Muôn Kiếp Nhân Sinh tập 1 và 2 ra đời tạo ra một hiện tượng hiếm có trong văn hoá đọc Việt Nam từ trước đến giờ khi phát hành được gần nửa triệu bản. Đây cũng là cuốn sách tâm linh đầu tiên của một tác giả người Việt được dịch ra và xuất bản bản tiếng Anh.
Những nhân vật đã gặp gỡ trong Muôn Kiếp Nhân Sinh tập 1 và 2 sẽ xuất hiện ở tập 3 như thế nào trong kiếp sống luân hồi và nhân quả? Đây là tập sách của Nguyên Phong (GS John Vu) được bạn đọc Việt Nam mong chờ nhất vừa được phát hành.
Nếu đã từng đọc “Muôn kiếp nhân sinh” tập 1 và 2 của Nguyên Phong, bạn sẽ nhận ra trong tập 3, tác giả tiếp tục dẫn dắt người đọc trở lại với những qui luật của vũ trụ, chi phối cuộc sống con người, đồng thời hé mở nhiều kiến giải sâu sắc về luật Luân hồi và Nhân quả dưới ánh sáng khoa học và tâm linh.
“Muôn kiếp nhân sinh” tập 3 giúp cho ta nhận ra sứ mệnh của mỗi người trong việc thức tỉnh loài người khỏi những u mê, xung đột, tham lam, ích kỷ… góp phần thay đổi tâm thức con người khỏi những năng lượng tiêu cực. Chúng ta hiểu ra, muốn thay đổi thế giới, con người phải hiểu các qui luật của vũ trụ, và trước hết phải quay về bên trong thay đổi tâm thức của chính mình.
Để giải đáp được câu hỏi “Ta là ai?”
Vẫn là câu chuyện trải qua nhiều kiếp sống ở nhiều đất nước, dân tộc khác nhau của Thomas, nhưng đồng thời, cũng qua các hồi ức đó, tác giả dẫn dắt chúng ta chiêm nghiệm những triết lý nhân sinh về cuộc sống hiện tại và một tương lai của nhân loại do chính con người hôm nay tạo ra. Muôn kiếp nhân sinh 3 khơi gợi nhiều suy nghĩ cho người đọc, đặc biệt là giới trẻ, về hiện tại và tương lai loài người trước sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, của trí thông minh nhân tạo AI; về mối liên hệ giữa khoa học và tâm thức con người.
Trong câu chuyện giữa tác giả và Thomas, để trả lời các câu hỏi: Máy móc có thể thay thế hoàn toàn con người? Trí tuệ nhân tạo có thể thay thế bộ não người?, tác giả đã đưa ra nhiều luận cứ để chứng minh sự khác biệt cơ bản giữa việc xử lý các dữ liệu của bộ não với việc xử lý dữ liệu của máy tính. Tác giả cho rằng, con người không hành động dựa trên logic mà còn có các cảm xúc và thành kiến. Tuy nhiên, trí thông minh nhân tạo có thể nguy hiểm khi được sử dụng vào các quyết định quan trọng trong y học hay chiến tranh. Vì với máy tính, con người cũng chỉ là những dữ kiện.
Là một giáo sư ưu tú ngành Khoa học máy tính, Giám đốc Chương trình Đổi mới Công nghệ Sinh học và Tính toán, đồng giám đốc chương trình Trí tuệ Nhân tạo tại Đại học Carnegie Mellon (hiện đã nghỉ hưu), tác giả GS John Vu - Nguyên Phong khẳng định máy tính không thể phát triển lương tâm, đạo đức hay tình yêu thương như con người được. Ông trăn trở với những vấn đề của giới trẻ, của tương lai con người và trách nhiệm của chúng ta trong cuộc sống hiện tại. Bởi nhân của hiện tại là quả của tương lai. Nếu không nhận thức đầy đủ trong hiện tại thì tương lai sẽ gánh hậu quả khôn lường.
Theo tác giả, để có thể đi trên hành trình tỉnh thức, cần hiểu biết sâu sắc về các qui luật của vũ trụ và có lòng tin. Và để chuyển đổi tâm thức, thì mấu chốt là “để ánh sáng tâm linh trong mỗi người có cơ hội phát lộ để dẫn đường cho chính mình, cho nhân loại và cho khoa học tương lai phát triển đúng hướng”.
Đưa nước trở về đại dương
Nếu những câu chuyện tiền kiếp trong “Muôn kiếp nhân sinh” tập 1 và 2 đề cập nhiều đến nhân quả, luân hồi, thì “Muôn kiếp nhân sinh” tập 3 nhấn mạnh hơn đến khía cạnh đạo đức con người. Trong đó, lòng tham mù quáng và niềm tin mê lầm, hoặc không có niềm tin đã khiến con người gây ra vô số biến cố, tai ương thảm khốc trong suốt chiều dài lịch sử của xã hội loài người.
Trải qua nhiều kiếp sống, Thomas đã được tiếp nhận những kiến thức thâm sâu về trí tuệ, chân ngã, về giác quan thể xác và giác quan linh hồn (tâm thức). Hiểu rằng ngoài bản ngã, trong thẳm sâu con người có một thứ gọi là “chân ngã”, và tự giải đáp được câu hỏi “ta là ai?”. Lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng bản ngã chính là con người thật của mình. Thật ra, bản ngã có ý niệm phân biệt nên nó chỉ làm những gì có lợi để bảo vệ chính nó. Từ đó nảy sinh ý niệm yêu, ghét, chiếm hữu, tham lam, ích kỷ… Đó chính là nguyên nhân của mọi đau khổ trên thế gian này.
Thomas được dạy rằng “nếu ví chân ngã như nước trong đại dương thì bản ngã chỉ là cái chén chứa nước bên trong. Nước, hay chân ngã, thì ai cũng có, nhưng mọi người cứ lầm tưởng mình là cái chén chứ không phải là nước. Đó là sự lầm lạc nguyên thuỷ mà người Ấn gọi là sự vô minh. Vấn đề là làm sao phá vỡ cái chén đó để nước trở về đại dương”.
Câu chuyện trí thông minh và trí tuệ, bản ngã và chân ngã như một thứ ánh sáng bừng lên soi sáng cho con đường chúng ta đi về phía trước.
Tương lai nhân loại và con đường đi tới minh triết
“Chúng ta không thể thay đổi được quá khứ, nhưng bằng việc chuyển đổi tâm thức, lan toả yêu thương và hiểu biết trong hiện tại, chúng ta có thể thay đổi được tương lai bằng chính những hành động, suy nghĩ của chúng ta ngay lúc này”. Đó là một mong ước, một sứ mệnh của con người với tương lai chính mình. Liệu chúng ta có thể thay đổi tương lai theo chiều hướng tốt đẹp hơn không? Chúng ta có thể làm cho con người bớt luân hồi triền miên trong tăm tối, vô minh; trong tham tàn, thù hận; trong bạo lực, chiến tranh, bức hại môi trường sống và bức hại lẫn nhau?
Bằng những trải nghiệm khổ đau, bằng con đường tu tập, bằng việc được khai sáng, học hỏi qua nhiều kiếp sống… Thomas chỉ ra rằng: chúng ta có thể. Đó là việc học để hiểu rõ các qui luật của vũ trụ. Là việc quay vào bên trong chuyển đổi tâm thức của chính mình. Tập cho tâm tĩnh lặng bằng hành thiền. Rèn luyện đạo đức, trau dồi trí tuệ. Sống tỉnh thức, yêu thương, hướng thiện. Đó là con đường đi tới minh triết.
Theo Thomas, nghiệp lực đang chi phối nhân loại hiện nay bắt nguồn từ việc giết chóc và tham lam. Mọi tai ương hiện nay đều do nghiệp lực chiêu cảm mà đến. Mọi sự xảy ra trên thế gian này đều là nhân quả, không có việc gì xảy ra mà không có nguyên nhân. Tuy nhiên, ông cũng đưa ra một dự báo lạc quan: Hiện nay tuy nhân loại đang đi vào giai đoạn Hoại và Diệt, nhưng mọi người phải tin rằng việc thay đổi tâm thức vẫn có thể xảy ra. Ông nhấn mạnh phải có lòng tin vững chắc về việc chuyển đổi nghiệp quả thì mới có thể vượt qua các khó khăn. Tai ương, dịch bệnh, chiến tranh đều do con người tạo ra nhưng nếu đã biết qui tắc để chuyển nghiệp, làm việc thiện với tâm thành vì biết đó là việc phải làm cho quyền lợi chung thì không có gì phải lo. Chẳng có thần linh hay thế lực nào quyết định, chúng ta hoàn toàn chịu trách nhiệm về cuộc đời mình.
Với vai trò khép lại câu chuyện, “Muôn Kiếp Nhân Sinh 3” đã xâu chuỗi lại những mối liên hệ tiền kiếp, vừa làm sáng tỏ cách vận hành của luật Nhân quả và Luân hồi vừa giúp chúng ta thấu hiểu và trân trọng những nhân duyên gặp gỡ của mình trong hiện tại. Thông qua 10 chương sách đan xen giữa quá khứ và hiện tại, giữa kể chuyện và lý luận, giữa hiện thực và huyền ảo, cuốn sách gợi ra những suy tư về vị thế và vai trò của con người nhỏ bé giữa vũ trụ bao la.
Còn rất nhiều điều đáng suy ngẫm về con người và tương lai nhân loại trong quyển sách. Nhưng có lẽ điều dễ đồng cảm nhất: đây là một nỗ lực đáng trân trọng của tác giả trong việc đưa ra những thông điệp gợi mở, hướng con người đến một hành trình tỉnh thức để tìm lại chân ngã của chính mình, góp phần đưa con người về nẻo thiện, xây dựng một cuộc sống thanh bình, thiện lương và tràn ngập yêu thương, bất kể màu da, quốc tịch và tôn giáo.