Mướp đắng và một số bài thuốc chữa bệnh từ mướp đắng

21/06/2023 15:43

Mướp đắng là thực phẩm quen thuộc của nhiều gia đình, ngoài ra mướp đắng còn là vị thuốc Đông y quen thuộc, dưới đây là một số bài thuốc chữa bệnh từ mướp đắng.

Quả mướp đắng là nguyên liệu được dùng để chế biến thành nhiều món ăn với hương vị hấp dẫn. Không chỉ vậy, đây còn là loại quả đem lại tác dụng tốt với sức khỏe. Ngoài ra, mướp đắng còn được xếp vào nhóm thức ăn, vị thuốc có tác dụng giải nhiệt sinh tân, hỗ trợ điều trị đái tháo đường (tiểu đường). Bộ phận dùng làm thuốc gồm lá, quả và hạt. Dưới đây là một số bài thuốc chữa bệnh từ mướp đắng.

Tác dụng của mướp đắng với sức khỏe

Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc cho biết, mướp đắng còn có tên là khổ qua, là họ nhà dưa hay mướp. Quả nướp đắng có u sần sùi, ăn có vị đắng. Mướp đắng chứa phong phú nhiều loại vitamin và khoáng chất như vitamin C.

Mặc dù chưa có công trình nghiên cứu nào đầy đủ về tác dụng chữa bệnh của mướp đắng nhưng cũng có một số nghiên cứu nhỏ chứng minh rằng công dụng chữa bệnh của mướp đắng hiệu quả với nhiều loại bệnh khác nhau.

Mướp đắng và một số bài thuốc chữa bệnh từ mướp đắng - 1

Mướp đắng rất tốt cho sức khỏe

Dưới đây là một số tác dụng của mướp đắng được Y học hiện đại nghiên cứu:

Điều trị bệnh tiểu đường

Mướp đắng có tác dụng làm giảm ảnh hưởng của đường đối với cơ thể, vì vậy, từ lâu nó đã được sử dụng để điều trị tiểu đường trong một loạt các hệ thống y học cổ truyền.

Về bản chất, mướp đắng làm giảm lượng đường trong máu, vì vậy, khi tiêu thụ mướp đắng, bạn nên thận trọng nếu đang dùng bất kỳ loại thuốc nào cũng ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, để tránh làm giảm tới mức nguy hiểm.

Ức chế ung thư

Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm chỉ ra rằng mướp đắng làm chậm lại sự gia tăng của một số bệnh ung thư. Trong nghiên cứu tại phòng thí nghiệm thì thấy, mướp đắng có khả năng giết chết các tế bào ung thư bạch cầu trong ống nghiệm.

Một nghiên cứu về ung thư được công bố vào tháng 3 năm 2010 cho thấy mướp đắng giết chết tế bào ung thư vú mà không ảnh hưởng đến tế bào bình thường theo ghi nhận của trưởng nhóm nghiên cứu Ratna Ray.

Tuy nhiên, những nghiên cứu này chưa thực sự liên quan trực tiếp đến con người và cộng đồng khoa học sẽ cần phải tiến hành nghiên cứu thêm để xem những lợi ích dịch đối với con người.

Chống lại virus

Các nhà nghiên cứu cho rằng, mướp đắng có thể hoạt động kháng virus, ngăn chặn virus lây nhiễm cho các tế bào của con người, có thể giúp kiểm soát quá trình của bệnh.

Công dụng khác

Về mặt truyền thống, mướp đắng còn có một loạt các tác dụng chữa bệnh khác, ví dụ như làm giảm cholesterol, bệnh tăng nhãn áp, vô sinh, bệnh về da như bệnh vẩy nến, sốt, nhiễm trùng và các vấn đề kinh nguyệt.

Một số bài thuốc chữa bệnh từ mướp đắng

Dưới đây là một số bài thuốc chữa bệnh từ mướp đắng do BS Vũ Quốc Trung đăng tải trên Báo Sức khỏe & Đời sống:

- Phòng ngừa say nắng, phát sốt: Mướp đắng (đã bỏ lõi, phơi khô) 15g, sắc nước uống thay trà.

- Giải nhiệt, chữa đau răng, viêm lợi do ăn nhiều thức ăn cay nóng: Mướp đắng 1-2 quả, rửa sạch, bỏ hạt, ép lấy nước uống.

- Thanh nhiệt, sinh tân, chữa cảm nắng: Mướp đắng 60g, cuống lá sen 30g, đậu ván trắng 15g. Đun nước uống hàng ngày.

- Chữa ho lâu ngày, ho khan, ho có đờm: Hạt mướp đắng 40 hạt, hạt chanh 40 hạt, mật gà 20 cái. Hai loại hạt sao khô, tán nhỏ, trộn với nước mật cho thật đều, rồi phơi khô, sau tán lại cho đều và mịn. Cuối cùng, luyện với sirô (nấu từ 50g đường trắng) làm thành viên bằng hạt đậu xanh. Trẻ em 1 - 5 tuổi, mỗi lần uống 2 - 4g; 6 - 10 tuổi, mỗi lần 5 - 8g. Ngày hai lần.

- Hỗ trợ và điều trị đái tháo đường:

Cách 1: Mướp đắng tươi 100g, thái nhỏ, hãm nước sôi trong bình kín, uống thay trà.

Cách 2: Quả mướp đắng tươi, thái mỏng, phơi hoặc sấy khô, tán bột, rây mịn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 10g, uống sau bữa ăn.

Cách 3: Dùng mướp đắng 150g thái nhỏ, gạo tẻ 50g; cho gạo vào nồi, thêm nước vào đun sôi một lúc, sau đó cho mướp đắng vào nấu tiếp đến khi cháo chín; mỗi ngày ăn 2 lần, ăn lúc cháo còn ấm.

- Hỗ trợ chữa thấp khớp: Lá mướp đắng 10g, rễ cây xấu hổ 8g (sao), dây đau xương 8g (tẩm rượu sao), rễ nhàu 8g, rễ cỏ xước 8g, vòi voi 8g (sao), lá cây ngũ trảo 5g, quế chi 4g, gừng sống 3g, dây thần thông 2g. Tất cả cắt nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.

Kiêng kỵ: Theo Đông y, mướp đắng có tính lạnh, chỉ nên dùng đối với các chứng nhiệt độc tích tụ trong cơ thể. Những người tỳ vị hư hàn (chức năng tiêu hóa yếu) không nên dùng nhiều dễ dẫn đến đau bụng, tiêu chảy.

Theo vtc.vn
https://vtc.vn/muop-dang-va-mot-so-bai-thuoc-chua-benh-tu-muop-dang-ar800744.html
Copy Link
https://vtc.vn/muop-dang-va-mot-so-bai-thuoc-chua-benh-tu-muop-dang-ar800744.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Mướp đắng và một số bài thuốc chữa bệnh từ mướp đắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO