Hôn nhân giữa các cặp vợ chồng có thể hạnh phúc hay không phụ thuộc vào 3 khía cạnh: thứ nhất là tình cảm giữa họ có đủ tốt hay không; thứ hai là mẹ chồng có đủ cởi mở hay không; thứ ba là mẹ vợ có hoàn toàn buông bỏ việc can thiệp vào đời sống của con cái hay không. Thiếu một trong 3 thì cuộc hôn nhân đó khó có thể hạnh phúc, bền vững.
Trên thực tế, không phải lúc nào tiền bạc cũng sẽ hoàn toàn quyết định được hạnh phúc. Đó là lý do tại sao người giàu vẫn ly dị, một số người tiền tiêu không hết nhưng luôn cảm thấy cô đơn, không nơi nương tựa. Lại có những gia đình kinh tế không dư dả, cũng sẽ không ảnh hưởng đến chỉ số hạnh phúc của họ. Bởi vây, nếu cuộc sống mà quá coi trọng tiền bạc, tình cảm sẽ trở nên không còn trọng lượng và nhạt nhẽo, tiền chất đống trong nhà cũng giống như giấy bản, hoàn toàn không biết hương vị thực sự của hạnh phúc là gì.
Quân có một người mẹ vợ coi tiền như sinh mạng. Anh luôn cảm thấy mẹ vợ dù tiền bạc dư dả nhưng có vẻ bà chưa bao giờ hạnh phúc, trong đầu ngoại trừ nghĩ đến tiền thì mọi thứ còn lại đều trống rỗng.
Mẹ vợ tham tiền
Khi Quân lần đầu tiên gặp mẹ vợ, anh đã mua rất nhiều quà tặng và chi tiêu hết một tháng lương của mình. Quân làm như vậy, tất nhiên là vì muốn gây ấn tượng tốt với mẹ vợ. Nhưng mẹ vợ lại nói: “Con trai, dì cảm thấy con chưa biết mua đồ lắm. Bây giờ đã là mùa thu rồi, con mua đồ ngủ lụa cho dì phỏng ích gì? Nhà dì không có ai uống rượu, con mua rượu thì ai uống? Như vậy có phải là rất lãng phí không? Lần sau cứ đưa dì tiền có lẽ lại thực tế hơn. Dì cũng thích hơn đấy”.
Quân không nghĩ tới mẹ vợ lại nói những lời thẳng thắn như vậy. Trong lòng tự nhủ thôi thì thế cũng tốt, sau này không phải “lao tâm khổ tứ” suy nghĩ nên tặng mẹ vợ quà gì. Xem ra đối với bà thì thiết thực là trên hết, cứ biếu phong bì là ổn, mẹ vợ hài lòng, vợ vui vẻ, bản thân cũng bớt lo.
Nếu mẹ vợ yêu tiền như vậy, Quân dự tính tiền cưới hỏi bên đó cũng sẽ đòi không ít. Bình thường tiền giá cô dâu ở địa phương chỉ khoảng vài triệu đến vài chục triệu, nhưng mẹ vợ Quân thì đòi hẳn 200 triệu mới chịu gả con, sau đó giảm xuống còn 160 triệu. Nếu Quân không thực sự yêu bạn gái, có lẽ anh đã bỏ của chạy lấy người rồi!
Điều khiến Quân không ngờ tới là chuyện mẹ vợ tham lam mới chỉ mới là khởi đầu mà thôi.
Cuộc sống hôn nhân của vợ chồng son nói chung khá êm đẹp, nhưng mẹ vợ lại là vị khách không ngờ mà tới. Bà yêu cầu Quân mỗi tháng phải cho bà 3 triệu tiền sinh hoạt. Quân nói với vợ: “Vợ này, mẹ cũng có lương hưu, sao còn muốn anh cho mẹ chi phí sinh hoạt nhỉ? Hơn nữa, tiền quà đám cưới, anh đã đưa mẹ 160 triệu, mẹ chỉ cho em 60 triệu làm hồi môn, nghĩa là bà còn giữ 100 triệu nữa. Sao còn tìm anh đòi tiền?”
Vợ Quân khó xử, đáp: “Dù sao bà cũng là mẹ ruột của em. Anh bảo em phải nói với bà thế nào? Mẹ em biết lương tháng của anh là 15 triệu, nên bà nghĩ 3 triệu cũng chỉ là một số nhỏ, có thể chấp nhận. Mà em cũng có lương, cuộc sống vợ chồng mình coi như đủ. Nên thôi, anh cứ đưa cho mẹ vui lòng, được không?”
Quân nghĩ hai người đã kết hôn, chắc vợ cũng đã suy nghĩ cho mình nên mới nói vậy. Mà mới kết hôn đã cãi nhau với mẹ vợ thì cũng không ra gì, vì vậy anh đồng ý với yêu cầu của mẹ vợ. Mỗi tháng sau khi nhận lương, Quân lại cố định chuyển cho mẹ vợ 3 triệu. Cho tới nay, quan hệ con rể mẹ vợ nói chung là tạm ổn.
Chỉ có điều, trong lòng Quân vẫn thấy nôn nao, vì ngoại trừ khoản tiền 3 triệu/tháng chuyển khoản cố định, các khoản khác như Lễ Tết, ngày của mẹ, ngày sinh nhật mẹ vợ.,, đều bị tính riêng.
Sau khi con trai Quân ra đời thì chi phí trong nhà ngày càng lớn. Anh từng bảo vợ thử thương lượng với mẹ vợ miễn khoản 3 triệu/tháng kia được không nhưng vợ anh luôn nói: “Không được. Nhiều năm như vậy vẫn chỉ 3 triệu, mẹ em chưa tăng giá là còn giữ mặt mũi cho anh rồi đấy!” Quân không nói gì nữa. Đôi khi anh nghĩ, rốt cuộc quyết định cưới vợ của mình là đúng hay sai?
Chấm dứt cuộc hôn nhân kéo dài 10 năm
Trong nhà không còn dư dả như trước, vợ bực bội cũng nhiều hơn: "Chồng, anh nhìn đàn ông nhà người ta, kiếm được nhiều tiền như vậy, đổi nhà đổi xe. Anh nhìn lại mình xem…" Quân cũng rất tủi thân, anh và vợ kết hôn được 10 năm, tiền anh đưa cho mẹ là hơn 300 triệu. Nếu số tiền này được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày của hai vợ chồng, họ cũng có thể đổi lấy một chiếc xe tốt hơn.
Quân không muốn đưa tiền cho mẹ vợ nữa, nhưng vợ lại không đồng ý: "Như vậy là sao? Mỗi tháng cho mẹ tôi một ít tiền, anh cũng tiếc? Trước kết hôn sao anh không nói? Sớm biết anh vô dụng như vậy, lúc trước anh nói gì, tôi cũng sẽ không gả cho anh”. 10 năm kết hôn, Quân cảm thấy mệt mỏi cả về thể xác lẫn tinh thần. Trong mắt mẹ vợ, anh không phải là một người con rể tốt; trong mắt vợ, anh không phải là một người chồng tốt; ngay cả trong mắt con trai, anh cũng không phải người cha tốt.
Cả đời này, Quân sống vất vả và không dễ dàng như vậy, rốt cuộc là vì cái gì?
Nếu không phải vì con, Quân có lẽ đã ly hôn từ lâu rồi. Mấy năm nay, sự nghiệp của anh không thuận lợi lắm, trong khi vợ thì phát triển không tệ. Vấn đề là cô kiếm được bao nhiêu tiền, anh gần như không nắm được.
Quân không hiểu, bọn họ là vợ chồng, chẳng lẽ vợ một tháng kiếm được bao nhiêu tiền cũng phải giữ bí mật sao?
Sau Tết nguyên đán, Quân ghét nhất là ngày mùng 2, bởi đó là ngày anh đưa vợ con về nhà mẹ vợ chúc Tết. Vợ Quân rất vui vẻ trong khi anh thì mặt mày ủ rũ, nghĩ không biết mẹ vợ có lại đưa ra yêu cầu phi lý nào về tiền bạc nữa không. Quả nhiên, bà nấu một bữa cơm thịnh soạn, không bao giờ là miễn phí!
Mẹ vợ nói với Quân: "Con rể, mấy năm nay con vất vả rồi. Chắc con không biết, gặp ai mẹ cũng khoe con gái mẹ kết hôn được với một người đàn ông tốt, không chỉ đối tốt với con gái mẹ, mà đối với bà già như mẹ cũng tốt” Quân biết mẹ vợ nhất định lại muốn tiền, nếu không sẽ không dễ dàng khen ngợi anh như vậy.
Quân đáp: “Mẹ, đó là những việc con nên làm”. Mẹ vợ lại nói: “Mẹ lần này là muốn vay con 50 triệu. Gần đây mẹ đang đầu cơ cổ phiếu, số tiền lúc đám cưới hai đứa mẹ đã đem đầu tư hết, cũng bị thâm hụt không ít. Nhưng mẹ nhất định không để bị mất trắng như vậy, chỉ cần mẹ có gắng hơn nữa, nhất định có thể lấy lại toàn bộ số tiền đã mất”. Quân không hiểu nhiều về việc đầu cơ cổ phiến, anh chỉ biết mình thực sự không có tiền cho mẹ chồng vay!
Quân nghĩ thầm, bữa cơm đoàn viên này của mẹ vợ thật đắt, tới 50 triệu! Đến lúc này thì anh không thể chịu đựng được nữa. Anh biết vợ mãi sẽ không đứng về phía mình, vì vậy quyết định chấm dứt hoàn toàn cuộc hôn nhân 10 năm. Quân thật sự chịu đủ, cuộc hôn nhân mà mẹ vợ "hút máu" mình, vợ thì không hiểu chuyện, cảm thấy chỉ có ly hôn mới có thể chấm dứt cuộc sống bất hạnh này.
Quân ngay từ đầu đã biết mẹ vợ tham tiền, nhưng bởi vì tình yêu, anh đã chọn hôn nhân mà không nghĩ tới, lòng tham của mẹ vợ quá lớn! Anh cũng không biết trái tim vợ vẫn hướng về mẹ vợ, chưa từng nghĩ tới mình. Quân vốn cho rằng hôn nhân chỉ là chuyện của hai người, kết hôn liền mọi thứ đều suôn sẻ, vui vẻ. Trên thực tế, anh lại cần phải giao tiếp với mẹ vợ cả đời.
Nếu không phải là một bữa cơm đoàn viên trị giá 50 triệu làm ngòi nổ, có lẽ Quân vẫn chưa đủ can đảm để kết thúc cuộc hôn nhân 10 năm của mình. Có lẽ, duyên phận của anh và vợ đã cạn kiệt; có lẽ, cuối cùng anh cũng hiểu rằng khả năng và kinh tế của anh không thể đáp ứng nhu cầu của mẹ vợ. Đã như vậy thì đau dài không bằng đau ngắn, mau chóng kết thúc cuộc hôn nhân, dù cho anh đã đau đớn trong suốt 10 năm qua!
Theo V.A - Vietnamnet