Theo ghi nhận của PV Dân trí trên đoạn đường Nguyễn Trãi (địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội) được thí điểm phân làn bằng giải phân cách cứng vào giờ cao điểm sáng 5/9, hiện tượng ùn ứ gần khu vực cầu vượt Ngã Tư Sở (địa bàn quận Đống Đa) diễn ra trong khoảng thời gian 45 phút (từ 7h30 đến 8h15 sáng cùng ngày).
Khu vực xảy ra ùn ứ kéo dài khoảng 700m, từ điểm giao đường Khương Đình - Nguyễn Trãi đến cầu vượt Ngã Tư Sở. Gần "nút thắt" cầu vượt, cả 5 làn đường đều chật kín người cùng các phương tiện.
Trong khi đó, tại điểm đầu mỗi dải phân cách vẫn xuất hiện lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông tiến hành điều tiết, nhắc nhở chủ phương tiện đi đúng làn đường đã quy định.
Đến 8h30 sáng 5/9, hiện tượng ùn ứ tại khu vực này bắt đầu hạ nhiệt, các phương tiện không mất quá nhiều thời gian để đi từ hướng đường Nguyễn Trãi qua cầu vượt Ngã Tư Sở.
Trước đó, Sở GTVT đã huy động nhân lực lắp 748m dải phân cách, phục vụ công tác tổ chức lại giao thông đường Nguyễn Trãi. Thời gian phân luồng giao thông thí điểm từ ngày 6/8 đến ngày 6/9.
Lý giải về động thái phân làn bằng dải phân cách cứng, ông Trần Hữu Bảo - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội cho biết, đường Nguyễn Trãi có mật độ ô tô, xe máy đông đúc, nhiều đường giao cắt dẫn đến thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm. Để giải quyết vấn đề này, Sở đã báo cáo TP cho thí điểm lắp đặt dải phân cách cứng tách riêng là ô tô, xe máy.
Trao đổi với PV, TS Phan Lê Bình (chuyên gia giao thông) cho biết, trong thời gian thí điểm phân làn bằng dải phân cách cứng vừa qua, bản thân có tham gia giao thông qua khu vực đường Nguyễn Trãi. Theo quan sát cá nhân, ông cảm nhận tình hình giao thông ở tuyến đường này đã "trật tự hơn" so với trước và đây là một tín hiệu khả quan.
Nói về mục tiêu phân làn để giảm ùn tắc giao thông mà Sở Giao thông vận tải hướng đến, TS Phan Lê Bình bày tỏ quan điểm "không dám kỳ vọng nhiều" vì trong giờ cao điểm, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông quá cao nên tại "nút thắt" Ngã Tư Sở xảy ra ùn ứ là điều hiển nhiên.
Tuy nhiên, với cách các phương tiện phải vận hành theo trật tự như hiện nay, vị chuyên gia giao thông này khẳng định sẽ giúp giảm nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Bởi lẽ, khi chưa phân làn cứng, ô tô, xe máy và các phương tiện lưu thông rất lộn xộn. Trong khi đó, người điều khiển xe máy rất hay tạt đầu ô tô, nếu tài xế không xử lý kịp rất dễ xảy ra tai nạn.
"Quan điểm của tôi là lực lượng chức năng cần tiếp tục duy trì thí điểm ở đường Nguyễn Trãi vì giải pháp này đang tạo ra văn hóa giao thông cho người dân ở Hà Nội. Điều này không dễ đạt được trong một sớm một chiều. Vì vậy, cần duy trì thí điểm từ 3-6 tháng mới thành thói quen. Quá trình thí điểm, nếu có khu vực nào phân làn còn bất cập thì điều chỉnh cho phù hợp hơn" - ông Bình bày tỏ.
TS Phan Lê Bình cũng cho rằng, khi việc thí điểm ở tuyến đường Nguyễn Trãi đạt được cơ bản mục tiêu đã đề ra, cơ quan chuyên trách nên áp dụng rộng rãi giải pháp này ở các tuyến đường khác có cơ sở hạ tầng đủ điều kiện.
"Điều này sẽ hình thành văn hóa giao thông cho người dân như: Xe máy luôn đi bên tay phải, ô tô đi bên trái, giúp các phương tiện bớt xung đột với nhau" - TS bình nói.
Cục Cảnh sát Giao Thông - Bộ Công An phối hợp với Báo điện tử Dân trí và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam tổ chức Lễ phát động Chương trình Sáng kiến An toàn Giao thông Việt Nam năm 2022.
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Năm An toàn giao thông 2022 với mục tiêu huy động sức mạnh trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân nhằm đưa ra các giải pháp giải quyết thực trạng giao thông đường bộ Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT).
Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2022 gồm 03 hoạt động chính:
1. Khảo sát, lấy ý kiến người tham gia giao thông
Mỗi người dân góp một tiếng nói phản ánh về thực trạng tình hình giao thông hiện nay. Qua đó, các Cơ quan quản lý Nhà nước về TTATGT có thể hiểu được những khó khăn, tâm tư, nguyện vọng của người tham gia giao thông để có những giải pháp thực tế, cải thiện tình hình giao thông mỗi ngày.
2. Cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2022
Cuộc thi là hoạt động trọng tâm của Chương trình, được tổ chức 02 năm một lần trên quy mô toàn quốc. Năm 2022 tập trung vào chủ đề giảm thiểu ùn tắc giao thông và hạn chế vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông.
3. Tổ chức Tọa đàm
Các buổi tọa đàm trao đổi, thảo luận, tham khảo ý kiến chuyên gia, tập trung hoàn thiện và phát triển các ý tưởng, giải pháp trong Cuộc thi có tính ứng dụng cao được áp dụng vào thực tiễn.