Đề thi đánh giá tư duy Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2022: Xem tại đây
Sau khi hơn 7.000 thí sinh hoàn thành kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, ít nhất trong 3 năm tới, trường vẫn tiếp tục sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT làm phương thức tuyển sinh đầu vào.
Dự kiến, trường sẽ dành khoảng 20 - 30% tổng chỉ tiêu cho phương thức này. Việc này nhằm đảm bảo quyền lợi cho thí sinh tại các vùng, miền, đặc biệt những em không thể tiếp cận, di chuyển tới địa điểm tổ chức thi tư duy.
Tuy nhiên, thời gian tới, một số ngành học cạnh tranh cao, thuộc các nhóm như Tự động hoá, Công nghệ thông tin, trường sẽ không tuyển sinh từ kết quả thi tốt nghiệp THPT. Dự kiến trường sẽ dành toàn bộ chỉ tiêu xét tuyển từ kỳ thi đánh giá tư duy.
"Trường phải chọn lựa gắt gao thì mới có nguồn sinh viên chất lượng, nhất là ở những ngành khó, tỷ lệ đào thải cao", ông Điền nhấn mạnh.
Trước những ý kiến thí sinh than đề thi đánh giá tư duy năm nay dài và khó, ông Điều cho biết, các câu hỏi của đề thi tư duy được phân hoá theo các mức độ, nhưng chỉ dành 20% cho thông hiểu (mức dễ). So với mức 50-60% của đề thi tốt nghiệp THPT, đề đánh giá tư duy có độ phân hoá cao hơn, dành phần lớn nội dung cho mức độ vận dụng và vận dụng sáng tạo.
Ông cho biết thêm, các câu hỏi trong phần vận dụng sáng tạo khá kén thí sinh nên những em thực sự xuất sắc mới làm được bài này. Bên cạnh đó, việc thiết kế bài thi Đánh giá tư duy theo hướng có một bài đọc hiểu nhằm phân loại thí sinh có khả năng hiểu ngôn ngữ tiếng Việt, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ
"Sẽ không có chuyện 'mưa' điểm 9, 10 thi tư duy, và điểm chuẩn không tràn lan ở mức 27", ông Điền cho hay.
Năm 2022, tổng số hơn 7.000 đăng ký tham gia kỳ thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức. Trường tổ chức tại 5 cụm thi phân bổ từ miền Bắc tới miền Trung, gồm: Đại học Bách khoa Hà Nội (4276 thí sinh); Đại học Hàng Hải Việt Nam - Hải Phòng (1695 thí sinh), Đại học Tân Trào - Tuyên Quang (105 thí sinh), Đại học Vinh - Nghệ An (985 thí sinh), Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng (75 thí sinh).
Bài thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội diễn ra trong 270 phút, gồm 3 phần: phần bắt buộc với môn toán và đọc hiểu (120 phút); phần tự chọn 1 - Khoa học tự nhiên gồm các môn: Lý, Hóa, Sinh (90 phút); phần tự chọn 2 là môn tiếng Anh (60 phút) hoặc có thể quy đổi các chứng chỉ quốc tế như IELTS.
Bài thi đánh giá tư duy sẽ được thi trên giấy, theo hình thức trắc nghiệm như thi THPT. Riêng môn Toán và tiếng Anh có một phần tự luận để đánh giá cách tư duy và khả năng trình bày của các thí sinh.