Người dân không chỉ lo sợ mất đi tài sản, nhà cửa mà quan trọng nhất là lo cho tính mạng con người.
Khu dân cư tổ 2B, khu vực 1, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn (Bình Định) nằm chênh vênh trên con dốc cao trên đường lên đỉnh núi Một. Hàng chục hộ dân sinh sống ở đây.
Qua ghi nhận, nhiều ngôi nhà tựa lưng vào núi hoặc nằm chênh vênh trên nền đất tạm, có thể sập xuống bất cứ lúc nào. Hiểm nguy luôn rình rập, nhất là vào mùa mưa bão nhưng người dân vẫn bám trụ.
Người dân ở khu vực này cho biết hầu hết họ là lao động nghèo, không có điều kiện nên phải lên núi khai hoang rồi xây dựng nhà tạm bợ để mưu sinh.
Ngồi trước căn nhà xập xệ chừng 30m2, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy (60 tuổi) thở dài: "Mùa mưa bão đến, chúng tôi chẳng ai dám chợp mắt vì sợ sạt lở đất chôn vùi. Đến nay, có 3-4 ngôi nhà bị sập do sạt lở đất nhưng may mắn chưa có người nào bị thương vong".
Theo bà Thủy, người dân ở xóm núi Một làm đủ nghề, đụng thứ gì làm nấy. Đàn ông làm thợ hồ, bốc vác, chạy xe ba gác, còn đàn bà đi bán vé số, đi nhặt ve chai. Cuộc sống cực khổ nên nhà cửa của ai ở đây cũng tạm bợ.
"Biết là hiểm nguy luôn rình rập nhưng chúng tôi không còn cách nào khác, cố gắng bám trụ. Thiên tai chẳng biết đường nào mà lần nhưng khi có mưa bão lớn, bà con trong xóm chủ động cảnh giác để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra", bà Thủy nói.
Ở cạnh nhà bà Thủy, bà Nguyễn Thị Gái lo lắng: "Tôi sống một mình, hàng ngày đi bán vé số mưu sinh nhưng 3 tháng nay tôi đau bệnh nặng chỉ ở nhà, nhờ bà con trong xóm đùm bọc. Mấy ngày nay, TP Quy Nhơn có mưa to, giờ lại thông tin có siêu bão nên tôi đang lo không biết một mình xoay xở ra sao".
Chỉ tay vào ngôi nhà đối diện đang khóa cửa, bà Gái cũng cho biết đó là nhà bà Nguyễn Thị Tuyết Thu. Do căn nhà bị sụt nứt có nguy cơ sập nên gia đình đã đóng cửa để đi nơi khác thuê ở cho an toàn.
"Nếu mưa to như mấy ngày nay và kéo dài thì ngôi nhà của bà Thu có thể bị sập vì sạt lở đất", bà Gái nói.
Theo UBND phường Đống Đa, trên địa bàn phường có 130 hộ với 495 nhân khẩu thuộc diện có nhà đơn sơ, nhà nằm trong vùng xung yếu và nguy cơ bị ảnh hưởng của bão lũ phải di dời. Trong đó, có nhiều hộ dân ở khu vực núi Một có nguy cơ cao bị sạt lở phải di dời khẩn cấp nếu có mưa bão.
Ngoài ra, một số khu vực dân cư sống gần núi bà Hỏa cũng có nguy cơ sạt lở đe dọa.
Ông Phan Tấn Vũ, Chủ tịch UBND phường Đống Đa, cho biết hàng năm, địa phương đã phê duyệt phương án phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Trong đó, mỗi khu phố thành lập Tổ thanh niên xung kích 10-20 người và Đội thanh niên xung kích của phường khoảng 30 người.
Đối với các khu vực có nhà đơn sơ, nằm trong vùng xung yếu và có nguy cơ bị ảnh hưởng thiên tai, địa phương tiến hành ngay việc tổ chức, kiểm tra, thống kê số hộ, nhân khẩu, lường trước những tình huống xấu có thể xảy ra. Từ đó, chủ động triển khai thực hiện di chuyển để bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân.