Hơn 2 năm trước, anh Phạm Văn Duy (30 tuổi) đầu tư một trại nuôi cua biển trong những hộp nhựa ngay giữa thành phố Ninh Bình khiến nhiều người bất ngờ. Đang làm công chức nhà nước với công việc ổn định, Duy bất ngờ đầu tư tiền vào "nghề tay trái" hoàn toàn xa lạ khiến người thân lo lắng.
Phạm Văn Duy chia sẻ, bản thân rất thích ăn cua biển, vì thế mà thường xuyên mua về. Cũng từ đây, thấy giá trị cao của loại chàng trai 30 tuổi này mày mò, tìm tòi các cách nuôi cua hiện có ở Việt Nam. Biết được mô hình nuôi cua trong hộp nhựa kiểu "chung cư mi ni", anh rất tò mò.
Sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng, Duy quyết định mua 50 hộp nhựa và đầu tư hệ thống bể, bơm nước, lọc nước về nuôi thử nghiệm. Không ngờ bén duyên được với nghề, thấy có tương lai phát triển, anh đã mạnh dạn đầu tư số tiền 300 triệu đồng mua gần 600 hộp nhựa, làm hệ thống lọc thải chuyên nghiệp, chính thức bước vào con đường kinh doanh.
"Gọi là "chung cư mi ni" bởi mỗi con cua được nuôi riêng trong một hộp nhựa, xếp thành nhiều gian, tầng chồng lên nhau, đánh số thứ tự. Việc này tiết kiệm được diện tích, thu hẹp bể nuôi, dễ quản lý, tránh tình trạng nhiễm bệnh chéo, đỡ hao hụt vì ngăn được việc cua ăn thịt lẫn nhau" - anh Duy nói.
Toàn bộ hệ thống nước nuôi cua trong "chung cư mi ni" được anh Duy tự động hóa bằng máy bơm nước thông qua bảng điều khiển. Ban đầu, nước biển được Duy đặt mua về, sau đó, anh tự pha chế.
"Quá trình nuôi, nước biển được lọc và xử lý theo hệ thống tuần hoàn nên cũng không tốn kém chi phí là mấy" - anh Duy tiết lộ.
Hiện nay, trang trại của anh Duy đang nuôi hai loại cua là cua cốm và cua tứ đạn. Cua cốm (cua 2 da) là loại cua biển sắp đến ngày lột xác (lột vỏ) để lớn lên. Loại này cho giá trị cao hơn gấp nhiều lần cua thường.
Ông chủ trang trại nuôi cua bật mí, mỗi ngày cua ăn 2 bữa. Cua là loài có tập tính hoạt động về đêm nên bữa tối là bữa ăn chính của chúng.
Vừa giới thiệu tham quan "chung cư mi ni" nuôi cua của mình, chàng trai 9X vừa giảng giải, thịt cua không phải là cấu trúc cơ nên chúng dù vận động nhiều hay ít thì độ săn chắc cũng không bị ảnh hưởng.
Vì thế, nuôi cua trong hộp nhựa không ảnh hưởng đến chất lượng thịt. Cua ngon hay không chính là dựa vào thành phần dinh dưỡng trong thức ăn cũng như chất lượng môi trường sống.
Quá trình nuôi cua trong hệ thống "chung cư mi ni", cua sống trong môi trường nhiệt lý tưởng (28 độ C), được ăn các loại thức ăn tươi (như ngao, tôm, ốc, hến cắt nhỏ...) và sau khoảng từ 20 - 40 ngày, cua bắt đầu cho thu hoạch. Thịt cua chắc, đạt trọng lượng khoảng 4 con/kg (đối với cua thịt).
Các loại thức ăn dành cho cua được anh Duy chọn mua từ nơi có nguồn gốc đảm bảo chất lượng. Điều này sẽ giúp cua có đủ dinh dưỡng, lớn nhanh hơn.
"Nuôi cua biển trong hộp nhựa khác so với nuôi cua ngoài đầm ở chỗ, khi cho cua ăn, ở đầm là cho ăn đại trà, tiết kiệm thời gian nhưng lãng phí vì lượng thức ăn dư thừa. Nuôi cua trong hộp nhựa sẽ phải thả thức ăn vào từng hộp cho cua ăn với lượng vừa đủ cho từng con" - anh Duy nói.
Trước khi xuất cua ra bán, anh Duy kiểm tra kỹ chất lượng cua bằng cách soi đèn vào thân cua. Nếu thấy lượng thịt chưa đảm bảo, cua sẽ tiếp tục được chăm sóc, tẩm bổ thêm cho đến khi đạt yêu cầu mới xuất ra thị trường. Chất lượng thịt cua khi nuôi trong hộp cũng đảm bảo về độ tươi, độ sạch do kiểm soát tốt nguồn nước và thức ăn.
Chàng trai đất Cố đô Hoa Lư mong muốn, thời gian tới, mô hình nuôi cua biển trong hộp nhựa bằng hệ thống tuần hoàn của mình sẽ phát triển hơn, mở rộng hơn nữa để đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ, để người dân được sử dụng sản phẩm xứng đáng với đồng tiền bỏ ra.