Mất mốc 1.800 USD/ounce, giá vàng giảm tuần thứ 5 liên tiếp trong bối cảnh lo ngại về lạm phát và suy thoái kinh tế vẫn tiếp tục leo thang. Có thể thấy, tâm lý chấp nhận rủi ro của các nhà đầu tư đã xuất hiện, bất chấp khủng hoảng từ cuộc chiến Nga-Ukraine cũng như sự hồi sinh của kinh tế Trung Quốc.
Thời gian qua, vàng thực sự không còn hấp dẫn khi các nhà đầu tư hướng sự quan tâm đến biến động đồng USD và có động thái dốc toàn lực tài chính vào mua nhiều trái phiếu. Điều đó làm giá vàng giảm nhiều phiên liên tiếp trong tuần.
Ngoài ra, chuỗi dài giảm giá đã chứng kiến lượng bán mạnh tiếp theo của nhà đầu tư vào phiên cuối cùng trong tuần, đánh dấu ngày thứ 5 liên tiếp giảm giá. Ở châu Âu, vàng cũng ghi nhận chuối dài giảm từ phiên đầu tuần và kết thúc phiên cuối tuần với mức giá xuống thấp nhất kể từ ngày 16/5, quanh vùng 1.792 USD/ounce .
Ngày 30/6, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân của Mỹ giảm khiến tâm lý lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể nhấn chìm đồng USD. Sự suy giảm của đồng bạc xanh dẫn đến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm xuống dưới 3,0%, trước khi phục hồi lên 3,01% vào lúc đóng cửa.
Về chính sách tiền tệ, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tái khẳng định mạnh mẽ sẽ tăng lãi suất cao thông qua phát biểu của Chủ tịch Jerome Powell ngày 29/6: “Nền kinh tế Hoa Kỳ đang ở vị trí tốt để xử lý các chính sách chặt chẽ hơn”.
Tâm lý thị trường vẫn còn mong manh trong bối cảnh lo ngại rằng, tỷ giá tăng nhanh chóng và điều kiện tài chính thắt chặt sẽ đặt ra những thách thức đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Thêm vào đó, cuộc chiến Nga-Ukraine đang diễn ra đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái có thể xảy ra. Đổi lại, điều này làm giảm sự hấp dẫn của các nhà đầu tư đối với các tài sản có rủi ro cao hơn, khiến vàng chịu nhiều áp lực giảm giá.
Theo hãng tin Reuters, vàng ghi nhận chuỗi giảm giá liên tiếp trong nhiều tuần, giảm xuống 1% so với kết thúc phiên cuối tuần trước, do đồng USD mạnh lên và triển vọng lãi suất cao hơn làm xói mòn sức hấp dẫn của vàng. Việc Ấn Độ tăng thuế nhập khẩu cũng làm giảm nhu cầu với vàng miếng.
Như vậy, vàng kết thúc một quý tồi tệ nhất kể từ đầu năm 2021 trong bối cảnh chính sách tiền tệ tích cực từ ngân hàng trung ương các nước lớn. Do đó, nếu tính vàng là kênh đầu tư không lãi suất, kết thúc tuần này đã giảm 2% giá trị so với đồng USD.
Dự báo, Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng có khả năng bắt đầu tăng lãi suất trong tháng này.
Nhà phân tích độc lập Ross Norman đánh giá: “Bất chấp tâm trạng tránh rủi ro hiện tại đối với thị trường tài chính, đồng USD mới là nơi trú ẩn mất an toàn chứ không phải kim loại quý”.
Ấn Độ, nước tiêu thụ vàng miếng lớn thứ hai thế giới, đã tăng thuế nhập khẩu cơ bản đối với vàng từ 7,5% lên 12,5% nhằm giảm thâm hụt thương mại.
Ajay Kedia, Giám đốc Kedia Commodities ở Mumbai, cho rằng việc Ấn Độ tăng thuế nhập khẩu sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến nhu cầu đối với vàng, mặc dù quý 3 thường có lượng mua mạnh mẽ khi nước này diễn ra nhiều hoạt động lễ hội.
Ngọc Cương