Giấc ngủ luôn là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định sức khỏe và sự phát triển của trẻ sơ sinh. Vậy nên cùng với việc đảm bảo thời gian ngủ đầy đủ cho bé thì chất lượng giấc ngủ cũng đặc biệt được các bố mẹ quan tâm trong quá trình nuôi dạy con.
Để con được ngủ ngon, ngủ sâu giấc nhiều phụ huynh liền sắm sửa cho chúng những chiếc gối thật đẹp và êm ái tuy nhiên họ lại chưa thực sự tìm hiểu xem trẻ sơ sinh có nên nằm gối hay không, nằm gối có lợi hay có hại? Bài viết dưới đây sẽ cùng độc giả giải đáp điều đó.
Trẻ sơ sinh có nên nằm gối và những mối nguy tiềm ẩn?
Đối với đa số người lớn, gối gần như là công cụ bất ly thân mỗi khi đi ngủ, nó làm người ta cảm thấy thoải mái và đi vào giấc ngủ nhanh hơn, chất lượng hơn. Thế nhưng đối với trẻ sơ sinh thì sao? Theo các chuyên gia, trẻ sơ sinh không cần thiết phải dùng gối, thậm chí nếu lạm dụng gối cho bé từ khi còn nhỏ thì khi lớn lên rất có thể trẻ sẽ bị dị tật hình thể về cột sống.
Lý giải cụ thể hơn, xương sống của trẻ lúc mới sinh là đường thẳng chứ chưa cong như người lớn. Khi ngủ, phần đầu lưng phải thẳng, cổ được thả lỏng tự nhiên không bị căng quá mức. Không có gối thì cổ của trẻ ở trạng thái tự nhiên, không có áp lực và chất lượng giấc ngủ tốt hơn. Nếu nằm gối cổ trẻ sẽ bị cong lên trên, theo đó xương sống bị thay đổi hình dạng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển xương sống, nguy cơ mắc dị tật ở trẻ là rất cao.
Nguy hiểm hơn, ở giai đoạn này xương cổ và sụn còn rất mềm vì thế bé không có khả năng tự nhấc cổ. Gối đầu không thoải mái cổ bé sẽ bị gập lại gây cảm giác khó chịu, vùng họng bị chèn ép dẫn tới sặc thậm chí ngạt thở.
Ngoài ra, nếu để bé nằm ngửa liên tục trên một chiếc gối mềm có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng đầu phẳng bởi tư thế này làm tăng áp lực tác động vào một điểm trong thời gian dài và tạo nên mặt phẳng trên hộp sọ.
Trong một số trường hợp, nếu vỏ gối làm bằng polyester còn có thể làm tăng nhiệt bên dưới đầu, khiến bé đổ mồ hôi nhiều và dẫn đến sự dao động nhiệt độ trong cơ thể, cũng là một nguyên nhân gây ốm, tổn hại đến sức khỏe của bé.
Khi nào cho trẻ nằm gối?
Theo nghiên cứu do Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) thực hiện, trẻ sơ sinh trước 1 tuổi không nên gối đầu khi ngủ, việc dùng gối quá sớm sẽ cản trở sự tăng trưởng và phát triển của trẻ, chưa kể có thể dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm như đã nêu trên.
Tức là sau một tuổi bố mẹ có thể cho bé dùng gối, tuy nhiên các chuyên gia nhi khoa khuyên rằng tốt nhất là để sau 2 tuổi, khi cột sống của trẻ đã xuất hiện đường cong sinh lý mới nên cho trẻ gối đầu. Tuy nhiên, ngay cả sau độ tuổi này, nếu bạn cảm thấy con mình thoải mái khi ngủ mà không cần kê gối, bạn có thể bỏ qua việc sử dụng gối cho bé.
Thực tế cũng cũng có những trường hợp bé dưới 2 tuổi nhưng bác sĩ nhi khoa có thể khuyên dùng gối nếu bé mắc một số tình trạng sức khỏe như trào ngược, nhiễm trùng tai và cảm lạnh mãn tính. Có những chiếc gối chống trào ngược được thiết kế để nâng cao đầu của em bé. Những chiếc gối này giúp trẻ thở và tiêu hóa dễ dàng hơn. Nó cũng hữu ích khi con bạn bị trào ngược vì nó làm giảm cảm giác khó chịu do trào ngược – có thể cản trở giấc ngủ của trẻ. Nhưng bạn cần phải luôn chú ý và cảnh giác để không để chiếc gối che mũi hoặc miệng của trẻ.
Cách lựa chọn gối an toàn cho bé Khi bé đã đủ tuổi để ngủ gối, bạn hãy lựa gối an toàn cho bé theo những tiêu chí dưới đây: - Gối nhỏ và phẳng, không quá mềm cũng không quá cứng. - Đừng mua gối lông vũ cho bé bởi rất dễ gây lún đầu và nghẹt thở khi ngủ. - Không chọn gối có nhiều chuỗi hạt hoặc nhiều tua vì những chiếc gối này rất dễ làm tổn thương mặt và mắt bé. - Tránh mua các loại vỏ gối làm từ vải polyester vì đây là loại gối thường khiến bé dễ bị dị ứng. Thay vào đó, hãy chọn những chiếc gối được làm từ vải cotton. - Không dùng gối định hình cho trẻ vì loại gối này có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển của hộp sọ, có thể khiến hộp sọ của trẻ bị biến dạng, dẫn đến đầu bẹt hoặc mặt lớn, mặt nhỏ không đồng đều. - Thường xuyên vệ sinh vỏ gối, phơi nắng ruột gối vì trẻ nhỏ thường xuyên chảy nước dãi, đổ mồ hôi, nên gối rất nhanh bẩn. |
Theo V.K - Vietnamnet