Mức án nào dành cho “giang hồ mạng” Phú Lê?

12/08/2020 10:06

Với cáo buộc gây thương tích cho người khác, 'giang hồ mạng' Lê Văn Phú (SN 1980, còn gọi là Phú Lê) và đồng bọn đã bị khởi tố, bắt tạm giam.

Ngày 11/8, Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an TP Hà Nội) đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối với Lê Văn Phú (SN 1980, quê quán Yên Bái, thường được biết dưới tên gọi Phú Lê ) và Hoàng Văn Thuỵ (SN 1995, ở phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội) để điều tra về hành vi "Cố ý gây thương tích".

Phú Lê được xác định là người chủ mưu, cầm đầu trong việc chỉ đạo đàn em gây ra vụ hành hung.

Ngoài hai đối tượng trên, cơ quan chức năng cũng đang tập trung xác minh, triệu tập nhiều đàn em của Phú Lê biết hoặc tham gia kế hoạch hành hung mẹ con chị Trần Thị Đào (hay còn gọi Đào Chile, 30 tuổi, quê xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội).

Theo cáo buộc, ngày 3/8, một nhóm người lạ đến nhà chị Đào tại huyện Đan Phượng (Hà Nội). Khi vào nhà, thấy dì chị Đào là bà Nguyễn Thị Bé (67 tuổi) đi ra, nhóm đối tượng này đã hành hung nạn nhân bằng tuýp sắt.

Cùng thời điểm, bà Nguyễn Thị Nga (69 tuổi, chị gái bà Bé) chạy đến thì có người hỏi: "Có phải mẹ con Đào không?".

Khi bà Nga xác nhận là đúng thì cũng bị nhóm đối tượng vụt liên tiếp bằng tuýp sắt. Trước khi ra về, các đối tượng còn đe doạ: "Nói với con Đào không được lôi tên chị tao ra, không chết mẹ chúng mày đấy". Bà Nga và bà Bé sau đó được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.

Theo chị Đào, sau một thời gian quen biết, hợp tác làm ăn, chị tách ra làm riêng thì bị vợ Phú Lê nói xấu, gây ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống. Ngày 18/7, chị Đào đã phát trực tiếp trên trang Facebook cá nhân nói ra những suy nghĩ, thắc mắc của mình tại sao lại bị đối xử như vậy.

Đây được cho là nguyên nhân dẫn đến việc Phú Lê sai đàn em tìm gặp chị Đào. Tuy nhiên, do không gặp được chị Đào nên chúng đã hành hung người thân để dằn mặt.

Bình luận về vụ án này, luật sư Nguyễn Thu Anh (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, theo quy định của pháp luật thì mọi hành vi xâm hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác thì đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Với những đối tượng thuộc diện quản lý, những đối tượng trong tầm ngắm của cơ quan chức năng do thường xuyên thực hiện các hành vi sai trái thì việc xử lý nhanh chóng, nghiêm minh là điều khó tránh.

Trong vụ việc trên, cơ quan chức năng sẽ tiến hành xác minh làm rõ hành vi của các đối tượng vi phạm, làm rõ nguyên nhân và hậu quả của vụ việc để có hình thức xử lý phù hợp với quy định pháp luật.

Theo đó, mức hình phạt cụ thể dành cho từng đối tượng sẽ phụ thuộc vào tính chất mức độ hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, trong đó tỷ lệ thương tích của người bị hại là một trong những yếu tố quan trọng để quyết định khung, khoản hình phạt.

"Khi có đủ căn cứ xác định có hành vi phạm tội thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và có thể tiến hành bắt tạm giam các đối tượng. Trong vụ việc này, cơ quan chức năng sẽ làm rõ đối tượng nào là chủ mưu, cầm đầu, đối tượng nào trực tiếp thực hiện hành vi cố ý gây thương tích, đối tượng nào xúi giục, giúp sức.

Tất cả các đối tượng đó đều sẽ bị xem xét xử lý về tội cố ý gây thương tích với các vai trò khác nhau trong đồng phạm.

Với tình tiết tăng nặng là "dùng hung khí nguy hiểm" và "có tính côn đồ", các đối tượng sẽ bị xử lý theo khoản 2 (Điều 134, BLHS 2015). Nếu bị cáo buộc, Phú Lê và đồng phạm sẽ phải đối diện hình phạt cao nhất là 6 năm tù giam", luật sư Anh phân tích.

Mức án nào dành cho “giang hồ mạng” Phú Lê? - Ảnh 1.

Phú Lê luôn xuất hiện với vẻ ngoài bặm trợn

Cũng theo luật sư Anh, bên cạnh việc chịu hình phạt theo quy định của pháp luật thì Phú Lê còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị hại được quy định tại Điều 590 (Bộ luật Dân sự 2015) gồm: "Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại bao gồm: tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế; tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu, vật lý trị liệu... theo chỉ định của bác sĩ; tiền viện phí; tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bị thiệt hại theo chỉ định của bác sĩ; các chi phí thực tế, cần thiết khác cho người bị thiệt hại (nếu có) và các chi phí cho việc khắc phục thẩm mỹ... để hỗ trợ hoặc thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại (nếu có).

"Trong trường hợp sau khi điều trị, người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc (người bị thiệt hại không còn khả năng lao động do bị liệt cột sống, mù hai mắt, liệt hai chi, bị tâm thần nặng và các trường hợp khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên) thì phải bồi thường chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm", luật sư Anh chia sẻ.

Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

đ) Có tổ chức;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

i) Có tính chất côn đồ;

k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Mức án nào dành cho “giang hồ mạng” Phú Lê?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO