Suýt chết vì tin thuốc trên mạng
Mới đây, Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân nam 63 tuổi (ở Thanh Trì, Hà Nội), nhập viện trong tình trạng ngộ độc nặng sau khi sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc mua giá 10 triệu đồng.
Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường, nghe quảng cáo từ người quen có thuốc chữa đái tháo đường "rất tốt", là thuốc nam dạng viên, bán 20 gói với giá 10 triệu đồng.
Sau khi mua và sử dụng thuốc được gần 20 ngày, bệnh nhân xuất hiện đau bụng, nôn mửa, người nhà đưa đến Trung tâm chống độc cấp cứu và được chẩn đoán ngộ độc.
Điều đáng nói qua xét nghiệm thuốc bệnh nhân sử dụng đã tìm thấy thành phần phenformin.
Đây là thành phần từng được sử dụng cho bệnh nhân đái tháo đường, nhưng vì độc tính rất cao, gây tử vong cho nhiều người nên thế giới đã thu hồi và cấm sử dụng từ những năm 1970.
Hay như mới đây, Bệnh viện Lê Văn Thịnh TPHCM cho biết đã điều trị thành công cho một trường hợp hy hữu, sau khi uống 80 viên viên Phenobarbital - một loại thuốc an thần nhưng vẫn qua khỏi.
Theo chia sẻ của gia đình, bệnh nhân K. (30 tuổi, ngụ ở Quận 1, TP.HCM) ngay từ khi học cấp 2 đã được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm và được gia đình đưa đi điều trị tâm lý suốt nhiều năm.
Sau khi tốt nghiệp một trường đại học và tiếp tục đi học trường đại học thứ hai, K. vẫn sống thu mình và không thích giao tiếp với mọi người xung quanh.
K. học rất giỏi, đặc biệt là tiếng Anh, tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên, vẫn điều trị trầm cảm, có đầy đủ hồ sơ bệnh án. Thậm chí, K. đã từng tự tử bằng cách cắt tay nhưng không thành.
Sau đó, K. mua 4 hộp Phenobarbital trên mạng và uống, khi mẹ phát hiện, 4 hộp thuốc đều trống trơn nhưng K. không chịu đi bệnh viện.
Khoảng 1 tiếng sau, thuốc ngấm, bệnh nhân vật vã, kích thích, gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh.
Sau 3 ngày lọc máu, K. qua cơn nguy kịch, cai máy thở, rút nội khí quản, tiếp xúc tốt, nói chuyện được, tình trạng tâm lý ổn định.
Nên đến các cơ sở y tế
Theo TS Nguyễn Trung Nguyên - giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết ở Việt Nam những năm gần đây đã gặp nhiều trường hợp ngộ độc nặng và tử vong.
Các trường hợp ngộ độc thuốc chữa đái tháo đường phenformin thường xảy ra ở người gần đây hoặc đang sử dụng thuốc y học cổ truyền, các thực phẩm chức năng hoặc các sản phẩm khác quảng cáo chữa chữa đái tháo đường.
Bác sĩ Nguyên cho hay, người dân khi bị bệnh cần đi khám bệnh ở các cơ sở y tế để được xác định bệnh và kê đơn thuốc phù hợp, an toàn.
Người dân cần cảnh giác và tránh xa trước các lời quảng cáo, chào mời từ các loại sản phẩm thuốc y học cổ truyền, các thực phẩm chức năng hay các thuốc không đảm bảo về nguồn gốc (không có các thông tin đầy đủ rõ ràng về giấy phép được cấp bởi Bộ Y tế).
Khi nghi bị ngộ độc hoặc phản ứng bất lợi do một loại sản phẩm thuốc hoặc thực phẩm chức năng, cần giữ lại tất cả các mẫu vật còn lại cùng các thông tin liên quan.
Điều này, để có thể chuyển cho các cơ quan chức năng hoặc bệnh viện tuyến cuối kiểm tra, xét nghiệm để xác minh và có các biện pháp ngăn chặn ngộ độc tiếp tục xảy ra với người khác.
Trước tình trạng mua thuốc dễ dàng qua các trang thương mại điện tử và mạng xã hội, đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết hiện nay luật chưa cho phép kinh doanh thuốc qua mạng thông qua hệ thống thương mại điện tử.
Tuy nhiên trong thời gian vừa qua đã có hiện tượng rao bán thuốc trên các nền tảng mạng xã hội.
Theo phó chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, các cơ sở kinh doanh dược phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; phải có địa chỉ, trang thiết bị bảo quản, tài liệu chuyên môn kỹ thuật và nhân sự phải đáp ứng thực hành tốt theo quy định của từng loại hình, phạm vi kinh doanh; người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở phải có chứng chỉ hành nghề phù hợp...
“Để đảm bảo an toàn và thực hiện nghiêm Luật dược 2016, đồng thời chấn chỉnh tình trạng vi phạm pháp luật trong kinh doanh thuốc, Sở Y tế TP.HCM sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn TP tăng cường kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý các hoạt động mua bán thuốc không đúng quy định trên các nền tảng mạng xã hội”, đại diện Sở Y tế cho hay.