Tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế và quốc phòng với Mỹ - đồng minh quan trọng nhất, là mục tiêu trọng tâm chuyến thăm cấp nhà nước 7 ngày (từ ngày 8/4) của Thủ tướng Fumio Kishida tới Washington lần này.
Tuyên bố của Nhà Trắng cho biết chuyến thăm sẽ nêu bật sức mạnh bền bỉ của mối quan hệ đối tác liên minh, cam kết không lay chuyển của Mỹ với Nhật Bản và vai trò tiên phong ngày càng tăng của Nhật Bản trên trường quốc tế, cũng như những nỗ lực nhằm củng cố mối quan hệ chính trị, an ninh, kinh tế và giao lưu nhân dân.
An ninh, quốc phòng và thương mại sẽ là chương trình nghị sự bao trùm, trong đó hợp tác an ninh quốc phòng sẽ chiếm vị trí đáng kể. Tái cơ cấu và mở rộng chức năng của Bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại Nhật Bản là một trong những chủ đề hàng đầu trong hợp tác quốc phòng. Đây được đánh giá sẽ là nỗ lực nâng cấp lớn nhất liên minh an ninh Mỹ-Nhật trong nhiều thập niên qua.
James Schoff, chuyên gia Quỹ Hòa bình Sasakawa, nhận định điều này sẽ mở ra cho hai bên “hướng đi cần thiết để thúc đẩy những điều chỉnh kịp thời hướng tới thành lập một bộ chỉ huy tác chiến chung mới vào tháng 3 năm sau."
Theo ông, mặc dù việc tái cơ cấu sẽ không tạo ra một mệnh lệnh kết hợp - như giữa Mỹ và Hàn Quốc, nhưng sẽ cho phép chia sẻ thông tin liền mạch hơn và ra quyết định hợp tác, qua đó tăng hiệu quả các chuỗi chỉ huy hiện có.
Sau khi Nhật Bản nới lỏng quy định xuất khẩu thiết bị quốc phòng, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Kishida dự kiến sẽ tiến thêm một bước nữa trong lĩnh vực này bằng việc thảo luận về thành lập một hội đồng quốc phòng chung nhằm nghiên cứu các mặt hàng xuất khẩu tiếp theo.
Kể từ khi nhậm chức năm 2021, Thủ tướng Kishida đã thực hiện thay đổi sâu rộng trong lĩnh vực phòng thủ của Tokyo, tăng chi tiêu quốc phòng lên khoảng 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2027 và củng cố năng lực phản công.
Ông đã định vị Nhật Bản là đối tác của Mỹ không chỉ ở châu Á mà còn trên phạm vi toàn cầu, cho rằng việc xây dựng khả năng răn đe và phản ứng của Nhật Bản cũng là điều “thiết yếu” đối với Mỹ.
Ở chiều ngược lại, quan hệ đối tác với Nhật Bản từ lâu đã là trọng tâm trong chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và mối quan hệ quốc phòng này đã được mở rộng hơn nữa dưới thời Thủ tướng Kishida.
Chuyên gia Mireya Solís, tác giả cuốn sách “Sự lãnh đạo thầm lặng của Nhật Bản: Định hình lại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương," nhận định “Mỹ đang cạn kiệt nguồn lực và vốn ngoại giao” và “Washington có mong muốn đảm bảo xây dựng được một liên minh phù hợp với mục đích” nếu xảy ra xung đột ở châu Á.
Chính vì vậy, hợp tác tiềm năng của Nhật Bản với Mỹ, Australia và Anh trong khuôn khổ quan hệ đối tác an ninh AUKUS cũng là một chủ đề được thảo luận lần này.
Các nguồn thạo tin cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ đề cập đến các cách thức tăng cường sản xuất chung thiết bị quốc phòng và thúc đẩy các biện pháp phát triển năng lực quân sự tiên tiến trong bối cảnh có nhiều quan ngại năng lực công nghiệp quốc phòng của Mỹ đang bị kéo căng.
Một điểm đáng chú ý nữa trong chương trình nghị sự quốc phòng-an ninh là hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nhật Bản với Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. vào ngày 11/4 tới. Cả Washington và Tokyo đều đang tìm cách tăng cường quan hệ quốc phòng và kinh tế với Manila.
Giới chuyên gia dự đoán cuộc họp thượng đỉnh ba bên đầu tiên này sẽ mở đường cho các cuộc tuần tra hải quân chung ba bên ở Biển Đông vào cuối năm nay.
Song song với hợp tác quốc phòng, Thủ tướng Nhật Bản chắc chắn sẽ đề cập vấn đề thương mại, mà một trong những trở ngại là những chỉ trích tại Mỹ liên quan đến thỏa thuận Nippon Steel mua US Steel với giá 14,1 tỷ USD. US Steel từng là công ty quyền lực nhất thế giới và là biểu tượng cho vị thế cường quốc công nghiệp của Mỹ. Vì vậy, chính phủ liên bang phải xem xét các tác động kinh tế và chính trị của thỏa thuận này.
Phó Chủ tịch Viện Chính sách xã hội châu Á và cựu Đại diện Thương mại Mỹ tại châu Á Wendy Cutler cho rằng thỏa thuận này, nếu không được thông qua, có thể làm phức tạp thêm mối quan hệ kinh doanh giữa hai nước.
Các nguồn thạo tin cho biết Thủ tướng Kishida sẽ thăm một nhà máy của Toyota Motor Corp. đang được xây dựng ở North Carolina. Chuyến thăm được cho là lời nhắc nhở gửi tới nước Mỹ về sự đóng góp của các công ty Nhật Bản đối với nền kinh tế số 1 thế giới.
Thủ tướng Kishida nhấn mạnh: “Điều quan trọng là phải chứng tỏ rằng Nhật Bản là quốc gia đầu tư lớn nhất thế giới vào Mỹ. Các công ty Nhật Bản đang hỗ trợ việc làm ở Mỹ và tiềm năng đầu tư thêm vào Mỹ trong những năm tới là rất lớn."
Hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ xác nhận sự hợp tác trong nhiều lĩnh vực bao gồm an ninh, không gian, chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ khoa học lượng tử, mạng di động thế hệ thứ năm, cũng như sẽ đồng ý thiết lập một “đối thoại chính sách” cấp bộ trưởng để thúc đẩy sản xuất điện gió nổi ngoài khơi.
Chuyên gia James Schoff nhận định: “Mối quan hệ Mỹ-NhậBản đang ở mức cao nhất mọi thời đại." Theo ông, chiều rộng và chiều sâu của hợp tác song phương tiếp tục mở rộng.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận thực tế chuyến thăm diễn ra vào thời điểm đầy thách thức đối với cả hai nhà lãnh đạo. Thủ tướng Nhật Bản đang phải vật lộn với tỷ lệ tín nhiệm ảm đạm do vụ bê bối gây quỹ của đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền và giá cả trong nước tăng mạnh.
Tổng thống Biden gần như chắc chắn đối mặt với cuộc tái đầu căng thẳng vào tháng 11, làm tăng khả năng xảy ra một sự thay đổi chính sách nếu cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm tới.
Giới chuyên gia đánh giá với quan điểm mang tính giao dịch của ông Trump đối với các liên minh quốc tế, các quan chức Nhật Bản cần phải chuẩn bị cho những thay đổi có thể xảy ra trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Vì vậy, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Viện nghiên cứu Chính sách Quốc gia ở Tokyo, Narushige Michishita, cho rằng mục tiêu chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản đến Mỹ còn là giảm thiểu những rủi ro tiềm ẩn trong trường hợp cựu Tổng thống Trump trở lại Nhà Trắng.
Thủ tướng Kishida có kế hoạch sử dụng chuyến thăm cấp nhà nước của mình như một nền tảng để khẳng định chiều sâu của quan hệ Nhật Bản-Mỹ, đồng thời duy trì động lực của liên minh. Tuy nhiên, trong bối cảnh cả hai nhà lãnh đạo đều phải đối mặt với những thách thức, chưa rõ động lực này có thể duy trì được trong bao lâu./.