Mùa du lịch ‘điên cuồng’ ở châu Âu đã bắt đầu

An Ngọc - Theo CNN (Zing News)| 16/06/2023 12:25

Năm nay, lượng khách đến châu Âu tăng vọt vào mùa hè, khiến giá cả tăng cao và gây áp lực lên nhiều địa điểm.

Từ những năm 1970, Steve Perillo, CEO và chủ nhân đời thứ ba của đơn vị lữ hành có trụ sở tại New Jersey (Mỹ) - Perillo Tours - mới thấy lượng khách đặt chuyến đến châu Âu tăng cao như vậy.

Công ty nổi tiếng với các tour thiết kế riêng tại Italy này thường bán được 80% công suất mỗi năm. Đến nay, khoảng 96% tổng số 500 tour thường niên của Perillo Tours, trong đó có các điểm đến ở Tây Ban Nha và Hy Lạp, đã được đặt. Ông Perillo dự đoán con số sẽ đạt 100% trong vài tuần tới, trước khi công ty bắt đầu tiếp thị cho 2024.

Với ông, dấu hiệu về một mùa bội thu phía trước bắt đầu xuất hiện từ cuối mùa thu năm ngoái, khi công ty tung chương trình giảm giá 5% nhân dịp Black Friday. “Đó là lúc tôi nhận ra nhu cầu của du khách rất lớn, tôi gọi cho bạn bè vào tối ngày Black Friday và bảo mùa tới sẽ rất điên rồ đấy”.

Giá cả tăng theo lượng cầu

Ở nhiều khu vực của châu Âu, sự "điên cuồng" đã bắt đầu, được thúc đẩy bởi dòng khách đổ về châu Âu hậu Covid-19 từ 2022.

Theo đơn vị cung cấp bảo hiểm du lịch Allianz Partners, số khách Mỹ đến châu Âu hè này dự kiến sẽ tăng 55% so với năm ngoái - vốn đã tăng 600% so với năm 2021. London (Anh), Paris (Pháp) và Dublin (Ireland) đứng đầu 10 điểm đến phổ biến nhất năm nay theo danh sách đánh giá thường niên của Allianz. Rome (Italy), Reykjavik (Iceland), Amsterdam (Hà Lan) và Lisbon (Bồ Đào Nha) cũng nằm trong top 10.

Ủy ban Du lịch Châu Âu cũng dự báo lượng cầu tăng cao đối với du lịch châu Âu vào năm nay, với gần nửa số điểm đến trên châu lục này dự kiến phục hồi 80% so với lượng khách năm 2019.

Mùa du lịch ‘điên cuồng’ ở châu Âu đã bắt đầu - 1

Những điểm đến hàng đầu châu Âu dự kiến đông khách vào hè này. Ảnh: Michel Christophe/ABACA/Shutterstock.

Tất nhiên, điều này cũng khiến giá cả tăng vọt. Theo Hopper, trang web theo dõi chuyến bay, giá vé máy bay đến châu Âu đang ở mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Vé khứ hồi đến châu lục này trung bình đang ở mức 1.200 USD, cao hơn 300 USD so với năm 2022 và tăng 26% so với giá năm 2019 trước đại dịch.

Giá khách sạn cũng tăng cao. Theo American Express Global Business Travel, giá khách sạn ở châu Âu sẽ đạt mức tăng lớn nhất trong năm nay. Paris (tăng 10% theo năm), Stockholm (Thụy Điển - tăng 9%) và Dublin (tăng 8,5%) nằm trong số những điểm đến được dự báo sẽ tăng giá cao nhất.

Tuy nhiên, giá cả đắt đỏ không làm giảm đam mê du lịch của đám đông. Suốt nhiều tuần, các điểm trung tâm của châu Âu tràn ngập du khách. Tình trạng khách sạn kín chỗ, bảo tàng đông đúc và nhà hàng chật cứng trở nên quen thuộc, nhất là ở các thành phố có lượng khách lớn như Barcelona (Tây Ban Nha), Rome và Paris.

“Khó lòng len qua những con phố”

Điều đáng ngạc nhiên với vài người là lượng khách lớn xuất hiện rất sớm đầu mùa du lịch. Milou Halbesma, giám đốc Bảo tàng Rembrandt House ở Amsterdam, cho biết: “Nếu nhìn ra cửa sổ, tôi sẽ thấy khung cảnh hơi giống tháng 7”.

Mùa xuân năm nay, bảo tàng công bố một cuộc đại tu để mở cửa khu vực gác xép cho khách tham quan. Dự đoán một “mùa hè rất bận rộn” sắp tới, họ đã thuê thêm 5 người cho tháng 7 và tháng 8, cũng như đưa ra các dịch vụ mới, gồm tour đa phương tiện 13 ngôn ngữ và tour dành riêng cho trẻ em.

Xét về tổng thể, bối cảnh văn hóa ở Amsterdam đang tận hưởng khoảnh khắc được làm tâm điểm của sự chú ý, theo sau thành công rực rỡ của triển lãm Vermeer vừa kết thúc tại bảo tàng Rijksmuseum. Những người đam mê nghệ thuật và thích đi bảo tàng là phân khúc khách du lịch được chính quyền thành phố chú trọng, giữa chiến dịch nhằm giảm “du lịch phiền phức” như các bữa tiệc độc thân.

Mùa du lịch ‘điên cuồng’ ở châu Âu đã bắt đầu - 2

Triển lãm Vermeer là sự kiện thu hút du khách yêu nghệ thuật. Ảnh: Museos.

“Chúng tôi vui mừng chào đón mọi người và hy vọng sẽ có thêm nhiều du khách văn hóa, ít tiệc độc thân và nhóm tương tự. Người dân ở Amsterdam rất thân thiện, có sức chịu đựng cao và cởi mở nhất thế giới. Tuy nhiên, những du khách nổi loạn nên cư xử đúng mực”, ông Halbesma nói.

Trong khi đó, tại các điểm đến khác trên khắp châu lục, những loạt phim nổi tiếng như The White Lotus của HBO, Emily in Paris của Netflix cũng truyền cảm hứng cho một lượng lớn người hâm mộ tìm đến.

Theo dữ liệu từ Expedia, lượng tìm kiếm chuyến bay đến các thành phố ở Sicily - hòn đảo tuyệt đẹp nơi mùa 2 của The White Lotus được quay phim - đã tăng đến ba con số trong hè này, với lượng tìm kiếm cho thành phố Messina tăng 335% và Palermo tăng 180%.

Jenn Rice, phóng viên kiêm tư vấn nhãn hàng ở North Carolina (Mỹ), trực tiếp chứng kiến điều này trong chuyến đi gần đây tới Palermo. Rice mô tả thủ phủ của Silicy là “hoàn toàn điên rồ” vào đầu tháng 6, với khách du lịch “chen chúc trên phố như trong lễ Mardi Gras”.

“Tôi chưa từng thấy nhiều người như thế trên phố vào một tối thứ bảy. Bạn khó lòng di chuyển qua con phố để đến một quán bar khác. Mọi người như cá mòi, chen chật cứng khắp nơi”, Rice, người đi du lịch châu Âu trong ba tháng vào mùa hè thứ hai liên tiếp, cho biết.

Các điểm đến, địa danh và sự kiện truyền thống nổi tiếng cũng chịu nhiều áp lực. Perillo cho biết ông nghe nói các hướng dẫn viên du lịch ở Rome phải gọi theo hạn chót nhất định hàng tuần để đặt chỗ vào đấu trường Colosseum. “Mọi người bắt đầu xếp hàng gọi điện vào nửa đêm để có cơ hội. Bất cứ ai muốn đến Rome đều muốn đến Colosseum” - ông nói.

Ở Paris, Arnaud Morandi, giám đốc Fauchon L’Hôtel Paris, khách sạn 5 sao có 54 phòng, cho biết những du khách hy vọng mua được vé sát giờ cho những sự kiện như giải French Open đang diễn ra, các buổi hòa nhạc lớn, hay đặt chỗ ở các nhà hàng được ưa chuộng nên giảm kỳ vọng của mình.

“Có vẻ mọi thứ đều hết sạch nhanh chóng. Mọi thứ liên quan đến nghỉ dưỡng, gồm cả các điểm ăn uống cao cấp và khách sạn hạng sang, đều đã kín chỗ lâu dài từ sớm hơn trước kia”, ông cho biết.

Fauchon, mở cửa năm 2018, tiếp tục lập kỷ lục kín chỗ với nhiều ngày bán hết sạch vào tháng 6, tháng 7 và tháng 8. “Thành phố giờ chưa đông như vài tuần nữa, nhưng cũng gần đến mức đó”, Morandi nói.

“Phải sáng tạo”

Để đối mặt với lượng khách kỷ lục và chi phí cao mùa này, nhiều du khách đến châu Âu buộc phải điều chỉnh kế hoạch. Đơn cử, Rice sử dụng tàu hỏa và phà để tránh chi phí “đắt đến điên rồ” cho những chuyến bay, ngay cả với các hãng hàng không giá rẻ như easyJet và Ryanair.

Các cư dân châu Âu cũng cảm thấy căng thẳng với kế hoạch nghỉ hè của chính mình. Sarah Ferguson, người đã chuyển đến Amsterdam từ Nam Florida vào tháng 4/2021 với chồng và 4 con trai, vẫn chưa trở về Mỹ cùng gia đình vì chi phí cho 6 vé máy bay. Cô bảo người thân đến châu Âu.

Tuy nhiên, việc đi du lịch quanh châu Âu, một niềm khích lệ lớn cho các gia đình chuyển đến đây sinh sống, đang ngày càng trở nên đắt đỏ. Vé tàu, phương thức di chuyển mà Ferguson và chồng muốn sử dụng nhiều hơn, thường đắt hơn vé máy bay.

“Trước khi chuyển đến, chúng tôi tưởng tượng sẽ cho các con xem những quốc gia tuyệt vời qua các chuyến du lịch thú vị bằng tàu hỏa, và 6 người chúng tôi sẽ học cách xếp gọn đồ vào một túi rồi lên đường. Không may, chuyện hoàn toàn không như vậy. Trong hai năm, những người bạn cùng là dân nhập cư như chúng tôi đều nói rằng vé tàu đắt hơn vé máy bay. Thật lố bịch” - cô cho biết.

Kết quả, gia đình cô chuyển kỳ nghỉ mùa hè thành những chuyến phiêu lưu đường bộ. Tháng 8, Ferguson sẽ thuê hai chiếc Toyota Corolla để lái 15 tiếng đến một khu nghỉ dưỡng cắm trại ở Croatia, nơi năm ngoái họ đã đến, và lần này họ sẽ ở một biệt thự ven biển. “Năm ngoái chúng tôi đã lái xe đến đây, nó rất đẹp. Bạn phải sáng tạo thôi”, cô nói.

Mùa du lịch ‘điên cuồng’ ở châu Âu đã bắt đầu - 3

Một khu nghỉ dưỡng cắm trại tại Croatia. Ảnh: Valamar.

Pola Henderson, người có quốc tịch Mỹ và Ba Lan, đã sống ở Paris 7 năm. Cô cũng thay đổi cách du lịch quanh châu Âu. Cho đến gần đây, Henderson, một cây bút du lịch và nhà sáng tạo nội dung, thường đến các quốc gia khác nhau khoảng 1-2 tuần mỗi tháng. Nhưng hè này, cô ở loanh quanh gần nhà, với các chuyến đi cuối tuần quanh Pháp và khám phá Paris.

“Tôi không thể tưởng tượng cảnh sống mà không đi du lịch, nhưng giờ tôi lựa chọn cẩn thận hơn. Điều đó thật bực mình, vì việc du lịch đã trở nên khó khăn hơn, không chỉ vì giá cả, mà còn vì phải lên kế hoạch trước rất lâu”, cô giải thích.

Thời gian sẽ cho thấy liệu các du khách có gặp thêm nhiều điều bực bội vì việc các chuyến bay bị hủy, bị hoãn, hay các rắc rối như mùa trước. Đến giờ, một vài chướng ngại đã xuất hiện, như các cuộc đình công ở Paris, máy quét hộ chiếu bị hỏng ở sân bay Heathrow và các sân bay khác vào cuối tuần kỳ nghỉ tháng 5. Tuy nhiên, nhiều du khách vẫn có tâm trạng háo hức và thái độ “nắm bắt khoảnh khắc”, ngay cả ở những nơi đông đúc nhất.

“Bạn không thể không đến những nơi đó chỉ vì quá đông. Giờ chỗ nào cũng đông, nên bạn chỉ cần khôn ngoan hơn và tìm hiểu nhiều hơn một chút. Nhưng quan trọng nhất là hãy làm và tham quan những nơi bạn muốn, không phải nơi mọi người nói đến. Tôi đã cho Venice vào danh sách ‘không thể đến thăm, quá đông người’ suốt nhiều năm, và năm nay tôi sẽ đến đó” - Rice nói.

Theo tcdulichtphcm.vn
https://tcdulichtphcm.vn/tin-quoc-te/mua-du-lich-dien-cuong-o-chau-au-da-bat-dau-c2a55043.html
Copy Link
https://tcdulichtphcm.vn/tin-quoc-te/mua-du-lich-dien-cuong-o-chau-au-da-bat-dau-c2a55043.html
Bài liên quan
  • Kỳ vọng doanh thu du lịch tăng nhờ sao Michelin
    Michelin vượt xa chức năng của một giải thưởng, trở thành tiêu chuẩn tin cậy để đánh giá chất lượng của nhà hàng, tay nghề của các đầu bếp, thậm chỉ cả một nền ẩm thực. Sau khi đến Việt Nam, hệ thống đánh giá của Michelin thúc đẩy nỗ lực quảng bá du lịch, ẩm thực Việt Nam để đổi lại bằng lượng khách quốc tế và doanh thu du lịch.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Mùa du lịch ‘điên cuồng’ ở châu Âu đã bắt đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO