Trong suy nghĩ của tôi, dịp Tết là lúc quan trọng nhất trong năm để báo hiếu bố mẹ. Năm nào cũng vậy, vợ chồng tôi đều biếu bố mẹ hai bên ít nhất tổng cộng 10 triệu đồng để chi tiêu, mua sắm.
Hàng năm, khoảng ngày 23 Tết, vợ tôi đã đưa tiền cho ông bà hai bên. Còn tôi lo khoản đào, quất để cả nhà được ăn Tết trong không khí ấm cúng, vui vẻ nhất. Những việc làm này đã thành thông lệ nên tâm trạng của ông bà hai bên nội ngoại đều chờ đón.
Vì khoản tiền biếu Tết, vợ chồng tôi có những ngày cận Tết không mấy vui vẻ (Ảnh minh họa: IT).
Năm nay, kinh tế của vợ chồng tôi khó khăn hơn. Bao nhiêu vốn liếng đổ vào kinh doanh, không may thất bại, quả thực chưa có cách gì để vực dậy. Từ vài tháng trước Tết, tôi bắt đầu lo nghĩ đến chuyện tiền nong để tiêu Tết và biếu bố mẹ hai bên.
Lúc còn làm ăn được, tôi không phải lo lắng, vì chuyện chi 10 triệu đồng để biếu bố mẹ là bình thường. Năm nay, vợ chồng tôi túng thiếu hơn vì bao nhiêu vốn liếng đã đổ theo việc kinh doanh, chưa kể còn gánh trên vai khoản nợ.
Bố mẹ tôi thấu hiểu hoàn cảnh của hai vợ chồng nhưng tôi không muốn ông bà cảm thấy hụt hẫng, cảm giác không bằng hàng xóm láng giềng. Chuyện đổ vỡ kinh doanh không ai muốn song tôi vẫn muốn cái Tết đủ đầy cho cả bên nội và bên ngoại.
Trước khi về quê, tôi bàn với vợ chuyện biếu bố mẹ năm nay. Vợ tôi không mấy mặn mà như những năm trước. Bởi vợ tôi cho rằng, năm nay kinh tế eo hẹp hơn, có thể không biếu bố mẹ hoặc cần cân nhắc mức hợp lý. Sau này khi kinh tế khá hơn, hai đứa sẽ biếu nhiều hơn.
Tôi không đồng tình với suy nghĩ này của vợ. Tôi nghĩ rằng, cả năm nay không biếu bố mẹ được đồng nào. Nếu như ngày Tết giảm nốt khoản tiền sẽ khiến cả bên nội và ngoại buồn lòng.
Vợ tôi nhất định không muốn biếu vì phải xoay sở trả nợ cho người ta. Có lẽ vì tôi kỳ kèo nên vợ tuyên bố, chỉ cần đưa cho mỗi bên nội ngoại một triệu đồng, coi như đó là khoản góp lo mâm cỗ Tết, còn khoản sắm sửa trong nhà, các cụ phải tự lo. Khi kinh tế khá giả cho bao nhiêu cũng không cần tính toán, còn bây giờ mọi chuyện đã khác.
Cách làm của vợ tôi phù hợp với tình hình tài chính của cả nhà, nhưng tôi không thấy đúng ở cương vị một người làm con.
Tôi đề nghị vợ vay mượn anh chị em trong nhà thêm vài triệu để bằng với mức tiền biếu bố mẹ những năm trước. Vợ tôi thẳng thắn nói: "Nếu anh muốn biếu bên nội và ngoại, tự đi vay. Em mệt mỏi với nợ nần lắm rồi, không có tiền cũng đừng nên cầu kỳ. Năm nay chỉ biếu mỗi bên một triệu đồng, tổng cộng 2 triệu đồng cũng là quá sức".
Tôi về nhà ăn Tết với tâm trạng không vui vẻ sau tuyên bố của vợ. Nghĩ về số tiền biếu bố mẹ năm nay, tôi cảm thấy không hài lòng và chán nản.
Bởi tôi muốn dù con cái khó khăn đến đâu cũng không thể để bố mẹ vất vả, lo toan 3 ngày Tết. Các cụ đều đã già, thời gian sống không còn nhiều, mỗi ngày Tết được sum vầy và vui vẻ đều đáng quý.
Theo Dân trí