Kaya Liu, sinh viên chuyên ngành tiếng Anh một trường đại học ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc cho biết, các giáo viên tại trường yêu cầu sinh viên sắp tốt nghiệp ký hợp đồng “việc làm linh hoạt”.
Đây được cho là cách nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên mới tốt nghiệp, giúp nâng vị thế của ngôi trường đó.
Áp lực từ các cố vấn nghề nghiệp tại trường đại học khiến Kayla Liu cảm thấy căng thẳng và cô phải tìm việc làm bằng mọi giá.
Không thể tìm được công việc toàn thời gian sau nhiều tháng tìm kiếm nên Liu chọn cách bán hàng online trên trang thương mại điện tử Taobao. Cửa hàng trực tuyến của Liu thu được khoảng 300 nhân dân tệ (khoảng 1 triệu đồng) mỗi tuần, đủ để cô trang trải chi phí hàng ngày trong khi tìm kiếm một công việc toàn thời gian.
Bằng cách xác định mình là nhân viên “linh hoạt”, Liu gia nhập hàng triệu người làm nghề tự do trên khắp Trung Quốc. Theo số liệu gần đây nhất của Cục Thống kê Quốc gia, Trung Quốc có 200 triệu “công nhân linh hoạt” vào cuối năm 2021, gấp gần ba lần so với năm 2020.
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 16 đến 24 tuổi ở Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục, 20,4% trong tháng 4, trong khi tháng 3 là 19,6%. Hơn 11 triệu sinh viên mới tốt nghiệp dự kiến sẽ tham gia thị trường lao động vào mùa hè này.
Trường hợp của Kayla Liu không phải là duy nhất. Nhiều sinh viên Trung Quốc cho biết họ bị nhà trường gây áp lực phải đảm bảo xin được việc làm trước khi tốt nghiệp - một hiện tượng mà truyền thông Trung Quốc phản ánh trong mùa tốt nghiệp năm 2022.
Tháng 6 năm ngoái, hãng tin Caixin cho biết, nhà trường thông báo các sinh viên sẽ không nhận được bằng tốt nghiệp nếu không nộp bằng chứng về việc xin được việc làm. Bộ Giáo dục Trung Quốc đã cảnh báo các trường báo cáo sai số liệu việc làm và cam kết sẽ điều tra bất kỳ trường nào nếu có dấu hiệu báo cáo sai.
Bộ Giáo dục đề nghị các trường không được ép buộc hoặc lôi kéo sinh viên ký hợp đồng lao động hoặc việc làm. Các trường cũng không thể giữ lại bằng tốt nghiệp để ép buộc sinh viên ký hợp đồng lao động, cũng như không thể bắt sinh viên ký vào bằng chứng việc làm giả.
Theo dữ liệu từ Trung tâm Hướng nghiệp và Thông tin sinh viên giáo dục Đại học Trung Quốc, hơn 16% tổng số sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc vào năm 2020 và 2021 chọn việc làm linh hoạt.
Với sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số, những người lao động linh hoạt ở Trung Quốc đang tìm được việc làm trong nhiều lĩnh vực, bao gồm giao đồ ăn, bán hàng trên đường phố, bán hàng qua livestream và tạo nội dung truyền thông xã hội.
Với hơn 1/5 người Trung Quốc ở độ tuổi 16 đến 24 thất nghiệp, việc làm linh hoạt dường như là một trong những giải pháp để giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao kỷ lục của Trung Quốc - vấn đề phức tạp do dân số ngày càng già đi và thu hẹp lại.
Tuy nhiên, một số sinh viên mới tốt nghiệp đại học lại cảm thấy thoải mái khi trở thành nhân viên linh hoạt. Chelsea Li, sinh viên ngành quản trị nhân sự ở Thành Đô từ bỏ hy vọng tìm được việc làm trên các nền tảng tuyển dụng như Boss Zhipin và Zhilian Zhaopin. Cô quyết định bắt đầu công việc kinh doanh bánh và món tráng miệng trên đường phố. Mỗi ngày, Li kiếm được 500 nhân dân tệ (khoảng 1,7 triệu đồng) từ việc bán hàng.
"Đây là điều hạnh phúc nhất mà tôi có được kể từ khi tốt nghiệp, nó mang lại cho tôi cảm giác hài lòng. Tìm việc và gửi hồ sơ xin việc là quá trình mệt mỏi" - Li nói.
Với một số thanh niên Trung Quốc, lựa chọn việc làm linh hoạt cùng với số hóa và sự phát triển của các phương tiện truyền thông mới có nghĩa là họ không còn gắn bó với các quan niệm truyền thống về công việc.
Leon Liu, một sinh viên tốt nghiệp kiến trúc 26 tuổi, cho biết với công việc linh hoạt, anh có thể dành nửa năm để đi du lịch, trong khi làm việc hoàn toàn từ xa.
"Ban đầu, gia đình tôi không ủng hộ và muốn tôi tìm một công việc ổn định, nhưng tôi cảm thấy kiểu linh hoạt này thực tế hơn. Bây giờ tôi đã quen với việc quản lý khối lượng công việc và thu nhập của mình" - Leon Liu nói. Ngoài công việc tư vấn tự do cho các dự án kỹ thuật và kiến trúc, nhờ thông thạo tiếng Anh, Pháp và Đức, Liu còn dạy ngoại ngữ trực tuyến và mở một công ty về điều phối trao đổi văn hóa giữa sinh viên Trung Quốc và Trung Đông.
"Làm việc trực tuyến và trở thành ông chủ của chính mình mang lại cho tôi rất nhiều niềm vui và số tiền tôi kiếm được đủ để duy trì các chuyến du lịch của bản thân. Tôi có thể chọn người mà mình làm việc cùng, dự án nào sẽ thực hiện, làm những việc thực sự có ý nghĩa, chẳng hạn như tương tác với những người từ các nền văn hóa khác nhau" - Liu cho biết.
Summer Huang, 33 tuổi ở Quảng Châu đã nghỉ việc tại một công ty công nghệ hai năm trước và bắt đầu công việc người quản lý mạng xã hội độc lập, viết và sáng tạo nội dung cho nền tảng phong cách sống trực tuyến Xiaohongshu. Thu nhập của cô từ 20.000 - 50.000 nhân dân tệ (khoảng gần 70 triệu đến 170 triệu đồng)/tháng tùy thuộc và số lượng công việc cô đảm nhận.
Mặc dù công việc tự do, chỉ phải làm việc 4 ngày/tuần nhưng Huang thừa nhận: "Đôi khi còn mệt mỏi hơn cả công việc toàn thời gian trước đây của tôi. Bạn tự làm chủ bản thân. Nếu bạn ngừng làm việc, tiền sẽ ngừng đến. Bạn cần phải chuẩn bị cho sự bất ổn. Thu nhập có thể không thể đoán trước. Đó là sự đánh đổi để có nhiều tự do hơn".