Cùng với một số địa phương tổ chức đón công dân về quê, nhiều người dân đã tìm cách tự rời khỏi TPHCM bằng các phương tiện cá nhân, kể cả xe đạp, xe máy thậm chí là chọn cách đi bộ.
Những ngày qua, hình ảnh những đoàn xe máy nối dài, chở cả gia đình, trẻ nhỏ cùng lỉnh kỉnh đồ đạc khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Nhiều người chọn rời Sài Gòn khi phân xưởng nghỉ làm, văn phòng đóng cửa, nhà máy thì phong toả, nhưng tiền trọ, tiền ăn, và các chi phí khác nó là gánh nặng vô hình nhưng khủng khiếp trên đôi vai.
Rời TP.HCM là chuyện cực chẳng đã
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip một người phụ nữ chở theo 2 bạn nhỏ cùng rất nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh được buộc phía đuôi xe. Trong phần mô tả, chủ nhân đoạn clip viết: "TP.HCM về Đắk Lắk, Đắk Nông hôm nay, mình gặp 2 anh em siêu nhân siêu dễ thương. Cậu anh bế em suốt đoạn đường luôn, nhìn là biết anh trai quốc dân rồi".
Do di chuyển bằng xe máy nên để an toàn hơn, người phụ nữ (được cho là mẹ của 2 đứa trẻ) đã để cậu bé lớn hơn, bế em nhỏ phía đằng sau. Trong suốt hành trình, cậu bé luôn giữ lưng thẳng, ngồi ngay ngắn và bế em khá khéo, chắc tay như đã quen thuộc với công việc này rất lâu.
Hình ảnh về "người anh quốc dân", bế em suốt quãng đường dài đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm của dân mạng. Nhiều người khen ngợi cậu bé vì biết quan tâm, giúp đỡ mẹ trong cuộc hành trình rời Tp.HCM hồi hương.
Đồng thời, mọi người cũng dành sự thương cảm trước cảnh tượng người phụ nữ phải đưa con trở về quê bằng xe máy cả một quãng đường xa.
Trên Tuổi Trẻ Online, anh Xồng Bá Xô (người dân tộc thiểu số tại Nghệ An) cho biết anh và vợ Phùng A Tranh là công nhân một nhà máy làm tủ gỗ ở Bình Dương. Dù công ty không có ca mắc COVID -19 nhưng do tình hình chung đóng cửa gần 2 tháng nay nên vợ chồng anh phải nghỉ việc.
Hai vợ chồng dự định về quê hơn tháng trước nhưng vì vợ mang bầu sắp sinh nên đành phải ở lại. Tuần rồi, vợ anh sinh được bé trai 2,6kg, cả nhà ở trong viện 4 ngày sau đó ra viện.
"Mấy tháng nay ở nhà lo vợ sinh nở nên đã tiêu hết tiền tiết kiệm. Em bàn với vợ phải về vì không biết dịch kéo dài tới bao giờ. Anh em xung quanh ai cũng về quê nên hai vợ chồng gói đồ luôn, dọc đường đi có gì ăn nấy", anh Xô nói.
Anh Xô cho biết 3 ngày trước vợ chồng anh quấn con trong khăn (lúc này đứa bé mới được 9 ngày tuổi) xuất phát cùng đoàn hơn 50 người về quê bằng xe máy. Đi chung chuyến có anh trai và chị dâu. Đoàn người quá đông nên lạc mất anh chị, điện thoại cũng không liên lạc được nên chưa biết họ đã tới quê hay chưa.
May mắn, vợ chồng anh Xô được các thành viên Câu lạc bộ xe bán tải thành phố Đà Nẵng góp tiền thuê xe rồi giúp thêm 3 triệu đồng làm lộ phí về quê.
Muôn kiểu hỗ trợ những người lao động hồi hương
Mới đây, ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết với những bà con hiện đang làm ăn tại TP.HCM cần thiết phải trở về quê hương trong điều kiện hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc sẵn sàng tiếp nhận, đón tiếp bà con ân cần, chu đáo; bố trí nơi ăn ở, cách ly được đảm bảo an toàn.
Ông Lê Duy Thành nhấn mạnh, với tinh thần tương thân, tương ái hỗ trợ tối đa các công dân của mình khi gặp khó khăn, Vĩnh Phúc đã chuẩn bị đầy đủ phương tiện, con người và các cơ sở cách ly, xét nghiệm, điều trị đảm bảo tuyệt đối chu đáo và an toàn cho bà con.
VTC News đưa tin, chiều 30/7, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cho biết, gần 1.000 công nhân đang làm việc tại các công ty trên địa bàn xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) đã trở về quê nhà tại tỉnh Đắk Lắk an toàn dưới sự dẫn đường của lực lượng CSGT Đồng Nai.
Tại tỉnh Đắk Lắk, toàn bộ công nhân đã được chính quyền địa phương đón ở Trường THPT dân tộc nội trú N’Trang Lơng (TP Buôn Mê Thuột). Từ đêm 29/7, người dân đã lần lượt xếp hàng làm test nhanh COVID-19 để nhận phiếu xác nhận âm tính để trở về nhà.
Trước đó, sáng 29/7, hàng trăm công nhân tụ tập tại UBND xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) để xin được về quê. Ngay sau đó, Sở LĐTB&XH tỉnh Đồng Nai phối hợp chính quyền địa phương nhanh chóng đến tiếp cận, giải quyết cho họ về quê theo nguyện vọng.
Trước lúc xuất phát, gần 1.000 công nhân được hỗ trợ xét nghiệm COVID-19 miễn phí. Sau đó, lực lượng CSGT dùng xe chuyên dụng mở đường hộ tống đoàn xe và người đi qua các chốt kiểm soát tại các tỉnh, thành trên đường về quê.
Tờ Tiền phong có đưa tin, để hỗ trợ tốt nhất cho người dân về từ TPHCM bằng xe máy, Phòng CSGT - Công an TP Đà Nẵng đã kêu gọi các tình nguyện viên có kinh nghiệm sửa chữa xe tham gia hỗ trợ đón, đưa người dân qua địa bàn. Ngay lập tức, hàng chục bạn trẻ đã đăng kí tham gia, đa phần là thợ sửa xe, sinh viên chuyên ngành...
Khoảng 2h30 sáng, sau khi đón đoàn từ địa phận Quảng Nam, lực lượng CSGT Đà Nẵng điều phối cho đoàn nghỉ ngơi ở một khu đất trống nằm giữa chốt kiểm dịch của 2 tỉnh. Những người dân nào có xe máy hư hỏng, cần sửa chữa, thay nhớt..., lực lượng chức năng sẽ hướng dẫn di chuyển sang phía đối diện để đội tình nguyện kiểm tra xe.
Sau khi các xe gặp sự cố trong đoàn được kiểm tra, sửa chữa, 3h sáng, cả trăm xe máy tiếp tục hành trình về quê của mình trong sự hỗ trợ của lực lượng CSGT. Nhóm tình nguyện viên cũng theo đoàn đến tận chân đèo Hải Vân để kịp thời hỗ trợ nếu xe máy gặp sự cố trong hành trình đi qua địa phận Đà Nẵng.