Thị trường iPhone tại Việt Nam được nhận định là rất phức tạp. Bên cạnh những chiếc iPhone chính hãng được bày bán tại các hệ thống lớn, người Việt còn có rất nhiều sự lựa chọn khác với mức giá rẻ hơn như iPhone xách tay, iPhone cũ, iPhone trả bảo hành, iPhone trưng bày, iPhone Lock, iPhone mất vân tay/Face ID…
Tuỳ vào nguồn gốc và mức độ khấu hao mà mỗi loại máy trên lại có một mức giá khác nhau. Trong một số trường hợp, với cùng một model, một chiếc iPhone "hàng ngoài" có thể rẻ hơn tới 40% so với một chiếc máy mới, chính hãng.
Do có kinh phí hạn chế, hồi đầu tháng 1/2021, anh T. đã mua một chiếc iPhone 11 tại một cửa hàng trên quận Đống Đa với mức giá 10 triệu đồng. Ở thời điểm đó, một chiếc iPhone 11 hàng mới, chính hãng có mức giá hơn 16 triệu đồng. Như vậy, anh T. đã tiết kiệm được gần 40% số tiền.
Thế nhưng, anh T. đã nhanh chóng cảm thấy hối hận bởi quyết định này của mình.
Nhiều vấn đề ngay từ thời điểm mua
Có mức giá rẻ, vậy nên không khó để thấy chiếc iPhone của anh T. gặp phải một số vấn đề ngay từ thời điểm mua.
Đầu tiên, hình thức của chiếc iPhone 11 này rất xấu. Cả mặt kính trước và sau của chiếc máy này đều có những vết trầy xước nặng mà người dùng sẽ có thể dễ dàng nhận ra. Phần viền máy cũng là "chi chít" những vết cấn, móp. Phần viền bao quanh camera cũng đã bị bạc màu. Có lẽ, người chủ gốc của chiếc iPhone này không những không dùng ốp, mà còn đối xử với chiếc máy của mình khá "tệ bạc" nên nó mới ra nông nỗi này.
Những vết xước trên màn hình
Không ít trong số đó là những vết xước nặng, hằn vào lớp kính của máy
Những vết cấn, móp ở cạnh trên của máy
Thêm những vết cấn ở cạnh dưới
Viền camera bị bạc màu
Tương tự như mặt trước, mặt lưng của chiếc máy này cũng đầy những vết xước
Viền bao quanh lớp kính lưng bị mòn
Thứ hai, đây là một chiếc iPhone khoá mạng, hay còn được biết đến với tên gọi iPhone Lock. Nếu như với những chiếc iPhone quốc tế người dùng chỉ cần lắp SIM vào là có thể sử dụng, thì với iPhone Lock, họ sẽ cần đến một vài kỹ năng nhất định như cách tháo lắp SIM ghép, tìm mã ICCID còn sống và nhập mã này vào SIM ghép. Đối với những người dùng không có nhiều vốn kiến thức về công nghệ, đây là những thao tác không hề đơn giản.
Thứ ba, chiếc iPhone này gặp lỗi đốm camera. Cụ thể, khi chụp ảnh hay quay video, sẽ có một đốm đen mờ xuất hiện trên ảnh hoặc video. Tuỳ vào khung cảnh mà đốm mờ này có thể khó nhận ra hoặc xuất hiện rất rõ. Người dùng không thể khắc phục vấn đề này, bởi hiện tượng đốm camera thường xảy ra khi bụi lọt vào bên trong cảm biến hoặc thấu kính.
Đốm mờ xuất hiện trên ảnh
Đáng nói hơn, khi kiểm tra bằng một phần mềm thông dụng là 3uTools, phần mềm này cho biết chiếc iPhone 11 này đã bị thay thế camera thông qua việc đối chiếu số serial number của linh kiện. Cũng cần phải khẳng định rằng, 3uTools không phải lúc nào cũng có thể đưa ra kết quả chính xác; thế nhưng trong hầu hết các trường hợp, một chiếc iPhone nguyên bản sẽ không bị phần mềm này "báo đỏ" như vậy.
Phần mềm 3uTool báo máy đã bị thay đổi linh kiện, cụ thể là camera
Hỏng hóc chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng
Tưởng chừng như chiếc iPhone 11 này sẽ chỉ gặp phải những vấn đề nêu trên, thế nhưng, đó mới chỉ là sự khởi đầu.
Sau khoảng gần 2 tháng, anh T. nhận thấy chiếc iPhone 11 của mình gặp một số vấn đề liên quan đến cảm ứng. Có một số điểm trên màn hình cảm ứng không nhạy, hay đôi khi máy bị loạn cảm ứng và tự động chạm vào những điểm trên màn hình khiến cho trải nghiệm trở nên rất phiền phức.
Một thời gian sau, màn hình cảm ứng của chiếc iPhone 11 liệt hẳn một đường dọc. Điều này khiến cho anh T. không thể sử dụng chiếc máy được nữa, do không thể bấm được một số nút trên màn hình. Ngay cả những tác vụ cơ bản nhất như nhận cuộc gọi hay nhắn tin cũng không thể thực hiện được.
Một dọc cảm ứng của máy bị liệt hoàn toàn
Tiếc rằng, do là một chiếc máy "hạng B", vậy nên chế độ bảo hành cũng ngắn hạn hơn so với những chiếc máy "hạng A". Thay vì được bảo hành từ 3 đến 6 tháng, chiếc máy của anh T. chỉ được bảo hành 1 tháng. Điều này khiến cho máy anh T. buộc phải bỏ ra toàn bộ chi phí sửa chữa, cụ thể là khoảng hơn 2 triệu đồng để thay thế một chiếc màn hình mới.
Như vậy, nếu cộng tổng chi phí, anh T. đã phải bỏ ra hơn 12 triệu đồng cho một chiếc iPhone 11 với hình thức xấu, bị khoá mạng, đốm camera và đã bị thay màn hình. Với số tiền này ở thời điểm đầu năm nay, anh T. hoàn toàn có thể mua được một chiếc máy với hình thức đẹp, không có "lỗi lầm" và có lẽ là cũng bền hơn.
Tránh xa iPhone "hạng B"
Mặc dù có giá rẻ, tuy nhiên, những chiếc iPhone hạng B như trên không phải là món hời như nhiều người vẫn nghĩ.
Kể cả khi bạn là người không quan tâm đến ngoại hình của máy, thì sở hữu một chiếc máy với ngoại hình xấu vẫn chứa đựng rất nhiều rủi ro. Bởi lẽ, có thể thấy rõ một chiếc máy như vậy đã không được người dùng cũ giữ gìn. Việc thường xuyên bị rơi, quăng quật không chỉ làm vỏ ngoài của máy trở nên phai tàn, mà rất có thể sẽ gây ảnh hưởng tới các linh kiện bên trong, ví dụ như màn hình, camera, module Face ID... Đây đều là những linh kiện mỏng manh nhưng lại rất đắt tiền nếu như người dùng phải thay thế.
Vì vậy, chỉ cần một trong số những linh kiện trên bị hỏng, khoản tiền mà người mua "tiết kiệm" được khi mua những chiếc máy hàng B bỗng chốc trở nên vô nghĩa.
Ở thời điểm Apple đang có những động thái nhằm lôi kéo người dùng Việt Nam đến với hàng chính hãng và "bài trừ" hàng xách tay, giá bán các sản phẩm Apple chính hãng tại Việt Nam được nhận định là rất cạnh tranh. Ví dụ với iPhone 11, hiện một chiếc máy mới, chính hãng VN/A có giá khoảng 13-14 triệu đồng, thậm chí còn có thể rẻ hơn ở các dịp "sale" trên sàn thương mại điện tử. Trong khi đó, máy cũ, hàng xách tay trôi nổi và chế độ hậu mãi không đảm bảo cũng đã có giá khoảng 12 triệu đồng. Vì vậy, máy chính hãng sẽ là sự lựa chọn hợp lý hơn.
Hãy tránh xa những chiếc iPhone hạng B như thế này
Dù vậy, điều này không đồng nghĩa với việc thị trường iPhone cũ sẽ "chết". Trên thực tế, ở phân khúc dưới 10 triệu đồng, nơi mà những chiếc iPhone chính hãng gần như không có đại diện nào, việc lựa chọn iPhone cũ vẫn là điều hiển nhiên.
Nhưng sau sự cố với chiếc iPhone 11 nói trên, có thể thấy rõ việc người dùng nên tránh xa những chiếc máy hạng B với hình thức xấu. Khi mà người dùng có thể gặp rủi ro hỏng hóc ngay cả với những chiếc máy với ngoại hình đẹp long lanh, thì việc chọn mua một chiếc máy hạng B với ngoại hình xấu chẳng khác nào "mang nợ vào người".
(Theo Pháp luật & Bạn đọc)