Phát triển nhân lực số, trang bị các kỹ năng số cho người dân khi chuyển dịch lên môi trường mạng là một trong những vấn đề được các ĐBQH quan tâm, đặt các câu hỏi cho người đứng đầu ngành TT&TT tại phiên chất vấn ngày 4/11 vừa qua.
Thông tin tới các đại biểu Quốc hội về công tác đào tạo nguồn nhân lực số, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, nên có một cách nhìn nhận mới là ngoài chuyện đào tạo đại học, cao đẳng thì mỗi một người Việt Nam đều cần có kỹ năng về chuyển đổi số.
Với quan điểm đó, một trong những giải pháp mang tính căn bản đột phá mà Bộ TT&TT đang thực hiện là xây dựng nền tảng đào tạo trực tuyến số lượng lớn hướng tới các đối tượng người học khác nhau. Tên của nền tảng học trực tuyến mở đại trà này là OneTouch. Nền tảng OneTouch đã được đưa vào vận hành 6 tháng và đến nay đã có 10 triệu người Việt Nam lên nền tảng này học tập.
Trong nền tảng OneTouch hiện cũng có một phần dành riêng cho cán bộ, công chức tự học, tự đánh giá và được cấp các chứng chỉ. “Tôi nghĩ một giải pháp nữa cũng mang tính đột phá là các nền tảng đào tạo số trực tuyến online giúp tất cả người dân tự học, tự thi, hệ thống tự đánh giá để tất cả đều có kỹ năng về chuyển đổi số, chứ không chỉ dựa vào nguồn nhân lực chuyển đổi số”, người đứng đầu ngành TT&TT nêu quan điểm.
Theo số liệu của Cục Chuyển đổi số quốc gia, trong năm 2022 Bộ TT&TT đã tổ chức bồi dưỡng về chuyển đổi số cho 117.158 lượt cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ngành, địa phương. Trong đó 42.646 lượt cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà OneTouch.
Trao đổi tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương nêu ý tưởng mỗi người dân Việt Nam cần có một tài khoản số để học tập suốt đời trên nền tảng học liệu mở và miễn phí. Đồng thời, cần có chính sách khuyến khích học tập liên tục nhằm nâng cao kiến thức về mọi mặt cho người dân, nhất là thanh thiếu niên. Qua đó, giúp mọi người có cơ hội học tập, hội nhập mạnh mẽ với thế giới cũng như rút ngắn khoảng cách cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi có cơ hội hội nhập với các địa phương phát triển trong nước một cách tích cực.
Đánh giá ý tưởng mỗi người dân có 1 tài khoản đào tạo miễn phí cả đời của đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân là ý tưởng hay, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Một số quốc gia đã tiếp cận cách này, tức là chính quyền, Nhà nước bỏ tiền ra xây dựng một nền tảng đào tạo trực tuyến cả đời, thông tin được cập nhật và người dân học cả đời. Tôi nghĩ đây là ý tưởng rất hay, rất đáng suy ngẫm và là một cách tiếp cận mới về học cả đời”.
Hiện nay, một số bộ, ngành, tổ chức đã xây dựng nền tảng số dùng chung trong ngành, lĩnh vực mình. Ví dụ, Bộ TT&TT đã xây dựng một nền tảng đào tạo trực tuyến cho tất cả người dân, cho cán bộ, công chức nhưng chỉ tập trung vào trang bị các kỹ năng số cơ bản.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin, Bộ TT&TT sẽ nghiên cứu ý tưởng được đại biểu đề xuất và sớm có đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng một nền tảng đào tạo trực tuyến phục vụ cho công việc học cả đời của người dân Việt Nam.
Người đứng đầu ngành TT&TT cho rằng, nền tảng đào tạo trực tuyến phục vụ cho công việc học cả đời của người dân Việt Nam sẽ đặc biệt hiệu quả với bà con ở những vùng dân tộc thiểu số, miền núi được tiếp cận tương đương như người dân ở thành phố.
Vân Anh