Mùa xúc 'lộc biển' ở đảo Ngọc Vừng, kiếm tiền triệu mỗi ngày

10/08/2023 08:30

Đến mùa khai thác tép, ngư dân vùng biển Ngọc Vừng, Quảng Ninh thi nhau ra khơi "xúc" về để chế biến hoặc bán cho thương lái trên bờ. Nhờ đó, các hộ ngư dân thu tiền triệu mỗi ngày.

4 tháng trời cho "lộc biển"

Mùa tép ở xã đảo Ngọc Vừng (Quan Lạn, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9 mỗi năm, nhưng tép nhiều và ngon nhất chủ yếu vào tháng 8. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi bạt ngàn đàn tép khi vào vụ bởi nước biển khu vực này nằm xa bờ, không ô nhiễm. Nhờ vây, tép sống, sinh trưởng trong điều kiện môi trường thích hợp nên sạch, béo tròn.

Hàng ngày, từ khoảng gần 4h sáng, hàng loạt tàu biển loại tầm 40 mã lực chở theo ngư dân ra khơi. Biển sáng sớm tĩnh mịch, thủy triều xuống rất thấp, sóng vỗ nhẹ xô bờ, tiếng máy tàu rền vang phá vỡ khoảng lặng buổi rạng sáng.

Ngư dân chuẩn bị ngư cụ trên tàu để ráng sáng đi xúc lộc biển.

Đoàn tàu chạy khoảng hơn 2 tiếng là đến khu biển Sơn Hào thuộc xã Quan Lạn và xã Minh Châu. Đây cũng là một trong những khu vực có đàn tép nổi.

Trên tàu, người có kinh nghiệm nhất sẽ đứng trên mũi tàu để đảm nhiệm việc quan sát, phán đoán khu vực nào có đàn tép nổi.

"Thủy triều xuống, biển càng lặng thì càng nhiều tép, nếu sóng to gió lớn khiến tàu chòng chành sẽ không nhìn thấy đàn tép đâu. Tép thường nổi lên gần mặt nước nên khu vực đó đổi màu đỏ lăn tăn, nhìn thấy là phải tới ngay để vớt", chị Nguyễn Thị Thanh (37 tuổi, xã Ngọc Vừng) chia sẻ.

Khi thấy đàn tép, tàu của ngư dân sẽ tiến tới gần rồi từ từ hạ cần gỗ đã được buộc lưới như hình chiếc vợt sâu xuống mặt nước khoảng 1,5m.

Khi đã ôm trọn đàn tép, cần gỗ được nhấc lên nặng trĩu. Lạo xạo tiếng tép nhảy. Liền tay, mỗi người một việc, xúc tép cho vào bồ đựng, bê xếp vào khoang tàu. Đàn tép trung bình khoảng 5 tạ. Ngư dân tại đây cho biết, có lần đàn tép thu được lên đến cả tấn, nhưng hiện rất ít gặp.

Ngay khi về bến, người dân mang tép tươi đi phơi dưới nắng.
Tép khô được thương lái ưa chuộng.

Xong xuôi, con tàu tiếp tục lướt trên mặt biển, đánh thêm một đàn tép nữa, đầy khoang rồi về bến.

Thời điểm tàu cập bến cũng là lúc nắng lên, ngư dân chuyển tép lên xe để tới điểm phơi cho kịp tiến độ. Bởi, nếu để lâu tép sẽ hỏng, không bán được.

Kiếm tiền triệu mỗi ngày

Theo ngư dân khai thác tép biển Ngọc Vừng, năm nay sản lượng tép nhiều hơn so mọi năm. Nắng kéo dài, ngư dân tranh thủ phơi thành tép khô, tiêu thụ tốt hơn.

Từ đầu vụ đến nay, chị Nguyễn Thị Thanh đã ra khơi vài chuyến, đánh bắt được khoảng 6 tấn tép tươi, trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng.

Gia đình chị Hoàng Thị Hương (thôn Ngọc Nam, xã Ngọc Vừng) từ đầu vụ cũng ra khơi xúc được 5 tấn tép tươi. Thay vì bán ngay, gia đình chị phơi tép tươi dưới trời nắng gắt, khoảng 3 tiếng là được thành phẩm.

Sau khi được phơi, tép khô sẽ qua quá trình phân loại để đóng gói.
Tép khô được đóng gói 1 kg/túi, bán với giá 100 nghìn đồng.

Tép khô sau đó được đem về phân loại, đóng gói vào túi nilon với trọng lượng 1kg, giá bán khoảng 100.000 đồng/kg. Tép khô đầu vụ tiêu thụ khá thuận lợi, chủ yếu do các thương lái quen biết trước đây ở TP. Cẩm Phả, TP. Hạ Long và huyện Vân Đồn đặt mua.

Ngoài việc phơi khô, tép còn được ngư dân chế biến thành mắm thơm ngon bán cho du khách hoặc để ăn trong nhà.

Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Vừng, ông Vũ Văn Phong cho biết, hiện xã có 30 hộ gia đình làm nghề khai thác tép biển.

Trong khoảng 10 ngày đầu vụ, sản lượng tép cả xã đạt 80 tấn, gần bằng sản lượng tép cả năm 2022 (gần 100 tấn).

Từ nay đến hết mùa, sản lượng tép khủng thu được sẽ giúp người dân xã đảo nâng cao thu nhập. Các sản phẩm từ tép biển sạch, không chất bảo quản được du khách và thương lái ưa chuộng mua với số lượng lớn, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm địa phương.

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/mua-xuc-loc-bien-o-dao-ngoc-vung-kiem-tien-trieu-moi-ngay-2175517.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/mua-xuc-loc-bien-o-dao-ngoc-vung-kiem-tien-trieu-moi-ngay-2175517.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Mùa xúc 'lộc biển' ở đảo Ngọc Vừng, kiếm tiền triệu mỗi ngày
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO