Những ngày vừa qua, khi tiếp nhận thông tin hàng loạt cán bộ từ Trung ương đến các tỉnh thành bị khởi tố do "ăn chia" với Công ty Việt Á, trong hoàn cảnh dịch bệnh bùng phát cướp đi tính mạng hàng vạn người dân, cá nhân ông cảm thấy thế nào?
- Khi dịch bệnh bùng phát, nhiều cán bộ ngành y đã phải gác lại mọi riêng tư ngày đêm tận tình chăm sóc bệnh nhân. Thế nhưng, trong hoàn cảnh đó vẫn có những cán bộ từ cấp Bộ đến Giám đốc CDC các tỉnh thành móc ngoặc với Công ty Việt Á tìm cách bòn rút tiền của nhà nước. Thực sự rất đáng buồn và phẫn nộ!
Qua hàng loạt vụ việc liên quan đến Công ty Việt Á bị lực lượng công an phanh phui như vậy cho thấy sai phạm ở đây có tính hệ thống. Các đối tượng đã móc nối với nhau làm những việc có thể nói là thất đức, bất chấp sự mất mát, đau thương của người dân. Theo tôi, xã hội cần phải lên án những đối tượng này, còn lực lượng công an cần phải mở rộng điều tra để không bỏ lọt tội phạm.
Ông có bất ngờ không khi chỉ cần thông qua 5 hợp đồng mua bán kit test Covid-19, có tổng giá trị 151 tỷ đồng, Phạm Duy Tuyến - Giám đốc CDC Hải Dương đã được Công ty Việt Á chi số tiền hoa hồng lên đến 30 tỷ đồng?
- Tôi không bất ngờ lắm đâu! Bởi để kit test Covid-19 của Công ty Việt Á với giá cao như vậy được cung ứng ở các tỉnh thành thì các đối tượng phải móc nối với nhau. Do vậy, chỉ cần thực hiện một phi vụ thôi, ông Giám đốc CDC Hải Dương đã nhận được số tiền lên đến 30 tỷ đồng. Số tiền "lại quả" lên tới hàng chục tỷ đồng như vậy khiến nhiều người không cưỡng lại được, sẽ tiếp tay cho tội phạm và đã trở thành tội phạm.
Trước khi vụ Việt Á được phanh phui, hàng loạt cán bộ của ngành y tế đã bị khởi tố do "bắt tay" với công ty tư nhân bòn rút tiền của Nhà nước và "trấn lột" tiền của bệnh nhân. Những cán bộ này liệu có phải "ăn" quen rồi nên bất chấp những bài học mang tính cảnh tỉnh, răn đe nhãn tiền?
- Những lình xình của ngành y đã diễn ra trong nhiều năm qua. Trước vụ Việt Á, nhiều cán bộ của ngành y đã bị khởi tố như ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc CDC Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ông Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội… Họ đều là những y bác sĩ đầu ngành nhưng đã bị đồng tiền làm cho tha hóa, dù đã có những bài học nhãn tiền, dù biết vi phạm lời thề Hippocrates, dù biết vi phạm pháp luật. Do vậy, con người luôn phải cảnh giác với chính bản thân mình, nếu không rất dễ dẫn đến sai phạm.
Nhiều người cho rằng, những cán bộ bị bắt trong vụ Việt Á vừa qua đã mang trong cơ thể con "virus tham lam" và chỉ đợi điều kiện là "bắt tay" với tội phạm?
- Người nào cũng thế, đều có mặt tốt, mặt xấu. Có nghĩa bản thân mỗi người đều có sẵn con "virus tham lam" rồi, chứ không phải người này có, nhưng người kia không có đâu. Tuy nhiên, nếu anh có sức đề kháng tốt thì chiến thắng được con "virus tham lam", vượt qua được những cám dỗ của đồng tiền.
Ngay cả những người bị bắt liên quan đến vụ Việt Á vừa qua họ cũng phải qua quá trình phấn đấu, rèn luyện, cống hiến mới được tổ chức đề bạt, bổ nhiệm. Tuy nhiên, khi đã lên cao, được quyền quyết định rồi thì họ bị thoái hóa, biến chất cùng doanh nghiệp tư nhân nâng giá kit test hưởng lợi. Do vậy, đối với bất kỳ ai, ở bất kỳ vị trí nào cũng phải luôn rèn luyện, phấn đấu mới chiến thắng được con "virus tham lam".
Khi nêu vấn đề trước Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, đội ngũ y bác sĩ chỉ nên tập trung vào công tác chuyên môn, bởi họ không giỏi quản lý hành chính, nên khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện hay Giám đốc CDC các tỉnh thành mới dẫn tới những sai phạm như vừa qua, thưa ông?
- Chúng ta không nên đổ thừa cho cơ chế, chính sách như thế. Bởi trước khi một bác sĩ được đề bạt vào vị trí giám đốc bệnh viện thì tổ chức nơi họ công tác đã phải tính toán rất kỹ họ có đủ năng lực chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời có giỏi quản lý hay không. Nếu anh giỏi cả chuyên môn nghiệp vụ lẫn quản lý thì chắc chắn làm tốt công việc được giao. Thực tế, cũng có nhiều trường hợp khi được đề bạt, bổ nhiệm nhưng họ không làm tốt công tác quản lý nên đã xin quay lại làm công tác chuyên môn.
Thời gian vừa qua cũng có ý kiến cho rằng giám đốc bệnh viện có cần là bác sĩ hay không. Theo tôi nếu một người chỉ giỏi quản lý hành chính thôi thì không làm giám đốc bệnh viện được. Bởi vì bệnh viện không phải làm một cơ quan, tổ chức quản lý hành chính đơn thuần mà phải gắn với chuyên môn nghiệp vụ.
Như ông vừa nói trước khi được bổ nhiệm làm người đứng đầu giám đốc bệnh viện, giám đốc CDC tỉnh thành, những cán bộ này đã trải qua quá trình "sàng lọc" rất kỹ càng của tổ chức. Vậy tại sao khi họ bị bắt chúng ta mới thấy đã để "lọt lưới" cho những người thoái hóa, biến chất leo cao?
- Trong công tác cán bộ, có thể có chỗ này, chỗ kia có vấn đề, nhưng về cơ bản là được làm rất tốt. Bởi trước khi được đề bạt, bổ nhiệm, những cán bộ đó đã phải trải qua quá trình rèn luyện, phấn đấu và được cơ quan, tổ chức theo dõi rất kỹ càng. Quá trình đó được thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ.
Như vậy, có thể nói trước khi đề bạt, trước khi được bổ nhiệm về cơ bản họ là những cán bộ tốt. Thế nhưng, khi có vị trí, có quyền lực trong tay, họ không tiếp tục rèn luyện, không vượt qua được chính mình, không vượt qua được sự cám dỗ của đồng tiền, dẫn đến tham ô, tham nhũng.
Khi nói về vấn đề này, nhiều người chia sẻ với tôi rằng, phải chăng là do thu nhập của người lao động chưa phù hợp mới dẫn đến tình trạng đó hay không? Thực tế như ông Giám đốc CDC Hải Dương chỉ cần thực hiện một phi vụ là đã được chia 30 tỷ đồng thì thử hỏi lương của họ bao nhiêu cho đủ. Hay thu nhập của giám đốc một bệnh viện hiện nay có thể lên đến hàng cả trăm triệu đồng/tháng nhưng thử hỏi họ có vượt qua được sự hấp dẫn của số tiền lớn đến như vậy hay không.
Vấn đề ở đây là anh đã tu dưỡng, rèn luyện đủ tốt để vượt qua sự cám dỗ của đồng tiền hay chưa. Ngay như khi vụ Việt Á mới được phanh phui, Giám đốc CDC Bắc Giang, Nghệ An còn khẳng định mình không "ăn chia", quá trình đấu thầu kit test được thực hiện công khai, minh bạch, nhưng cuối cùng vẫn nhận cái kết là bị bắt.
Xin cảm ơn ông!
Nội dung: Quang Phong
Thiết kế: Thủy Tiên