Không chỉ dầu thô, ngũ cốc mà dầu thực vật cũng đang chịu ảnh hưởng lớn từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Cùng với đó, một loạt lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga cũng khiến thị trường hàng hóa hứng chịu một cơn “rung chấn”.
Ukraine và Nga là những nhà cung cấp lúa mì, ngô và lúa mạch lớn nhất thế giới. Hai nước này còn xuất khẩu hơn 75% lượng dầu hướng dương trên toàn cầu.
Tuy nhiên, căng thẳng giữa Ukraine và Nga đang làm cho thị trường toàn cầu vốn đã gặp nhiều khó khăn về nguồn cung giờ càng thêm khó. Việc này dẫn đến giá của bốn loại dầu thực vật là: dầu cọ, dầu đậu nành, dầu hạt cải và dầu hướng dương gần đây liên tục tăng mạnh, đạt mức cao kỷ lục.
Dầu ăn là nguyên liệu được sử dụng trong bữa cơm hàng ngày của mỗi gia đình. Đây cũng là loại nguyên liệu được sử dụng trong hàng nghìn sản phẩm hàng hóa, từ socola đến bánh kẹo, mì ăn liền... Vì thế, người tiêu dùng trên khắp thế giới đang phải trả mức giá cao hơn cho những sản phẩm họ sử dụng hàng ngày.
Dầu ăn tăng giá mạnh |
Giá của nhiều loại dầu thực vật thế giới bắt đầu tăng từ cuối năm 2020 do sản lượng hạt hướng dương và dầu cọ giảm mạnh ở nhiều nước. Đến năm 2021, hạn hán làm nguồn cung hạt cải dầu ở Canada giảm mạnh, đồng thời làm giảm sản lượng đậu nành ở Brazil, Argentina sụt giảm. Trong khi đó, nhu cầu nhiên liệu sinh học và dầu thực phẩm trên thế giới không ngừng gia tăng. Những yếu tố này kết hợp cùng lúc đã thúc đẩy giá dầu thực vật tăng mạnh.
Gần đây, giá dầu thực vật trên toàn cầu tăng mạnh do xu hướng tồn trữ dầu thực vật trên toàn thế giới liên tiếp giảm xuống mức thấp trong khi giá dầu mỏ và ngũ cốc tăng cao. Đặc biệt, xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến cho giá dầu ăn trên toàn thế giới tăng cao chưa từng có.
Theo thống kê của UkrAgroConsult, kể từ giữa tháng 6 năm ngoái, giá dầu hướng dương từ Ukraine đã tăng khoảng 50%, dầu hạt cải cũng gặp phải tình trạng tương tự. Còn giá dầu cọ và dầu đậu nành từ Ukraine cũng tăng gấp đôi.
Tại châu Á, giá dầu ăn đã đạt mức kỷ lục trong vòng nhiều năm nay do lo ngại nguồn cung trên thế giới bị thắt chặt.
Xung đột giữa Nga và Ukraine khiến các cảng của Ukraine buộc phải đóng cửa khiến hoạt động vận tải, logistics bị gián đoạn, hậu cần bị cắt đứt.
Ông Anilkumar Bagani, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Sunvin Group (công ty môi giới và tư vấn về dầu ăn có trụ sở tại Mumbai, Ấn Độ) cho biết trên Straitstimes, việc xuất khẩu dầu hướng dương từ Biển Đen đang bị tắc nghẽn, các hoạt động sản xuất dầu ăn ở Ukraine ngừng trệ. Điều này sẽ tạo khoảng trống lớn trong nguồn cung dầu thực vật trên toàn cầu.
Theo ông Anilkumar Bagani, khoảng trống đó sẽ không dễ dàng được lấp đầy vì các nhà cung cấp hạt có dầu và dầu ăn khác cũng đang phải đối mặt với các vấn đề của riêng họ. Do đó, giá của bốn loại dầu thực vật chính đã tăng vọt.
Linh Anh