Sóc Trăng) có con đang học lớp 4 gửi bà ngoại ở quê chăm sóc. Đồng lương công nhân tầm 7 triệu đồng/tháng, chị trích ra 3 triệu đồng gửi về quê, 2 triệu đồng trả tiền thuê trọ; số còn lại để chi tiêu ăn uống.

“Chồng làm công nhân nhưng cũng phải nghỉ luân phiên do ít việc. Tôi tính qua Tết sẽ tìm việc mới, nhưng ở tuổi này xin vào công ty cũng khó, thôi thì tới đâu hay tới đó. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cố gắng bám trụ ở thành phố vì về quê cũng rất khó khăn”, chị Bui nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM Lê Văn Thinh cho biết. Tháng 12, nhu cầu nhân lực thành phố cần khoảng 23.000 - 25.000 chỗ làm việc. Thời gian qua, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM tổ chức 121 phiên, sàn giao dịch việc làm để kết nối cung, cầu lao động và giải quyết việc làm cho 315.000 lượt lao động.

16 giờ rời khỏi Công ty Pouyuen (quận Bình Tân), anh Lê Minh Tiến (32 tuổi, quê Nghệ An) liền thay chiếc áo xe ôm công nghệ, mở ứng dụng trên điện thoại nhận đơn hàng giao thức ăn, chở khách…

“Tôi làm thêm từ tháng 10/2022 đến nay, mỗi ngày chạy xe cũng kiếm thêm được khoảng 100.000 đồng. Cuối năm là dịp lễ Tết, người dân có nhu cầu ăn uống, đi lại cũng nhiều hơn nên mình khá đắt khách. Tuy làm 2 việc rất mệt nhưng có thêm thu nhập nên mừng lắm, có thêm chút tiền mua quà Tết cho các con, lì xì các cháu khi về quê ăn Tết”, anh Tiến cười vui vẻ.

Cố gắng vì con

Trên cánh đồng hoa Tết dưới chân cầu Sắt Sập (xã Thới An, quận 12), anh Nguyễn Lam Điền (53 tuổi, quê Nha Trang). Từng có hơn 8 năm làm công nhân may ở quận 12 nhưng nay thất nghiệp do công ty giải thể. Chạy tìm việc khắp nơi cũng không nơi nào nhận do lớn tuổi, anh đành làm “thợ đụng”, ai thuê gì làm nấy lo cho ba con ăn học.

“Từ mức lương 12 triệu đồng/tháng, giờ mình chỉ có thể kiếm tiền ngày. Mấy ngày nay, tôi xin phụ chăm sóc hoa Tết, ngày làm 8 tiếng, kiếm được tầm 200.000-250.000 đồng/ngày để lo ăn uống. Có công việc, có tiền lo cho các con là mình đều cố gắng”, anh Điền bày tỏ.

Bất chấp cái nắng gắt giữa trưa, chị Nguyễn Thị Châu (42 tuổi, quê An Giang) nhanh tay tỉa lá, lặt bớt nụ cho từng chậu hoa cúc. Chị Châu là công nhân Công ty TNHH May Sun Kyoung Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc, quận 12) nhưng thất nghiệp từ đầu tháng 11.

“Khi công ty sa thải, tôi chạy khắp nơi tìm việc nhưng chưa nơi nào nhận. Dẫu vậy, mình vẫn không nản lòng mà phải cố gắng hơn vì còn phải lo cho các con, cho gia đình. Gần Tết, nhiều nhà vườn cần lao động phụ chăm hoa Tết, tôi liên hệ liền được nhận việc ngay. Mỗi giờ làm được trả công 25.000 đồng, tính ra mỗi ngày cũng kiếm thêm trung bình 250.000 đồng. Công việc cũng không vất vả, chủ vườn cũng rất tạo điều kiện để mình linh động làm thêm việc khác”, chị Châu nói.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, nói: “Sở LĐ-TB&XH TPHCM sẽ kết nối với các tỉnh, thành theo hình thức trực tuyến để doanh nghiệp và người lao động tìm việc và tuyển dụng thuận lợi. Qua đó, sau Tết, khi người lao động trở lại thành phố sẽ có việc làm ngay”.

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/muu-sinh-ap-tet-post1498208.tpo
Copy Link
https://tienphong.vn/muu-sinh-ap-tet-post1498208.tpo
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Mưu sinh áp Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO