Ngồi trước mâm đồ ăn lớn, một TikToker Việt Nam có 1,5 triệu follow bắt đầu clip mukbang của mình. Từ mâm gỏi thịt bò, bạch tuộc sống cho đến 10 bộ óc heo, 20 quả trứng sống, tất cả đều được cô gái tự xưng là "Bé tóc vàng" này ăn trong vòng 5-10 phút.
Khán giả có thể nghe rõ tiếng bốc, nhai, xì xụp và thậm chí cả tiếng nuốt thức ăn của TikToker. Ở phần ghi chú, người này sẽ đính các khuyến cáo như "Lưu ý không ăn quá nhiều dễ bị đầy bụng", hoặc "Không nên bắt chước". Các clip này hiện đều thu hút hàng triệu lượt xem trên nền tảng.
Mukbang là trào lưu phát sóng cảnh tiêu thụ lượng thức ăn lớn bắt nguồn tại Hàn Quốc. Trong một vài năm trở lại đây, thể loại này bị lên án và tẩy chay vì lãng phí thực phẩm, thúc đẩy chế độ ăn không lành mạnh.
Tại Việt Nam, nhiều mukbanger đã sớm bắt kịp các xu hướng làm video ăn thực phẩm kỳ lạ hoặc số lượng lớn để thu hút người xem. Một số chọn các món ăn độc lạ, kén khẩu vị như đuông dừa, thịt sống, số khác chọn ăn món có vị mạnh như cay, chua, đắng, đánh vào tâm lý hiếu kỳ của người xem.
Không ít người làm video, chủ yếu trên nền tảng TikTok, còn thực hiện các thử thách theo yêu cầu của khán giả. Một TikToker từng ăn nội tạng sống, vỏ sầu riêng hay thậm chí giun đất để câu view.
Nhiều video trong số này được lấy cảm hứng từ nhiều mukbanger gây chú ý tại các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ.
Từ mâm gỏi thịt bò, bạch tuộc sống cho đến 10 bộ óc heo, 20 quả trứng sống, tất cả đều được cô gái này ăn trong vòng 5-10 phút. |
Ngày càng kỳ quái
Dù thoái trào ở chính quê hương Hàn Quốc, hay thậm chí bị cấm ở Trung Quốc, clip mukbang vẫn rất phổ biến, gây sốt ở các quốc gia khác.
Để câu kéo người xem, trào lưu này liên tục biến tướng, không chỉ dừng lại ở việc tiêu thụ lượng lớn thức ăn theo kiểu "ăn thùng uống vại", mà còn ngày càng kỳ quái với các clip ăn thực phẩm hết hạn, đồ sống và cả những thứ gây hại.
TikToker có tài khoản Waffler69, nổi tiếng với hàng loạt video ăn thử những món ăn kỳ lạ và cực đoan nhất mà anh có thể tìm thấy, được phát hiện qua đời đột ngột ở tuổi 33, SCMP đưa tin.
Waffler có 1,8 triệu người theo dõi trên kênh TikTok, thu hút người hâm mộ bằng cách chia sẻ về những món ăn độc lạ, kể cả thực phẩm hết hạn sử dụng.
Một số clip phổ biến nhất của Waffler bao gồm clip anh ăn bánh mì kẹp thịt pho mát đóng hộp, thịt tuần lộc, thức ăn trẻ em và các sản phẩm đã hết hạn sử dụng từ lâu như giăm bông đóng hộp từ những năm 1960.
Vlogger Thái Lan Chaowalit Pradang từng gây sốc với video ăn ếch luộc. Ảnh cắt từ clip. |
Ở Trung Quốc, khi các clip mukbang kiểu "ăn thùng uống vại" trở nên bão hòa, ăn đồ lạ, từ côn trùng còn sống cho đến động vật bị cấm ăn thịt, đã trở thành một chiêu trò câu view phổ biến của giới TikToker, vlogger trong những năm gần đây.
Tháng 9/2022, Wang Can, người có hơn 560.000 follower trên nền tảng chia sẻ video Douyin (phiên bản tại Trung Quốc của TikTok), đã bị nền tảng cấm cửa sau khi đăng clip ăn ong bắp cày còn sống.
Wang bị sưng môi đến biến dạng khuôn mặt sau khi quay clip, nhưng tuyên bố rằng hành động dại dột này đã giúp mình có thêm 100.000 khán giả. Chú thích đoạn video cảnh báo: "Nguy hiểm, đừng bắt chước", nhưng cũng được Wang nhấn mạnh là một thử thách "can đảm", "không sợ hãi". Tài khoản của Wang đã bị Douyin khóa ngay trước khi người dùng chuẩn bị tung clip mới.
Cuối tháng 7/2022, vlogger ẩm thực Tizi đã bị cấm trên tất cả mạng xã hội lớn sau khi phát trực tiếp việc nấu và ăn thịt cá mập trắng, loài động vật quý hiếm, được bảo vệ ở Trung Quốc.
Tizi bị cảnh sát ở Nam Sung (tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc) bắt giữ ngay sau đó. Đến tháng 1, cô phải nộp phạt 18.500 USD vì vi phạm luật bảo vệ động vật hoang dã ở đất nước tỷ dân.
Một người nổi tiếng trực tuyến khác có tên Yu Ran Zhen Ru đã thu hút hơn 5 triệu lượt thích sau khi đăng clip ăn nhiều loại thực vật chưa nấu chín, bao gồm cả đậu thận. Một số loại nếu được ăn sống hoặc nấu chưa chín có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm.
Tizi phải đóng phạt số tiền tương đương 18.500 USD sau khi chia sẻ đoạn clip ăn thịt cá mập trắng trên mạng. |
"Cuộc đua"
Các chuyên gia y tế cảnh báo về sự gia tăng đáng báo động của các "cuộc đua thực phẩm trực tuyến", trong đó những người sáng tạo thường ăn một lượng lớn thực phẩm kỳ lạ và có hại để thu hút người xem.
Tiến sĩ Gabriela Rodríguez Ruiz, bác sĩ điều trị béo phì, nói với Express rằng sự trở lại đầy nguy hại của mukbang và các chương trình ăn uống trực tuyến khác "gây ra một số rủi ro sức khỏe nghiêm trọng" và có thể là vấn đề lớn đối với việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
"Việc ăn một lượng lớn thức ăn trước máy quay có thể khuyến khích người xem làm theo, dẫn đến việc tiêu thụ quá mức và chế độ ăn uống không lành mạnh", bác sĩ giải thích.
Điều này có thể góp phần làm tăng nguy cơ béo phì, bệnh tim và tiểu đường. Xu hướng này cũng có thể thúc đẩy thói quen ăn uống không lành mạnh, đặc biệt với những khán giả trẻ tuổi hoặc dễ bị ảnh hưởng.
Đồng tình với nhận định của bà Ruiz, cố vấn sức khỏe, bác sĩ Rosmy Barrios thuộc Health Reporter nói: "Mối quan tâm đầu tiên là mọi người đang bình thường hóa việc ăn uống vô độ, điều mà không có chuyên gia chăm sóc sức khỏe nào ủng hộ. Thêm vào đó, các bác sĩ thậm chí còn gặp nhiều khó khăn hơn trong việc giáo dục mọi người vì nhiều bệnh nhân không coi trọng lời khuyên của chúng tôi".
Tháng 10/2022, bác sĩ Barrios tiếp nhận một bệnh nhân tuổi teen bị rối loạn ăn uống. Sau khi tìm hiểu, bà nhận ra rằng cô gái thường xuyên chia sẻ các clip mukbang.
"Internet có thể ảnh hưởng sâu sắc đến mức nào đối với mọi người. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với các bác sĩ. Thông tin sai lệch đang gia tăng, nó thực sự gây khó khăn".
Các chuyên gia cũng cảnh báo mukbang có thể kích hoạt kiểu ăn uống không điều độ và tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần.
“Có nhiều người xem nói với tôi rằng việc theo dõi các video mukbang kích thích xu hướng ăn uống không điều độ của họ như thế nào. Những video này dường như tôn vinh rất nhiều xu hướng ăn uống có hại. Theo thời gian, những kiểu ăn uống cực đoan này trở nên bình thường hóa và có thể truyền cảm hứng cho người xem chúng bắt đầu ăn uống vô độ”, chuyên gia dinh dưỡng Abbey Sharp nói với Vice.
Perry tăng hơn 100 kg khi làm video ăn uống. Ảnh: Nicholas Perry. |
Nghiên cứu có tên “Internet mukbang (foodcasting) in South Korea” (tạm dịch: Phát sóng ăn uống trên mạng ở Hàn Quốc) của tác giả Hong Seok Kyeong và Park So Jeong cũng chỉ ra các video mukbang khuyến khích cách cư xử xấu trên bàn ăn như húp, liếm, ăn đầy ắp miệng và thể hiện sự háu ăn.
Chính những người tạo ra video mukbang cũng bị ảnh hưởng sức khỏe. Bên cạnh những tác động ngắn hạn như đầy hơi, đau dạ dày, cơ thể khó chịu, mệt mỏi, khi mukbanger ăn uống vô độ các thực phẩm không lành mạnh và nhiều calo trong thời gian dài có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn, đe dọa tính mạng.
Thông qua lượng calo nạp vào khổng lồ, mukbanger dễ bị tăng cân, chỉ số đường huyết cao và nhiều vấn đề về tim.
Sau 6 năm làm clip ăn thùng uống vại, Nicholas Perry (sinh năm 1992) tăng hơn 100 kg, cán mốc 166 kg. Tình trạng rối loạn ăn uống, ăn uống thiếu kiểm soát, không lành mạnh khiến Perry bị béo phì, huyết áp cao, tiểu đường.