Mút tay, bú bình kéo dài làm ảnh hưởng sức khoẻ răng miệng của trẻ

26/04/2022 12:37

Sức khoẻ răng miệng của trẻ quan trọng không kém với sức khỏe toàn thân. Đặc biệt, nếu trẻ có các thói quen như mút tay, được cho bú bình kéo dài…. các bác sĩ khoa Răng hàm mặt - Bệnh viện Đà Nẵng - khuyến cáo các bậc phụ huynh nên nhắc nhở và có biện pháp loại bỏ càng sớm càng tốt để hạn chế nguy cơ mắc các bệnh lý về răng khi trẻ trưởng thành.

Mút tay, bú bình kéo dài làm ảnh hưởng sức khoẻ răng miệng của trẻ
Mút tay, bú bình kéo dài làm ảnh hưởng sức khoẻ răng miệng của trẻ. Ảnh: BV

Mút tay, bú bình kéo dài hoặc ngậm ti giả thường xuyên

Mút tay hay ngậm núm vú là một trong những tật xấu gây hại cho răng mà trẻ thường hay mắc phải. Tuy không gây sâu răng nhưng mút tay hay ngậm núm vú giả có thể dẫn tới răng trẻ bị hô sau này.

Từ 2 tuổi trở lên nếu trẻ vẫn còn giữ thói quen mút tay hoặc chưa cai được ti giả, bú bình sau này có thể làm cấu trúc hàm, xương và răng bị lệch lạc. Trẻ có thể bị hô, răng mọc không đều. Ngoài ra răng cửa hàm trên có thể bị thưa và nghiêng về phía môi.

Cắn môi, mút môi

Thói quen này thường gặp ở trẻ hay căng thẳng, tuy nhiên cắn môi trên, môi dưới hay mút môi đều là những thói quen có hại trong quá trình phát triển răng ở trẻ. Nếu không can thiệp kịp thời, về lâu dài thói quen này có thể gây cắn hở, răng cửa hàm trên nghiêng về phía môi và có thể bị hô.

Cắn móng tay, vật lạ

Các thói quen cắn móng tay, gặm bút, cắn các vật cứng rất có hại vì sẽ làm cho răng trẻ bị mòn, dễ rạn nứt, mẻ, ê, đau răng và giảm độ ngon miệng khi ăn uống, lâu ngày còn có thể làm chết tủy răng và dễ có nguy cơ bị sưng tấy hay nhiễm trùng phần da xung quanh móng gây mất vệ sinh hay dễ nhiễm các bệnh giun sán.

Cắn chặt răng, nghiến răng

Nghiến răng là sự nghiến hoặc xiết chặt hàm răng một cách quá mức các răng ở hai hàm trên và dưới do sự tiếp xúc mạnh giữa mặt nhai của các răng trên và dưới, thường diễn ra vào lúc ngủ, lâu ngày tạo ra các diện mòn trên răng.

Nghiến răng được xem như phản ứng đối với sự căng thẳng thần kinh và hiện tượng này xảy ra phần lớn ở những trẻ có hệ thần kinh dễ bị kích thích. Ngoài ra tật nghiến răng còn gặp khi trẻ bệnh động kinh, viêm não hay xáo trộn tiêu hóa.

Tình trạng nghiến răng kéo dài có thể đưa đến những hậu quả xấu ảnh hưởng tới các hệ thống nhai như răng, cơ, hàm và khớp thái dương hàm. Một số trẻ nghiến siết các răng mạnh đến nỗi làm vỡ men bờ cắn của các răng sữa hoặc gây mòn nhiều răng dẫn đến cắn sâu. Nghiến răng nhiều có thể làm nướu và hàm răng thay đổi, gây đau và rối loạn khớp thái dương hàm, nhiều khi làm nhai khó và há miệng khó, trong trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến biến đổi hình dạng khuôn mặt tạo ra vẻ mặt mất cân xứng.

Trường hợp trẻ có tật nghiến răng nên cho đi khám bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt để kiểm tra tình trạng về các khớp cắn, tình trạng viêm nhiễm vùng răng, nướu... Bác sĩ chỉnh hình răng hàm mặt đôi khi phải làm khí cụ cho trẻ đeo mới có thể bỏ được các tật xấu này.

Đẩy lưỡi

Đẩy lưỡi mỗi khi nuốt điển hình kéo dài khoảng 1 giây, không đủ thời gian gây ảnh hưởng lên sự lệch lạc của răng. Tuy nhiên, khi thực hiện động tác nuốt, nếu đẩy lưỡi của trẻ về phía trước, thời gian kéo dài có thể làm sai vị trí của răng. Ở trẻ cắn không khít vùng răng cửa thì đẩy lưỡi là một nguyên nhân làm tăng nguy cơ gây lệch lạc răng.

Tật đẩy lưỡi ra trước sẽ làm các răng phía trước, trên và dưới nghiêng ra phía trước và thưa nhau, hậu quả có thể làm trẻ bị hô răng trên và có khi gây cắn hở (do lưỡi đặt vào giữa răng cửa trên và dưới).

Thở miệng

Trẻ thở miệng có thể cấu trúc môi trên ngắn nên miệng vẫn hở khi thở mũi hoặc do trẻ gặp vấn đề về đường thở. Nếu gặp vấn đề về đường thở, bậc phụ huynh nên cho trẻ đi khám tai mũi họng để được chẩn đoán chính xác và có phương án điều trị phù hợp, loại bỏ thói quen thở miệng.

Thở bằng miệng sẽ làm khô niêm mạc miệng dễ gây sâu răng, làm lệch lạc răng và hàm trẻ sẽ bị hô. Tật thở bằng miệng làm hệ thống xương mặt phát triển không cân đối và cũng dễ dẫn đến những rối loạn về khớp cắn.

Chống cằm

Nhiều bậc phụ huynh thường bỏ qua thói quen này nhưng nếu không nhắc nhở và có biện pháp loại bỏ sớm, chống cằm có thể làm thay đổi hướng phát triển xương của hàm dưới, làm khuôn mặt trẻ trở nên mất cân xứng.

Ngậm khi ăn

Thói quen này thường gặp ở trẻ mới mọc răng hoặc ở cả trẻ lớn biếng ăn. Ngoài khiến cơ thể không thể hấp thụ các chất dinh dưỡng có trong thức ăn, việc ngậm lâu khi ăn có thể làm thức ăn trong miệng chuyển hóa thành đường, từ đó bám vào răng và gây sâu răng.

Thường xuyên ăn vặt hoặc đồ ngọt

Trẻ nhỏ thường thích các món ăn vặt hoặc đồ ngọt… và điều này không những làm trẻ ngang bụng, dễ bỏ bữa, tăng cân hay béo phì mà còn dễ bị sâu răng nếu chăm sóc răng miệng không đúng cách.

Bài liên quan
  • Học sinh mắc COVID-19 TPHCM tăng, chăm sóc con như thế nào cho đúng?
    TPHCM – Học sinh đi học trở lại nên số ca mắc COVID-19 ở những đối tượng này tăng. Đối với trẻ từ 12-17 tuổi được tiêm vaccine ngừa COVID-19 nhiều phụ huynh yên tâm hơn, còn với trẻ 5-11 tuổi mắc COVID-19 khi chưa có vaccine, phụ huynh cần biết cách để chăm sóc cho trẻ toàn diện.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Mút tay, bú bình kéo dài làm ảnh hưởng sức khoẻ răng miệng của trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO